| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng chuyển đổi cây trồng

Thứ Tư 25/05/2016 , 14:14 (GMT+7)

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh Bắc Giang đã góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Việc chuyển dịch này tiếp tục được ngành nông nghiệp triển khai trong những năm tới nhằm thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành.

Giá trị thu nhập tăng

Thời điểm này, cánh đồng dưa hấu rộng 20ha ở xã Đức Giang (Yên Dũng) đang đậu quả. Bà Nguyễn Thị Đào, thôn Trung Sơn cho biết: “Vụ này, gia đình tôi trồng 7 sào và đã thu hoạch một lứa. Lứa này còn khoảng nửa tháng nữa mới được bán nên tôi tranh thủ bón thúc, bổ sung kali để quả to, ngọt. Tuy vất vả hơn cấy lúa, ngày nào cũng ở ruộng chăm sóc, rồi thụ phấn khi hoa nở song bù lại thu nhập cao gấp nhiều lần. Bình quân dưa bán tại ruộng 5 - 7 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng/sào/vụ”.

Được biết, đây vốn là cánh đồng cấy hai vụ lúa nhưng 5 năm qua, bà con trong xã đã chuyển đổi sang trồng dưa hấu, thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm được thương nhân ở Hà Nội, TP Bắc Giang về thu mua.

Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Trung Sơn (Việt Yên) có vùng rau màu trái vụ quanh năm, giá trị thu nhập bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Điển hình là thôn Minh Sơn, nhà nào cũng trồng rau màu, hộ ít vài sào, nhiều lên đến hàng mẫu. Nhờ đó, 100/105 hộ của thôn có nhà cao tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Giống cây trồng được thôn chọn sản xuất gồm: Cải, cà chua, bí xanh, mướp, mướp đắng. Ví như, bí xanh các hộ chỉ trồng vụ hè thu cho giá trị mỗi sào bí cao gấp 2 - 3 lần so với vụ xuân; các loại rau khác đều trồng sớm hoặc muộn hơn so với chính vụ để sản phẩm luôn được giá.

Một số mô hình canh tác cho giá trị cao như: Lúa xuân kết hợp với thả cá đạt bình quân 100 triệu đồng/ha; lạc xuân - lúa mùa - cây màu vụ đông đạt 145 triệu đồng/ha; rau cần - thả cá đạt hơn 500 triệu đồng/ha; cây ăn quả có múi đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, năm 2015, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác toàn tỉnh đạt hơn 90 triệu đồng/ha/năm, tăng 4 triệu đồng/ha so với năm trước.

Tương tự, nhiều năm nay, nông dân xã Nghĩa Phương (Lục Nam) đã chuyển đổi hầu hết những chân ruộng cao sang chuyên canh cây kim tiền thảo và nhân trần với diện tích khoảng 45ha. Doanh thu ước đạt hơn 3 tỷ đồng/năm.

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, thực hiện Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông dân trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi diện tích lúa, cây ăn quả cho năng suất thấp sang trồng các loại cây như lạc, rau chế biến, dược liệu, rau màu khác, cây có múi.

Không phá vỡ quy hoạch

Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có kế hoạch chuyển đổi 1,5 nghìn ha đất cấy lúa kém hiệu quả, hơn 3 nghìn ha đất trồng vải thiều năng suất thấp sang trồng cây khác.

Thực hiện chủ trương này, Huyện ủy Hiệp Hòa ban hành Nghị quyết chuyên đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng trồng bưởi trên diện tích cấy lúa, trồng màu không chủ động nước tưới. Huyện Lục Nam trồng mới na dai, cây ăn quả có múi tại địa bàn có chất đất phù hợp...

Theo ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn gặp khó khăn do quy trình chuyển đổi từ đất cấy lúa sang cây ăn quả phức tạp; hạ tầng thủy lợi chưa đồng bộ; giá cả nông sản bấp bênh đã khiến một bộ phận nông dân ngại thực hiện.

Do đó, Sở NN-PTNT Bắc Giang đã đề xuất tỉnh thông qua nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống thủy lợi, chỉnh trang đồng ruộng. Đồng thời, hỗ trợ một phần giống, phân bón, cơ giới hóa đối với vùng chuyển đổi sản xuất thành vùng tập trung; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận dịch vụ cung ứng giống, phân bón, vật tư cho nông dân theo hình thức trả chậm...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.