Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Chủ tịch các huyện, TX, TP không được chủ quan, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và mưa lũ sau bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ sau bão với phương châm “4 tại chỗ” và cấp báo động. Chủ động xử lý các tình huống, sự cố phát sinh trong và sau mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
Kiểm tra, rà soát các vùng trũng thấp dễ bị ngập, chia cắt, sạt lở, khu vực nguy hiểm để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn. Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ có người bị thương, thiệt hại về nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lượng thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị đói, khát…
Theo UBND tỉnh Phú Yên, do ảnh hưởng bão số 9 nên trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn sau bão có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ven sông suối. Theo dự báo, khu vực tỉnh Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt và có khả năng gây lũ trên các sông.
Trong một diễn biến khác, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến 14 giờ 30 phút ngày 28/10, bão số 9 đã làm 45 nhà bị sập, hư hỏng. Trong đó 1 nhà bị sập hoàn toàn; 5 nhà bị hư hỏng từ 50-70% và 39 nhà bị hư hỏng từ 30-50%. Hơn 27 ha đìa nuôi cá mú, đìa tôm thẻ chân trắng…bị vỡ bờ bao, xói lở. 2 chiếc thuyền công suất nhỏ bị chìm. 12 trụ điện bị ngã đổ; hư hỏng đường dây và làm mất điện tại 51/110 xã, phường, thị trấn. Ước giá trị thiệt hại ban đầu hơn 6 tỷ đồng.
Trước đó, lúc 7 giờ 30 phút, ngày 28/10, do ảnh hưởng bão số 9 trên địa bàn tỉnh Phú Yên có sức gió mạnh nhất tại Tuy Hòa cấp 8, giật cấp 9, thị xã Sông Cầu gió cấp 9, giật cấp 10.