| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên quyết lấy vị thế dẫn đầu nghề câu cá ngừ đại dương

Thứ Bảy 19/03/2022 , 14:26 (GMT+7)

Phú Yên được xem là ‘cái nôi’ khai sinh nghề câu cá ngừ đại dương, tuy nhiên trải qua hàng chục năm lại phát triển theo hướng tụt lùi so với các tỉnh lân cận.

Nghề câu cá ngừ đại dương bị thụt lùi

Phú Yên được xem là “cái nôi” khai sinh nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Theo đó, từ năm 1994, một số ngư dân phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) chuyên làm nghề câu khơi, lưới rê đánh bắt cá chuồn đã học được nghề câu cá ngừ đại dương từ tàu cá Đài Loan. Từ đó ngư dân đã tự thiết kế vàng câu (gọi là câu vàng) cá ngừ đại dương và đánh bắt thấy có hiệu quả.

Phú Yên là cái nôi sinh ra nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Ảnh: Kim Sơ.

Phú Yên là cái nôi sinh ra nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Ảnh: Kim Sơ.

Sau đó, Sở Thủy sản nay là Sở NN- PTNT Phú Yên mời các chuyên gia Đài Loan, Nhật Bản phối hợp hướng dẫn kỹ thuật, nhờ đó nghề này phát triển mạnh tại tỉnh Phú Yên từ năm 1995 đến 2012. Tuy nhiên sau năm 2012, nghề câu cá ngừ đại dương bằng cần kết hợp ánh sáng phát triển mạnh, các tàu đánh bắt ở Phú Yên cũng chuyển sang hình thức câu này. Song các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa chuyển sang làm nghề câu này với số lượng tàu nhiều hơn và sản lượng khai thác cũng cao hơn Phú Yên.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay, dù tàu câu và sản lượng cá ngừ đại dương ở Phú Yên thấp hơn tỉnh Bình Định, nhưng nghề câu cá ngừ đại dương tại Phú Yên vẫn là một trong những nghề khai thác chủ lực, thế mạnh về thủy sản.

Đánh giá của ngành nông nghiệp Phú Yên cho thấy, hiện nghề câu cá ngừ đại dương trên địa bàn đã phát sinh một số hạn chế, yếu kém về cơ cấu tàu, nhân lực, tổ chức sản xuất trên biển, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm, cũng như  liên kết chuỗi giá trị cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả.

Cụ thể, toàn tỉnh Phú Yên hiện có 540 tàu chủ yếu vỏ gỗ, trong đó 447 tàu có chiều dài từ 15 trở lên (công suất phổ biến lớn hơn hoặc bằng 250CV) đánh bắt cá ngừ đại dương. Hầu hết tàu khai thác cá ngừ đại dương đều trang bị đèn chiếu sáng cao áp, các thiết bị khai thác như: máy thu câu, máy vô tuyến điện, thiết bị giám sát hành trình VMS, VX-1700, hầm bảo quản bằng xốp thường vách gỗ. Do đó nhìn chung công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu còn lạc hậu, thủ công nên chất lượng và giá trị sản phẩm thấp, hiệu quả ngày càng giảm.

Nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên ngày càng tụt lùi do với các địa phương khác. Ảnh: Kim Sơ.

Nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên ngày càng tụt lùi do với các địa phương khác. Ảnh: Kim Sơ.

Bên cạnh đó trên tàu hoạt động nghề khai thác cá ngừ đại dương, chủ tàu hoặc thuyền trưởng là người có kinh nghiệm quản lý, điều hành khai thác và bảo quản sản phẩm. Hiện hầu hết đều được đào tạo lớp thuyền trưởng và máy trưởng. Nhưng với thuyền viên, kiến thức và hiểu biết chủ yếu tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất, hầu như chưa được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm.

Do đó tay nghề của các thuyền viên trong khai thác và bảo quản sản phẩm rất thấp. Cùng với đó, do quá trình đô thị hóa các vùng ven biển, con em ngư dân tham gia vào nhiều ngành nghề khác nên lao động trên các tàu khai thác cá ngừ đại dương ngày càng thiếu và yếu, thường biến động nên cũng khó đào tạo. Đây cũng là hạn chế, yếu kém lớn cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Về tổ chức sản xuất trên biển, dù tàu khai thác cá ngừ đại dương ở Phú Yên hoạt động sản xuất theo hình thức tổ đội, cùng đi, cùng về. Tuy nhiên hình thức tổ đội này lại chưa có hợp đồng hay thỏa thuận hình thức tổ chức liên kết cụ thể, luân phiên vận chuyển sản phẩm về bờ, đảm bảo chất lượng, nâng giá trị và giảm chi phí chuyến biển.

Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng Đông Tác, TP Tuy Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng Đông Tác, TP Tuy Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Đặc biệt, hiện tỉnh Phú Yên chưa có chợ đấu giá cá ngừ nên giá cả, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, ngư dân bị thua thiệt nhiều. Thêm vào đó, cơ sở dịch vụ hậu cần tại các cảng cá chưa đáp ứng quy mô và trang thiết bị phụ trợ, luồng lạch được cải tạo thường xuyên nhưng độ sâu không ổn định ảnh hưởng đến việc xuất bến về bến cho các tàu vào thời điểm chính vụ. Qua đánh giá chất lượng thủy sản nói chung, cá ngừ đại dương thất thoát tại cảng cá khoảng 20%.

 Hiện tỉnh Phú Yên có số lượng doanh nghiệp thu mua, chế biến cá ngừ đại dương rất ít. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh chỉ có 9 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương. Trong đó, có 5 cơ sở thu mua có cơ sở chế biến, bảo quản tại khu công nghiệp Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa) và khu công nghiệp An Phú (TP Tuy Hòa), 1 cơ sở có nhà máy chế biến cá ngừ đóng hộp tại thị xã Sông Cầu.

 Lấy lại vị thế dẫn đầu nghề câu cá ngừ đại dương

Để lấy lại vị thế nơi sinh ra nghề câu cá ngừ đại dương, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, trước mắt tỉnh sẽ tổ chức lại tổ, đội, nhóm nghề, trong đó có nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Từ đó nhanh chóng đưa thông tin quản lý nghề cá trên biển vào hoạt động và cung cấp kịp thời, chính xác về thông tin khí tượng hải dương, dự báo ngư trường cho các tàu khai thác thủy sản...

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức lại công tác dịch vụ hậu cần, đặc biệt là các cảng chuyên dùng cho cá ngừ, cảng ở một số đảo gần ngư trường khai thác để hỗ trợ tốt nhất cho nhóm tàu đánh bắt cá ngừ đại dương.

Nghề câu cá ngừ đại dương tạo nhiều công ăn việc làm cho ngư dân, trong đó có phụ nữ. Ảnh: Kim Sơ.

Nghề câu cá ngừ đại dương tạo nhiều công ăn việc làm cho ngư dân, trong đó có phụ nữ. Ảnh: Kim Sơ.

Song song đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức lại sản xuất bằng việc nhân rộng các mô hình khai thác tiêu biểu, chuỗi liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã hiệu quả; đồng thời hỗ trợ cho ngư dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đánh bắt, bảo quản sản phẩm cá ngừ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, cũng như giá trị sản phẩm.

“Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và đào tạo nghề cho ngư dân”, ông Phương chia sẻ.

Tỉnh Phú Yên hy vọng sẽ có phiên chợ đấu giá cá ngừ. Ảnh: Kim Sơ.

Tỉnh Phú Yên hy vọng sẽ có phiên chợ đấu giá cá ngừ. Ảnh: Kim Sơ.

Một sự quyết tâm hơn nữa cho nghề đánh bắt cá ngừ là mới đây tỉnh Phú Yên đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Kiyomura (Nhật Bản)- Tập đoàn nổi tiếng trong ngành công nghiệp cá ngừ về hợp tác phát triển thủy sản. Tỉnh Phú Yên hy vọng với sự hợp tác này trong thời gian tới sẽ làm gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành hàng cá ngừ đại dương của địa phương.

“Chúng tôi tin với sự hợp tác này sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về thị trường, phương thức khai thác, đánh bắt, giá cá ngừ đại dương ở Phú Yên. Cùng với đó nếu sự hợp tác đầu tư chợ đấu giá cá ngừ đại dương tại cảng cá ngừ đúng như ý tưởng của Tập đoàn Kiyomura, thì chắc chắn sẽ diễn ra những phiên đấu giá cá ngừ đại dương hàng triệu USD tại Phú Yên”, ông Phương bày tỏ và cho biết thêm, ngư dân Phú Yên đã từng câu được những con cá ngừ 200-300 kg nhưng chỉ bán trên dưới 100 triệu đồng, rất thấp so với giá giá trị của nó. 

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá cá ngừ đại dương được thu mua nhìn chung ổn định. Trong đó, từ đầu quý IV/2021 đến nay, giá cá ngừ đại dương được thu mua từ 135.000-150.000 đồng/kg (tùy loại).

Thế nhưng dù hiện giá cá ngừ đại dương được thu mua khoảng 150.000 đồng/kg, tuy nhiên so với từ năm 2012 trở về trước vẫn thấp hơn nhiều. Về giá cá ngừ được thu mua không ổn định, theo ông Phương có 3 nguyên nhân chủ yếu, thứ nhất là chất lượng cá ngừ đạt thấp, thứ 2, chúng ta chưa tổ chức đấu giá cá ngừ mà chủ yếu mua bán theo chuỗi liên kết truyền thống “doanh nghiệp/nậu vựa – chủ tàu” và thứ 3 là do chi phí vận chuyển tăng cao bởi dịch Covid– 19.

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.