Thời gian đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Phong Châu đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Năm 2011, xã mới đạt 4/19 tiêu chí NTM. Hạ tầng cơ sở yếu kém, thu nhập người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế trở thành rào cản lớn trong chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
Tuy vậy, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương với cách làm sáng tạo, quyết liệt, Phong Châu đã thực sự vươn mình, trở thành một vùng NTM với cơ sở hạ tầng được cải thiện vượt bậc.
Các tuyến đường giao thông, đường làng ngõ xóm, đường nội đồng được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Các công trình phúc lợi được đầu tư, nâng cấp phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng của người dân.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, mọi người dân đều nhiệt tình tham gia, ủng hộ chương trình xây dựng NTM. Người dân xã Phong Châu hiến hơn 50.000 m2 đất, đóng góp hơn 5.400 ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư hơn 46 tỷ đồng, chiếm 44,3% trong tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của xã.
Ngoài hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thì đổi thay rõ nét nhất ở Phong Châu những năm qua là phương thức sản xuất. Người dân đã không còn chỉ trồng cây ngô, cây lúa đơn thuần mà đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng ngành nghề để nâng cao thu nhập.
Xã chọn dẻ là cây trồng chủ lực. Từ năm 2020 đến nay, xã trồng mới 23 ha dẻ, nâng tổng diện tích toàn xã lên hơn 100 ha. Ngoài ra, tiếp tục vận động người dân phát triển trồng mới diện tích rừng đã cho thu hoạch. Lựa chọn một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao về trồng thử nghiệm ở một số xóm.
Ngoài trồng trọt, xã tích cực vận động người dân phát triển chăn nuôi lợn, vịt cỏ, vỗ béo gia súc. Nhiều mô hình kinh tế gia trại chăn nuôi gia cầm, gia súc vỗ béo, thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/năm.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, hiện đạt 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, hiện xã chỉ còn 23 hộ nghèo, chiếm 4,2% (là xã ít hộ nghèo nhất cả huyện).
Vừa bán gần 12 ha rừng thông trồng hơn 20 năm, ông Hoàng Văn Nìn, xóm Nà Mằn - Bản Piên thu về gần 500 triệu đồng. Ông Nìn chia sẻ: Có vốn từ bán rừng thông, tôi đầu tư xây chuồng trại, mua thêm 6 con trâu về vỗ béo. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mua thêm trâu vỗ béo để phát triển kinh tế. Với 8 con trâu sinh sản cùng đàn trâu vỗ béo trung bình 6 - 10 con/lứa, mỗi năm tôi có thể thu nhập hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi trâu.
Ông Nông Văn Thọ, Bí thư chi bộ xóm Nà Mằn, Bản Piên thông tin: Xóm có 70 hộ thì 100% hộ dân đều phát triển trồng rừng. Hộ ít cũng từ 5.000m2 - 1 ha, hộ nhiều từ 3 - 6 ha. Cả xóm hiện chỉ còn 4 hộ nghèo, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, người dân đồng thuận, đồng lòng cao tham gia vào chương trình xây dựng NTM nâng cao của xã.
Đến nay, xã Phong Châu Đạt 12/19 tiêu chí NTM nâng cao. Xã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng tiêu chí chưa đạt để thực hiện hoàn thành 1 - 2 tiêu chí/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2023 hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.
Ông Đàm Văn Thương, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã xác định muốn xây dựng NTM đạt hiệu quả cao thì phải có sự đồng thuận, đồng lòng của tất cả người dân. Cho họ thấy được mục tiêu khi xây dựng NTM là cho dân, vì dân để họ tích cực tham gia, hy sinh những cái lợi nhỏ của từng cá nhân, từng gia đình mà hướng tới cái lợi lớn hơn, lâu dài hơn.