| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 75 năm ngày Phòng chống thiên tai Việt Nam

Phú Yên ứng phó thiên tai trên tinh thần chủ động, sẵn sàng

Thứ Ba 11/05/2021 , 10:34 (GMT+7)

Trước diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, những năm gần đây, Phú Yên đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án ứng phó trên tinh thần chủ động, sẵn sàng.

Từ đó, đã góp phần giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Địa phương thường xuyên bị tác động bởi thiên tai

Phú Yên là một trong những tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ thường xuyên phải chịu tác động bởi thiên tai, điển hình nhất là bão, lũ lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển… gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản, làm ngưng trệ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, hạn chế sự phát triển của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra sạt lở bờ biển thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, Tuy An trước cơn bão số 12/2020 đổ bộ. Ảnh: T.Thi.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra sạt lở bờ biển thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, Tuy An trước cơn bão số 12/2020 đổ bộ. Ảnh: T.Thi.

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN Phú Yên, những năm gần đây điển hình các trận thiên tai lớn trên địa bàn là trận lũ quét vào năm 2009 xảy ra ở các huyện phía Bắc của tỉnh gồm Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu, đã khiến 81 người chết, 97 người bị thương, 1.764 căn nhà sập hoàn toàn và 40 nghìn căn nhà bị hư hỏng.

Tiếp đến là cơn bão số 12 xảy ra vào năm 2017 cùng với lũ lụt đã làm 6 người chết, 37 người bị thương và gần 15 nghìn căn nhà hư hỏng.

Chưa hết, đợt hạn hán vào năm 2019 đã gây trên địa bàn mất mùa, giảm năng suất hàng chục nghìn ha cây trồng; gây cháy rừng diện rộng với hơn 70 vụ, với tổng diện tích hơn 1,1 nghìn ha rừng.

Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó bão, lũ lụt khoảng 5.000 tỷ và hạn hán là 300 tỷ đồng.

Ông Phạm Chí Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN Phú Yên cho biết: Những năm gần đây, trước diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, UBND tỉnh Phú Yên đã có nhiều kế hoạch, phương án ứng phó trên tinh thần chủ động, sẵn sàng, nhằm góp phần giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Riêng năm 2021, tỉnh Phú Yên đã ban hành các chỉ thị về triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2021; Chỉ thị về tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa, lũ năm 2021 và đang triển khai xây dựng dự thảo Chỉ thị tăng cường công tác Phòng chống thiên tai và TKCN năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Phú Yên là tỉnh thường xuyên bị tác động bởi thiên tai. Ảnh: KS.

Phú Yên là tỉnh thường xuyên bị tác động bởi thiên tai. Ảnh: KS.

Với phương châm “phòng hơn chống”, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các địa phương kiểm tra, rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, các phương án (mưa lũ lụt, bão; sạt lở đất, sạt lở bờ sông, biển; sơ tán dân…). Cũng như thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố vỡ hồ, đập thủy lợi, thủy điện, xả lũ khẩn cấp.

Đồng thời kiện toàn tổ chức, lực lượng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong phạm vi đơn vị mình; đồng thời phải chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để sẵn sàng tham gia công tác PCTT và TKCN theo chỉ đạo, điều động của UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-TKCN tỉnh.

Nỗ lực tuyên truyền nâng cao ý thức cộng động về thiên tai

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, tỉnh luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và các kỹ năng ứng phó. Cụ thể đối với 2 nhóm thiên tai chính thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh là bão, lũ và hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân nắm bắt thông tin và thực hiện có hiệu quả.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên ngư dân ý thức được mối nguy hại của thiên tai, chấp hành neo đậu tàu thuyền tránh trú an toàn. Ảnh: T.Thi.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên ngư dân ý thức được mối nguy hại của thiên tai, chấp hành neo đậu tàu thuyền tránh trú an toàn. Ảnh: T.Thi.

Về lâu dài, UBND tỉnh Phú Yên cũng đưa ra nhiều phải pháp đầu tư cho hệ thống đê, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai kết hợp với trồng rừng ngập mặn ven biển; nâng cấp độ che phủ rừng.

Cụ thể, mới đây Phú Yên là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng mới 1 tỷ cây xanh với việc triển khai Đề án trồng mới 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021 – 2025.

Cũng theo ông Tùng, trước dự báo tình hình thiên tai ngày càng bất thường, phức tạp, cực đoan do biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn khẩn trương triển khai xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở, bờ sông, biển… cũng như xây dựng các tuyến đê, kè sông, biển kết hợp giao thông; tuyến đê biển kết hợp an ninh quốc phòng. Ngoài các khu vực dân cư đã thực hiện, cần tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các khu dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông, biển, triều cường, sạt lở đất.

Theo BCH PCTT-TKCN, Phú Yên nằm ở vùng thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai bão, lũ lụt gây ra. Trong khi điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc đầu tư xây dựng các công trình mang tính chất phát triển tổng hợp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành, Trung ương quan tâm hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp và các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp, xây dựng và các công trình khác bị thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 12 và lũ lụt gây ra năm 2020 là 372 tỷ, để khắc phục sản xuất, cơ sở hạ tầng công trình…Đồng thời nghiên cứu loại cây trồng, vật nuôi tránh được mùa lụt bão vì sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hỗ trợ xây dựng gian nhà kiên cố bê tông cốt thép cho hộ gia đình làm nơi tránh trú, khi có bão, lũ lụt xảy ra. Vì vùng hạ du các sông là vùng đồng bằng tập trung dân cư đông đúc thường xuyên bị ngập lụt, nhưng không thể bố trí lại dân cư.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Cần chuyển đổi tư duy quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị

TP.HCM Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo công tác quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới, để chất lượng nông sản thật sự xanh, an toàn và trách nhiệm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.