| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tuần hoàn khép kín, tiết kiệm 50 - 60% chi phí

Thứ Hai 13/02/2023 , 08:35 (GMT+7)

NINH BÌNH Chăn nuôi tuần hoàn khép kín giúp anh Thảo tiết kiệm được 50-60% chi phí đầu vào, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe...

Không dễ ăn nếu không có kiến thức

Trái ngược với không khí nhộn nhịp vui xuân, lễ hội vẫn còn len lỏi khắp các thôn xã thì trang trại chăn nuôi tuần hoàn khép kín của anh Bùi Văn Thảo tại xóm 10, xã Khánh Mậu (Yên Khánh, Ninh Bình) lại tất bật sáng đèn chuẩn bị cho việc xuất bán những chuyến hàng bê giống, thịt dê, thịt cừu đầu tiên trong năm mới.

Anh Thảo chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư nên những loại cây, con nào phát triển phù hợp với đồng đất quê hương anh đều nắm vững trong lòng bàn tay. Sau thời gian bôn ba làm đủ nghề mưu sinh, năm 1993, với số vốn tích lũy được, vợ chồng anh đã mạnh dạn đấu thầu 4 mẫu đất khu vực giáp đê thuộc thôn Bãi Trữ (xã Ninh Giang) để phát triển nuôi dê sinh sản, rồi dê lấy sữa. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm chăn nuôi, xác định thị trường tiêu thụ tích lũy được chỉ thông qua việc "học lỏm", truyền tai nhau nên đã không ít lần đẩy vợ chồng anh vào cảnh lao đao.

IMG_9167

Áp dụng chăn nuôi tuần hoàn khép kín giúp trang trại của anh Bùi Văn Thảo tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu vào. Ảnh: Trung Quân.

“Mình là một trong những người đầu tiên của tỉnh sản xuất sữa dê, nhưng thiếu kinh nghiệm nên sữa tạo ra không tiêu thụ được, bao nhiêu vốn liếng đầu tư bỗng chốc bay hơi. Đã có những lúc hai vợ chồng nản chí, dự định chuyển hướng, nhưng cân lên đặt xuống rồi quyết định vẫn theo nghề đến cùng. Vấp chỗ nào mình không giấu dốt nữa mà mày mò tìm hiểu, cắp sách đi học kiến thức, kinh nghiệm tại những nơi uy tín; nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, khuyến nông... Đến hiện tại, các kiến thức cơ bản anh đều thuộc lòng, không còn lớ ngớ như trước đây, việc chăn nuôi cũng nhờ đó tốt dần lên”, anh Thảo vui vẻ nói.

Khi nhận thấy đã nắm chắc kiến thức trong tay, đến năm 2021, anh thuê đất tại xã Khánh Mậu (Yên Khánh) với diện tích 6,8 ha để mở rộng quy mô và phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn khép kín. Anh đầu tư nuôi 100 con bò sinh sản; 600 dê và cừu; trồng 3ha cỏ; 2ha ngô sinh khối làm thức ăn cho đàn vật nuôi.

Theo anh Thảo, bò hay dê rất dễ nuôi, có thể nuôi dê theo hình thức chăn thả hoặc nuôi nhốt. Bò, dê mắn đẻ nên thuận lợi tăng đàn, tốn ít công chăm sóc, thu hồi vốn nhanh… Tuy nhiên, nếu không có kiến thức, sự chuyên tâm thì cũng rất dễ “trắng tay”. Bởi để những vật nuôi này sinh trưởng và phát triển thuận lợi thì có rất nhiều yếu tố người nuôi bắt buộc phải đảm bảo như con giống, chuồng nuôi, phòng trị bệnh, nguồn thức ăn và khẩu phần ăn...

IMG_9118

Chất thải từ chăn nuôi được anh Thảo dùng làm phân bón cho ngô sinh khối, cỏ. Những loại cây trồng này khi thu hoạch quay trở lại làm thức ăn cho chăn nuôi. Ảnh: Trung Quân.

Riêng đối với dê, về chuồng nuôi, dê là loài động vật sạch sẽ, không ưa độ ẩm cao, do đó, nên làm chuồng tại nơi cao ráo, dễ thoát nước. Bên cạnh đó, phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh ẩm ướt, mưa hắt, gió lùa, ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào dê.

Sàn chuồng phải bằng phẳng và cách mặt đất tối thiểu 50 - 70cm, tốt nhất nên làm bằng các thanh gỗ phẳng, được đóng thành tấm có khe hở đủ để phân dê lọt xuống dưới nhưng không làm lọt chân dê. Nền chuồng cần láng bằng xi măng có độ dốc từ 15 - 20% để dễ dàng làm vệ sinh và thoát nước tốt. Ngoài ra, cần có công trình thu gom và xử lý chất thải phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và thuận lợi cho việc tiêu độc khử trùng...

Về thức ăn và khẩu phần ăn, đây là yếu tố rất quan trọng trong quá trình chăm sóc dê. Những loại thức ăn cho dê phổ biến là lá cây, các loại cỏ, đậu, rau củ; các thức ăn có tinh bột như khoai, sắn, ngô; bã đậu, thức ăn hỗn hợp công nghiệp...

Cần lưu ý tới mức tiêu thụ của dê để bổ sung những dưỡng chất một cách cân đối. Cần thay đổi khẩu vị cho dê thường xuyên, cung cấp đủ lượng nước uống (dê con khoảng 0,5 - 1 lít/ngày, trưởng thành 5 lít/ngày). Đồng thời, phải tiêm phòng đầy đủ để phòng các bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm ruột, đậu...

Thu "lợi kép" nhờ chăn nuôi tuần hoàn khép kín

Anh Thảo chia sẻ: Muốn chăn nuôi, nhất là chăn nuôi với số lượng lớn thành công thì vấn đề chi phí, thức ăn và xử lý chất thải (phân, nước tiểu, nước dọn chuồng...), xử lý mùi hôi thối luôn là những bài toán lớn phải có phương án giải quyết.

fff

Chăn nuôi tuần hoàn khép kín giúp anh Thảo giảm được 50 - 60% chi phí đầu vào. Ảnh: Trung Quân.

Trang trại của anh cũng không ngoại lệ khi mỗi ngày phải tiêu tốn 10 bao thức ăn hỗn hợp công nghiệp (gần 3 triệu đồng), lương của 4 nhân công (200.000 đồng/người). Ngoài ra, phải đảm bảo cung cấp đủ 2 tấn thức ăn thô xanh và 1 tạ ngũ cốc...

Do đó, sau khi mày mò tìm hiểu và được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông, anh nhận thấy chăn nuôi kết hợp với trồng trọt theo vòng tuần hoàn khép kín được xem là cứu cánh để giảm được áp lực về chi phí đầu tư.

Anh Thảo phân tích: Cái lợi của chăn nuôi tuần hoàn khép kín là không còn chất thải. Bởi lẽ, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Cụ thể tại trang trại của anh, phân, nước thải từ chăn nuôi bò, dê, cừu được tận dụng ủ hoai mục cùng với men vi sinh để làm phân bón cho ngô sinh khối và cỏ. Hai loại cây trồng này đến khi thu hoạch sẽ quay trở lại làm nguồn thức ăn hàng ngày và ủ chua làm thức ăn thô xanh vào mùa đông cho chăn nuôi.  

IMG_9186

Chăn nuôi tuần hoàn khép kín giúp giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Trung Quân.

Điều này vừa giúp chủ động được nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí phân bón, thức ăn chăn nuôi, nhất là trong bối cảnh giá những loại vật tư này không ngừng tăng cao, vừa giúp giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cho gia đình, công nhân trực tiếp chăm sóc và cộng đồng xung quanh.

“Chăn nuôi và trồng trọt tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín đã giúp giảm được khoảng 50 - 60% chi phí đầu vào so với cách chăn nuôi truyền thống trước đây”, anh Thảo khẳng định.

Anh Thảo thông tin thêm: Với cách chăn nuôi tuần hoàn kết hợp trồng trọt, hiện tại, trung bình mỗi ngày trang trại của anh xuất bán ra thị trường 4 - 5 con dê (40 - 50kg thịt); ngày lễ, Tết khoảng 10 - 12 con, sau khi trừ chi phí anh thu về 500 - 600 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mỗi năm anh xuất bán 50 con bê giống với giá 10 triệu đồng/con, thu về khoảng 500 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.