| Hotline: 0983.970.780

Vì sao cá ngừ đại dương chưa thể vào sâu thị trường Nhật?

Thứ Ba 09/11/2021 , 09:30 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Dù đã được chuyển giao công nghệ đánh bắt, bảo quản, nhưng việc xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang Nhật Bản không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Làm quen với thị trường quốc tế

Đầu tháng 8/2014, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đưa chuyến hàng cá ngừ đại dương nguyên con đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo đó, 9 con cá ngừ đại dương đầu tiên của Việt Nam có tổng trọng lượng 448 kg đã được đưa sang Nhật bằng máy bay để tham gia phiên đấu giá tại Kansai (Nhật Bản).

Đầu năm 2015, Công ty Kato Hitoshi General Office (Nhật Bản) và BIDIFISCO tiếp tục đưa chuyến hàng thứ 2 với 7 con cá ngừ đại dương có tổng trọng lượng 320 kg sang Nhật Bản.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, những chuyến hàng cá ngừ đại dương nguyên con xuất khẩu sang Nhật Bản nằm trong khuôn khổ Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và kế hoạch hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai (Nhật Bản).

Cá ngừ đại dương của Bình Định xuất khẩu đi Nhật được lựa chọn kỹ khi cá vừa cập bờ tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cá ngừ đại dương của Bình Định xuất khẩu đi Nhật được lựa chọn kỹ khi cá vừa cập bờ tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đề án được thực hiện với mục tiêu phát triển nghề đánh bắt cá ngừ đại dương tại Bình Định. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) đã ký biên bản thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để Bình Định tổ chức chuỗi khai thác, bảo quản và xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật.

Theo các chuyên gia về thủy sản, việc xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con đi Nhật Bản của Bình Định nhằm thử sức cạnh tranh với các nước trong khu vực có xuất khẩu cá ngừ đại dương sang thị trường này, đồng thời nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương của Bình Định và để Bình Định làm quen với thị trường tiêu thụ cá ngừ đại dương, tìm kiếm đối tác.  

Không thể cạnh tranh 

Sau khi triển khai Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, ngành thủy sản Bình Định, chất lượng cá ngừ đại dương của Bình Định được nâng cao đáng kể thông qua kỹ thuật đánh bắt, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương sau đánh bắt do Nhật Bản chuyển giao.

Thực tế cho thấy, chất lượng cá ngừ đại dương của Bình Định được nâng cao nên mới được thị trường tiêu thụ Nhật Bản chấp nhận. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sau khi Bình Định áp dụng công nghệ đánh bắt, sơ chế, bảo quản mới, chất chất lượng cá ngừ đại dương được nâng cao rõ rệt.

Cá ngừ đại dương lựa chọn để xuất khẩu sang Nhật Bản khi được đưa về BIDIFISCO. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cá ngừ đại dương lựa chọn để xuất khẩu sang Nhật Bản khi được đưa về BIDIFISCO. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tuy nhiên, qua những chuyến xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang Nhật bản, đã bộc lộ điểm yếu, dẫn tới thực tế cá ngừ đại dương của Bình Định không thể cạnh được với các nước trong khu vực có xuất khẩu mặt hàng này.

Một nhà chuyên môn về thủy sản ở Bình Định nêu ví dụ: Cá ngừ đại dương của Philippines cũng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ở Philippines, có doanh nghiệp chuyên khai thác cá ngừ đại dương với 20 tàu đánh bắt.

Khi đội tàu đánh bắt ra khơi, sẽ có tàu hậu cần đi kèm. Một chuyến biển của đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của Philippines kéo dài không quá 3 ngày. Đến ngày thứ 3, toàn bộ số cá mà đội tàu đánh bắt đều được vận chuyển về tàu hậu cần để bảo quản và tàu hậu cần lập tức quay về bờ.

Tại cảng, những con cá ngừ đại dương được tàu hậu cần sơ chế và đưa thẳng đến sân bay và ngay trong chiều hôm ấy được lên máy bay đi sang Nhật Bản. Chuyến bay từ Philippines đến sân bay Osaka (Nhật Bản) khoảng 1 - 2 giờ sáng, kịp tham gia phiên chợ đấu giá cá ngừ đại dương tại Kansai vào lúc 3 giờ sáng. Như vậy, cá ngừ đại dương của Philippines xuất khẩu sang Nhật Bản không phải tốn phí lưu kho, bảo quản, được bán ngay nên còn rất tươi.

BIDIFISCO sơ chế cá ngừ đại dương trước khi đóng hộp xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

BIDIFISCO sơ chế cá ngừ đại dương trước khi đóng hộp xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong khi đó, cá ngừ đại dương của Bình Định sau khi cập cảng được BIDIFISCO thu mua, sau đó được đưa về công ty lưu kho mất 1 - 2 ngày rồi mới ra sân bay đưa về TP. HCM. Trong thời gian đợi chuyến bay TP. HCM - Nhật Bản, cá ngừ đại dương của Bình Định phải lưu kho bảo quản tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến 1 giờ sáng hôm sau mới lên máy bay đi sang Nhật.

Đến 4 - 5 giờ sáng, lô cá ngừ đại dương của Bình Định mới đến sân bay Osaka (Nhật Bản). Lúc này, phiên chợ đấu giá cá ngừ đại dương tại Kansai đã tan. Vậy là lô cá ngừ đại dương của Bình Định phải được lưu kho tại sân bay Osaka thêm 1 ngày, để 1 giờ sáng hôm sau được vận chuyển đến Sankai tham gia phiên chợ đấu giá.

Vì những lý do nêu trên, tỷ lệ cá ngừ đại dương được xếp loại 1 của Philippines là 60 - 70%, còn cá ngừ đại dương của Bình Định chỉ đạt 20%.

“Phí vận chuyển và phí lưu kho rất lớn khiến cá ngừ đại dương của Bình Định không thể cạnh tranh được với các ngừ đại dương các nước trong khu vực khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Đó là chưa nói đến do lưu kho nhiều ngày nên chất lượng của cá ngừ đại dương Bình Định khi đến chợ đấu giá không thể sánh với cá ngừ đại dương các nước trong khu vực”, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO cho hay.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.