Ghi nhận chúng tôi, tại làng nghề bánh tráng Hòa Đa (Tuy An) từ tháng 11 âm lịch đến nay, các cơ sở sản xuất bánh tráng liên tục làm việc nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho thị trường. Điển hình như tại cơ sở sản xuất bánh tráng Hai Thơm với quy mô sản gồm 1 máy tráng bánh, 1 lò sấy hơi công suất cao và 3 máy nướng bánh. Dù cơ sở này đã huy động 10 nhân công làm việc liên cả ngày vẫn đêm nhưng vẫn không đủ bánh cung cấp theo các đơn đặt hàng.
Chủ cơ sở này cho biết, năm nay thời tiết vào những tháng cuối năm ngày trời âm u, ít nắng nên không thuận thời cho sản xuất bánh thủ công vì không thể phơi bánh. Ngay cả những cơ sở có lò sấy củi, sấy hơi cũng chỉ phát huy được khoảng 50% công suất. Do đó, nguồn sản phẩm cung ứng cho thị trường không dồi dào như mọi năm.
Ngay cả tại cơ sở sản xuất bánh tráng Hai Thơm mọi năm đến thời điểm này, ngoài cung ứng đủ cho khách hàng còn phải dư ít nhất 20.000 bánh để dự trữ. Thế nhưng, năm nay cơ sở sản xuất bánh đến đâu thì tiêu thụ đến đó, không có dư thừa.
Theo các cơ sở sản xuất bánh tráng, năm nay giá gạo, trấu đều tăng cao nên giá bánh bán ra cũng tăng theo. Hiện giá bánh tráng Hòa Đa bán tại các chợ dao động từ 180.000-210.000 đồng/100 bánh, nhưng các tiểu thương cũng không có đủ hàng để bán.
Được biết, làng nghề bánh tráng Hòa Đa sẽ hoạt động đến 25 tháng Chạp. Sau đó, người dân nghỉ ngơi khoảng 10 ngày rồi lại bắt đầu tráng bánh cho khách có nhu cầu mua mang đi xa làm quà.
Không chỉ làng nghề bánh tráng Hòa Đa hoạt động nhộn nhịp, mà tại làng bó chổi Mỹ Thành, xã Hòa Thắng (Phú Hoà) những chuyến xe “ăn hàng” cũng đã chở sản phẩm đi khắp nơi tiêu thụ. Bởi theo phong tục của người dân, thông thường vào cuối năm, mỗi nhà đều mua vài cây chổi mới để thay những cây đã cùn cũ. Do vậy, sản phẩm chổi được tiêu thụ vào dịp này rất hút hàng.
Bà Trần Thị Thắm, một người sản xuất chổi cho biết, để đảm bảo nguồn hàng cho thị trường Tết, các cơ sở bó chổi ở Mỹ Thành đã chuẩn bị hàng hóa từ nhiều tháng nay. Nhờ nguồn lao động dồi dào, mỗi cơ sở bó chổi có thể cung ứng cho thị trường hàng nghìn cây chổi mỗi ngày.
Tương tự, tại các làng nghề muối mắm truyền thống của Phú Yên cũng hoạt động tấp nập, nhiều xe đến các cơ sở để lấy hàng. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, nhiều thương hiệu nước mắm như Ngân Mỹ Á, Tân Lập, Bà Mười, Mỹ Quang…còn cung ứng cho khách hàng ngoài tỉnh.
Bà Lê Thị Kim Ngân, chủ cơ sở chế biến nước mắm Ngân Mỹ Á, xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho biết, năm nay, cơ sở chuẩn bị hơn 5.000 lít mắm cung ứng cho thị trường mùa Tết. Trong đó có những dòng nước mắm nhỉ, mắm nhất, đặc biệt được nhiều người đặt mua để ăn Tết và làm quà tặng, người thân, bạn bè. Giá các sản phẩm dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, các dòng nước mắm giá phải chăng dùng vào việc làm thịt ngâm mắm hay dưa món cũng được người tiêu dùng đặt mua rất nhiều.
Những năm gần đây tại làng nghề rượu Quán Đế (TX Sông Cầu) nhiều hộ sản xuất của làng nghề đầu tư các loại nồi nấu rượu tự động, hệ thống lọc rượu để nâng cao chất lượng rượu. Ông Võ Trường Sơn, chủ một cơ sở nấu rượu ở xã Xuân Lộc cho biết, từ khi gia đình ứng dụng công nghệ nấu rượu, cùng với việc đầu tư mẫu mã mới, sản phẩm rượu của gia đình ông ngày càng được người tiêu dùng ưa chuông, nhất là vào dịp lễ, Tết do nhu cầu mua tặng, biếu để làm quà.