Biển vắng cá ngừ đại dương
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, nếu tính theo dương lịch, mùa đánh bắt chính cá ngừ đại dương bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau. Từ đó trở về sau là đến mùa cá nổi, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa, lúc này biển rất vắng cá ngừ đại dương.
“Trước đây, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định còn theo nghề truyền thống là câu vàng, thì khi đã hết mùa đánh bắt chính là ngư dân neo tàu không đi đánh bắt nữa, bởi có đi cũng câu không có cá.
Thế nhưng hiện nay, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định hầu hết đã chuyển sang câu tay kết hợp ánh sáng, nên khi dù đã cạn mùa đánh bắt chính vẫn có thể vươn khơi, vì phương thức đánh bắt mới này có thể hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, trong thời gian này sản lượng đánh bắt sẽ không đạt như trong chính vụ”, TS Trần Văn Vinh cho hay.
Khác với các tàu hành nghề câu cá ngư đại dương ở Khánh Hoà vẫn cho sản lượng và có lãi trong thời gian qua, tàu BĐ 95951-TS chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân La Văn Trắng ở phường Tam Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), đã trải qua 2 chuyến biển ảm đạm, thế nhưng chủ tàu kiêm thuyền trưởng La Văn Trắng không nản chí, anh vẫn tiếp tục cho tàu vươn khơi.
Theo tâm niệm của anh, tàu vươn khơi không chỉ để kiếm cá, mà còn là sự hiện diện cần thiết để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vì thế, dù đã cạn mùa đánh bắt chính, tàu cá của anh vẫn nối tiếp nhau những chuyến biển.
“Do đánh bắt không đạt sản lượng, nên 2 chuyến biển trước con trăng này 1 chuyến vừa đủ tổn, 1 chuyến tôi phải chịu lỗ tổn 30 triệu đồng. Ấy nhưng chuyến gần đây trước khi tàu vươn khơi tôi vẫn ứng trước cho thuyền viên mỗi người 2 triệu đồng. Sau chuyến biển nếu tàu đánh bắt đạt sản lượng, ngoài 2 triệu đã nhận trước, thuyền viên sẽ được chia thêm tiền.
Nếu không đánh bắt được thì chủ tàu chịu tổn thất khoản tiền đã ứng trước. Trong chuyến biển, thuyền viên còn câu mực góp chung vào, sau khi bán chia đều tiền để kiếm thêm thu nhập, chuyến biển nào thuyền viên cũng kiếm thêm được 1-2 triệu đồng/người từ khoản này, chủ tàu không dự phần vào khoản chia từ câu mực. Hiện chuyến biển tàu nào đánh bắt được nhiều nhất cũng chỉ 7-8 con cá ngừ đại dương”, ngư dân La Văn Trắng chia sẻ.
Hiệu quả mô hình liên kết
Lão ngư Bùi Thanh Ninh, người có đội tàu đánh bắt xa bờ 8 chiếc, trong đó có 4 chiếc chuyên hành nghề cá ngừ đại dương theo nghề biển gần hết đời mình nên kinh nghiệm dạn dày. Theo ngư dân Ninh, qua mùa đánh bắt chính vụ, những tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn vẫn miệt mài bám biển là nhờ mối liên kết với các tàu hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa.
Ra đến khơi xa, trong lúc chong đèn để dụ cá ngừ đại dương đến ăn mồi câu, nếu thấy có đàn cá ngừ sọc dưa lẩn quẩn tại ngư trường mà tàu câu cá ngừ đại dương đang đánh bắt, lập tức chủ tàu câu cá ngừ đại dương liên lạc mới tàu lưới vây là mối liên kết của mình đến bủa lưới. Sau khi tàu lưới vây bủa xong mẻ lưới, tóm gọn đàn cá ngừ sọc dưa, tàu câu cá ngừ đại dương cũng sẽ được chia phần, đó cũng là khoản thu nhập thêm của tàu câu cá ngừ đại dương.
“Sau khi tàu lưới vây tiếp cận ngư trường đang có đàn cá ngừ sọc dưa, tàu câu cá ngừ đại dương sẽ tắt hết đèn, tiếp đó tàu câu cá ngừ đại dương bắt đầu lên đèn để thu hút đàn cá ngừ sọc dưa sang bên ấy. Sau khi đánh mẻ lưới, nếu tàu lưới vây đánh bắt được 100 sọt cá ngừ sọc dưa thì số cá ấy sẽ được chia làm 3 phần, tàu lưới vây lấy 2 phần, tàu câu cá ngừ đại dương được chia 1 phần.
Đó là khoản thu nhập không nhỏ của những tàu câu cá ngừ đại dương trong thời gian không phải là vụ đánh bắt chính. Bủa xong mẻ lưới, tàu lưới vây tắt hết đèn, lúc ấy tàu câu cá ngừ đại dương lại lên đèn và thuyền viên tiếp tục câu”, lão như Bùi Thanh Ninh chia sẻ.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương vẫn kiên tâm bám biển nhờ mối gắn kết giữa các thuyền viên và chủ tàu như người trong gia đình, dù họ không bà con họ hàng gì. Như tâm sự của chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương mang số hiệu BĐ 97486 TS Huỳnh Văn Nhất ở xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định).
“Gần chục thuyền viên đi bạn cho tàu cá của tôi đều là người địa phương, trong nghề biển giã sướng khổ có nhau đã nhiều năm rồi nên có mối gắn kết chặt chẽ. Trong thời gian khó khăn như hiện nay, trước mỗi chuyến biển tôi không phải ứng tiền trước cho anh em như nhiều tàu cá khác. Thậm chí nếu chuyến biển ấy thất thu, lỗ tổn, anh em cũng sẵn sàng chia sẻ với tôi phần thâm hụt. Đó là động cơ để tôi cho tàu vươn khơi bám biển trong thời điểm khó khăn này”.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định): "Địa phương chúng tôi hiện có 2.459 tàu cá, trong đó có 2.100 chiếc tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, hầu hết làm nghề câu cá ngừ đại dương kết hợp ánh sáng. Dù mùa vụ đánh bắt chính cá ngừ đại dương đã cạn, nhưng thời gian qua đội tàu hành nghề này vẫn liên tục bám biển".