Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm hơn mọi năm, mùa khô năm nay cũng đến sớm hơn. Diễn biến thời tiết phức tạp, dự báo thiếu nước tưới cho cây trồng, nguy cơ cháy rừng cao.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công điện số 01/CĐ-UBND chỉ đạo các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng trong mùa khô 2020.
Huyện Krông Pa (Gia Lai) có 100.390 ha đất lâm nghiệp (khoảng 84.000ha đất có rừng). Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện này cho biết, đầu mùa khô 2019 - 2020, hạt đã cấp phát về các xã, các đơn vị chủ rừng khoảng 4.500 lịch, tranh tuyên truyền, tờ cam kết an toàn lửa rừng, tờ rơi có nội dung bảo vệ rừng, sổ tay tuyên truyền bảo vệ rừng, nội quy PCCC..., tất cả đều được in bằng 2 thứ tiếng Kinh và J’rai.
Cũng ngay từ đầu mùa khô, huyện Krông Pa đã chủ động xây dựng phương án PCCCR, chú trọng việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó gồm 1.300 người, 702 xe (ô tô, máy cày, xe máy...), 1.132 bàn dập lửa cùng nhiều phương tiện khác.
Ông Hoàng Thi Thơ, Trưởng Ban Quản lý RPH Nam Sông Ba, cho biết, Ban đang quản lý gần 23.000ha rừng. Diện tích rộng, nằm rải rác ở nhiều xã, chủ yếu là rừng khộp hay rụng lá vào mùa khô nên rất dễ cháy. “Đơn vị đã thành lập 3 chốt, trực 24/24 giờ ở các khu vực dễ cháy. Ngoài ra còn có 17 nhóm xung kích với 85 thành viên tham gia; phối hợp với địa phương, tuyên truyền đến người dân về ý thức PCCCR...”, ông Thơ cho biết.
Huyện Chư Pưh có 21.100ha đất lâm nghiệp (gần 14.000ha đất có rừng), chủ yếu là rừng trồng với các loại cây như bạch đàn, keo, cao su... Đầu mùa khô, hạt Kiểm lâm huyện đã xây dựng phương án PCCCR, tổ chức diễn tập ở các khu vực xung yếu; hướng dẫn cách đốt dọn thực bì...
Trong năm 2019, hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh tổ chức 80 đợt tuyên truyền với nội dung nâng cao ý thức bảo vệ rừng, có hơn 400 lượt người tham gia; thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động ở các xã, lồng ghép tuyên truyền công tác PCCCR vào các cuộc họp dân...
Xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) có trên 320ha rừng dễ cháy, chủ yếu ở xa khu dân cư và xa nguồn nước. Do vậy khi xảy ra cháy rừng, rất khó huy động người và phương tiện đến dập lửa kịp thời.
Bí thư Đảng ủy xã Ia Blứ, ông Phạm Đức Ngọc, cho biết: “Chính quyền xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện nhằm tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng. Ngoài ra còn chuẩn bị lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra...”.
Theo ông Phạm Văn Đạo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh, nguyên nhân xảy ra cháy rừng chủ yếu do người dân sử dụng lửa bất cẩn trong sinh hoạt, đốt rừng làm rẫy, đốt cây tìm mật ong... Theo đó, việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tập huấn công tác PCCCR luôn được đặt lên hàng đầu.
Ông Trương Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng - Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai), cho biết, toàn tỉnh có 597.000ha rừng, trong đó có khoảng 270.000ha rừng dễ cháy, đặc biệt nguy cơ cháy cao đối với khoảng 50.000ha rừng trồng.
Tuy nhiên nhờ thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng đối với các địa phương, các đơn vị chủ rừng nên từ đầu mùa khô đến nay, mặc dù nắng nóng gay gắt, song trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào.
“Một số địa phương làm tốt công tác PCCCR như huyện Kông Chro, huyện Chư Pah. Đây là hai huyện có diện tích rừng trồng lớn, nguy cơ cháy cao.
Để đầu tư 1ha rừng trồng phải hết 35 - 37 triệu đồng, mà rừng trồng đã cháy là mất sạch, vậy nên người dân, chủ rừng hết sức quan tâm đến công tác phòng cháy, thực hiện nghiêm hướng dẫn của ngành chức năng về công tác phòng chống cháy rừng...”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài KTTV Tây Nguyên), thời tiết năm nay diễn biến có phần phức tạp, khó lường.
Đặc biệt, nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở vùng Đông Trường sơn, nơi có diện tích rừng trồng lớn, rất dễ bắt lửa nếu bất cẩn. Do vậy khuyến cáo người dân nên hết sức cẩn trọng trong việc đốt nương làm rẫy, đốt dọn thực bì hoặc săn bắt mật ong rừng trong mùa khô...
Ông Trương Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý, bảo về rừng - Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai), cho biết: Đầu mùa khô, đơn vị đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, thông báo cấp dự báo cháy rừng 2 lần/tuần. Bố trí lực lượng thay phiên trực 24/24 giờ nhằm sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống...