| Hotline: 0983.970.780

Phú Xuyên đưa sản phẩm OCOP làng nghề vươn tầm thế giới

Thứ Hai 25/11/2024 , 08:49 (GMT+7)

Tham gia chương trình OCOP, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội có 231 sản phẩm được xếp hạng, phần lớn là của làng nghề, không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu.

"Từ khi sản phẩm khảm trai của tôi được công nhận OCOP 4 sao tôi đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ huyện, từ thành phố như tham dự các hội chợ, được tập huấn bán hàng online. Điều này không chỉ giúp nâng cao doanh số bán hàng mà còn giúp quảng bá thêm thương hiệu", ông Nguyễn Văn Hưng, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm khảm trai tại xã Chuyên Mỹ chia sẻ.

Nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Hà Nam, trong vùng phát triển kinh tế sôi động, huyện Phú Xuyên hiện đang có 1.145 doanh nghiệp trong đó 153 doanh nghiệp mới thành lập trong 9 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, số lượng hộ kinh doanh mới cũng tăng đáng kể với 1.612 hộ được đăng ký, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2023, nền tảng thương mại điện tử được thúc đẩy với 790 hộ kinh doanh đăng ký nộp thuế từ các hoạt động online.

Phơi tơ chuối làm đồ thủ công mỹ nghệ. Ảnh: NNVN.

Phơi tơ chuối làm đồ thủ công mỹ nghệ. Ảnh: NNVN.

Nhằm nâng cao hiệu quả cho các sản phẩm làng nghề truyền thống nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng huyện đã lập tài khoản Facebook và TikTok với tên "Làng nghề Phú Xuyên Hà Nội" phục vụ cho việc quảng bá và livestream bán hàng. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, huyện đã tổ chức ba đợt tập huấn livestream bán hàng trên nền tảng số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các xã có nhiều làng nghề như Chuyên Mỹ, Phú Túc, Phú Yên, Tân Dân, Đại Thắng và Bạch Hạ.

Qua đó, các hộ kinh doanh đã học cách viết bài, chụp ảnh, làm video ngắn, biết cách kể câu chuyện sản phẩm cũng như cách livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook và TikTok để mở rộng thị trường, tăng cường doanh thu. Huyện còn hỗ trợ xây dựng biển chỉ dẫn làng nghề, không chỉ giúp duy trì bản sắc làng nghề mà còn giúp các sản phẩm OCOP Phú Xuyên có thêm cơ hội được tiếp cận với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên - khẳng định, việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là cách để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là cơ hội để các sản phẩm địa phương tiếp cận được với thị trường lớn hơn, cạnh tranh với các sản phẩm trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ cho việc này, thời gian gần đây địa phương đã đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề như Phú Túc, Đại Thắng và Phú Yên. Việc này vừa giúp thêm không gian sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động địa phương và ngoài địa phương vừa giúp có thể xử lý môi trường dễ dàng hơn là những cơ sở sản xuất đặt ngay trong khu dân cư làng, xã như trước.

Sản phẩm thủ công làm từ tơ chuối. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm thủ công làm từ tơ chuối. Ảnh: NNVN.

Cũng theo ông Vĩnh, trong thời buổi thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì việc mở biên là điều rất quan trọng, bởi vậy chuyển đổi số trong kinh doanh sản phẩm OCOP trong tương lai là một xu thế tất yếu: Việc đào tạo cho các chủ thể OCOP sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để quảng bá sản phẩm và bán hàng online đã bước đầu cho hiệu quả rõ nét. Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng mô hình này, nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm làng nghề tiếp cận sâu rộng hơn với người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

Bên cạnh đó, huyện cũng lưu ý cho các xã, các chủ thể trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu riêng biệt cho sản phẩm OCOP của mình... Chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống tức là bán hàng tại chợ, tại một địa điểm cụ thể sang mô hình kinh doanh số để có thể bán hàng ở mọi chỗ, mọi lúc là điều thúc bách hiện nay. Minh chứng là tài khoản trên mạng xã hội có tên "Làng nghề Phú Xuyên Hà Nội" sau hơn hai tháng triển khai đã nhận được hơn 31.000 lượt thích trên Facebook và hơn 1.400 người theo dõi trên TikTok, với hàng nghìn lượt tương tác.

Sản phẩm thủ công từ sợi tơ chuối. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm thủ công từ sợi tơ chuối. Ảnh: NNVN.

Kết quả này cho thấy sức hút từ phương thức bán hàng mới với nhiều người tiêu dùng đã mở biên cho các sản phẩm làng nghề Phú Xuyên trên không gian mạng khích lệ các chủ thể OCOP ngày một sáng tạo hơn trong cách kể chuyện thương hiệu và bán hàng. Phú Xuyên không chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng kỹ thuật mà còn chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của huyện như khảm trai Phú Túc, comple Vân Từ, cỏ tế Phú Túc, trứng gà Khai Thái... Đây là nền tảng quan trọng để các sản phẩm OCOP có giá trị thương hiệu và uy tín cao hơn khi tiếp cận thị trường, đồng thời là điều kiện cần thiết để các sản phẩm làng nghề của Phú Xuyên phát triển bền vững trong thời đại số hóa.

Chuyển đổi số gắn với phát triển các sản phẩm OCOP làng nghề sẽ tiếp tục được huyện đẩy mạnh trong thời gian tới, với mục tiêu không chỉ phát triển kinh tế mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM TP Hà Nội

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.