| Hotline: 0983.970.780

Phú Lương xây dựng sản phẩm OCOP chất lượng cao

Thứ Năm 16/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP chất lượng cao, đó là mục tiêu phấn đấu được huyện Phú Lương lên kế hoạch phấn đấu trong năm 2020

Sản phẩm chè an toàn Khe Cốc. Ảnh: Kiều Hải.

Sản phẩm chè an toàn Khe Cốc. Ảnh: Kiều Hải.

Để thực hiện mục tiêu chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025, huyện Phú Lương đã kiện toàn bộ máy quản lý, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gắn với Chương trình OCOP từ cấp huyện đến xã.

Trên cơ sở danh sách sản phẩm của các xã đăng ký, huyện đang rà soát các sản phẩm chủ lực gồm: Chè tôm nõn và trà túi lọc của Hợp tác xã Chè Khe Cốc (xã Tức Tranh); Chè của Cơ sở sản xuất chè Hoan Xuyến (xã Vô Tranh); Gạo nếp vải Phú Lương (các xã Ôn Lương, Hợp Thành, Phủ Lý); Bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng)… Sau khi rà soát, huyện sẽ chọn các sản phẩm chủ lực đủ điều kiện để tập trung phát triển sản phẩm 3 sao.

Chè Khe Cốc

Vốn được biết đến là vùng sản xuất chè ngon của huyện Phú Lương, không kém gì so với một số vùng sản xuất chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, chè Khe Cốc những năm gần đây tạo được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Làng nghề chè Cụm Khe Cốc, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương được công nhận từ năm 2011.

Được thành lập vào năm 2018, hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh sản xuất chè hữu cơ. Hiện nay hợp tác xã đang thực hiện dự án 35ha chè an toàn, hữu cơ và đã được Nhà nước hỗ trợ từ 25- 35 triệu đồng/ha/năm kéo dài từ 3 - 5 năm giúp bà con nhân dân chuyển đổi từ chè VietGAP, chè sản xuất thông thường sang sản xuất chè an toàn, hữu cơ.

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm chè của các thành viên HTX Chè an toàn Khe Cốc nâng lên đáng kể, lợi nhuận bình quân đạt tới trên 100 triệu đồng/ha/năm. Phấn đấu trong năm 2020, 100% diện tích chè tại xóm Tân Thái sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Anh Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè Khe Cốc cho biết: Hiện nay, bên cạnh sản phẩm trà, HTX còn đầu tư sản xuất thêm sản phẩm bột trà xanh, kẹo trà, trà túi lọc... nhằm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Thị trường đầu ra của sản phẩm chè ngày càng được mở rộng.

Năm 2019, sản phẩm trà túi lọc, chè móc câu ướp hương sen của HTX đã được tiêu thụ ở châu Âu như Ba Lan, Pháp với sản lượng trên 600kg, giá bán dao động từ 6 - 7 triệu đồng/kg. Trong đó, chè tôm nõn và trà túi lọc đã đăng ký là sản phẩm OCOP trong năm 2020.

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện luôn đặt nhiệm vụ đầu tiên là tái cơ cấu cây chè và phát triển các sản phẩm trà chất lượng cao để tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho người trồng chè.

Muốn tạo ra sản phẩm trà từ nguồn nguyên liệu sạch thì phải bắt đầu từ cây chè sạch an toàn về dịch bệnh đến an toàn trong quá trình sử dụng phụ phẩm chăm bón, áp dụng tiến bộ KHKT để sản xuất sản phẩm, bảo hộ sản phẩm cho người dân.

Bánh chưng Bờ Đậu

Bánh chưng Bờ Đậu là sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Phú Lương. Ảnh: Kiều Hải.

Bánh chưng Bờ Đậu là sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Phú Lương. Ảnh: Kiều Hải.

Bên cạnh đó, một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Phú Lương được nhiều người biết đến bấy lâu nay là sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng bởi hương vị đặc trưng và cũng là một trong những sản phẩm được đăng ký là sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020.

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu đã có truyền thống từ mấy chục năm nay, bánh chưng làm để bán quanh năm chứ không riêng gì dịp Tết.

Bà Phạm Thị Tâm (74 tuổi) chủ cơ sở bánh chưng Tâm Quang, ở xóm 9, Bờ Đậu cho biết, nhà bà làm bánh chưng đã gần 50 năm. Vào thời điểm cận Tết, trung bình mỗi ngày làm từ 3 – 4 tạ gạo gói bánh, tức khoảng 2.000 - 3.000 cái bánh, còn những ngày thường thì ít hơn.

Theo bà Nguyễn Bích Liên – Trưởng ban Quản lý Làng nghề cho biết, bánh chưng Bờ Đậu đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2009. Hiện nay, làng nghề có hơn 50 hộ làm bánh với trên 200 lao động chuyên sản xuất, kinh doanh. Trung bình mỗi hộ gói hơn 200 cái bánh/ngày với giá dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/cái. Còn vào những ngày giáp Tết, bán ra cả trăm nghìn chiếc bánh chưng mỗi ngày.

Đi thăm các hộ dân làng nghề bánh chưng Bờ Đậu vào đầu tháng 1/2020 vừa qua, ông Trần Quốc Tỏ - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đề nghị các cơ sở, hộ gia đình tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm bánh chưng, đồng thời xây dựng thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu, từng bước đưa kinh tế làng nghề phát triển bền vững.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.