| Hotline: 0983.970.780

Phục tráng giống lúa VD20 thành đặc sản Gò Công

Thứ Ba 20/12/2022 , 15:33 (GMT+7)

Giống lúa VD20 được tỉnh Tiền Giang phục tráng, trồng giữ giống. Công ty HK liên kết sản xuất với bà con nông dân vùng Gò Công.

Trên thị trường có nhiều thương hiệu gạo được sản xuất từ giống lúa VD20. Tuy nhiên, loại gạo đặc sản VD20 Gò Công của Công ty TNHH Thương mại HK (Công ty HK, Tiền Giang) được nhiều người biết đến hơn cả.

Theo ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty HK, chỉ có vùng đất Gò Công mới trồng lúa đặc sản VD20 cho chất lượng gạo VD20 tốt nhất. Mặc dù vậy, ngay trên vùng đất Gò Công không phải nơi nào cũng có duyên với giống lúa đặc sản này.

“Lúa VD20 chỉ thích hợp với đất gò với phù sa bị nhiễm mặn. Tại Gò Công, nếu khai thác tối đa cũng chỉ có khoảng 2.500ha đất thích hợp trồng lúa đặc sản VD20”, ông Hải cho hay.     

Dù năng suất lúa VD20 không cao (5 – 5,5 tấn/ha) nhưng cho phẩm chất gạo giá trị cao. Khi nấu thành cơm cho mùi thơm, mềm, dẻo. Đặc biệt, do lúa được trồng trên vùng đất nhiễm mặn nên cơm có vị mặn nhẹ. Khi chan canh, cơm rã hạt, để qua 24h không thiu.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty HK chia sẻ về quá trình liên kết sản xuất với bà con nông dân Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty HK chia sẻ về quá trình liên kết sản xuất với bà con nông dân Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện sản phẩm gạo đặc sản VD20 Gò Công của Công ty HK ngoài việc được UBND tỉnh Tiền Giang cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao còn được Công ty TNHH SGS Việt Nam chứng nhận đạt 13 chỉ tiêu châu Âu.

Ông Hải thổ lộ, để gạo VD20 có chỗ đứng trên thị trường như bây giờ, ông đã phải “lên bờ xuống ruộng” rất nhiều lần. Thậm chí, ông đã từng phải bán 2 mảnh đất trị giá mấy chục tỷ đồng bù lỗ cho việc đi xây dựng thương hiệu gạo.

Cách đây khoảng 7 năm, thấy giống lúa VD20 có phẩm chất đặc biệt, tiềm năng kinh tế cao, ông đã quyết tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường. Khi chọn được vùng đất Gò Công để xây dựng vùng nguyên liệu và triển khai mô hình, ông Hải cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn nông dân quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.

Để khuyến khích nông dân tham gia, ông Hải đầu tư trọn gói chi phí vật tư, gồm: Giống, phân hữu cơ, thuốc BVTV dưới hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi. Đến thu hoạch, nông dân còn được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ha. Để được hỗ trợ đầu vào, đầu ra, nông dân phải thực hiện đúng quy trình canh tác và phải sử dụng giống lúa đặc sản VD20.

Vấn đề phát sinh khi xây dựng vùng nguyên liệu lúa VD20, ông đã trở thành “cái gai” trong mắt các thương lái địa phương. Họ tìm mọi cách để phá vùng nguyên liệu lúa VD20 mà ông gầy dựng. “Thương lái địa phương đẩy giá thu mua loạn xạ hòng phá vùng nguyên liệu lúa tôi làm. Để đeo giá lúa, thương lái “đạp giá”, tôi phải mua lúa giá cao cho nông dân, rồi chấp nhận bán gạo lỗ. Có thời điểm tôi phải bán 2 miếng đất để trả nợ vì muốn duy trì vùng nguyên liệu này”, ông Hải thổ lộ.

Empty

Thu hoạch lúa VD20 ở Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, Công ty HK đang liên kết với nông dân trồng lúa đặc sản VD20 tại vùng Gò Công, Tiền Giang với diện tích khoảng 1.200ha. Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đánh giá, mô hình liên kết sản xuất của Công ty HK triển khai tại các huyện phía đông được đánh giá là thành công nhất. Vụ đông xuân vừa qua, Công ty đã thu mua hơn 1.000 tấn lúa VD20 cho nông dân tham gia mô hình.

Nông dân Võ Thanh Nhã (xã Vĩnh Hựu, Gò Công Tây) cho biết, đã tham gia mô hình liên kết sản xuất với Công ty HK 4 năm nay. Mỗi năm, ông Nhã trồng 3 vụ, trung bình mỗi ha có lợi nhuận 80 triệu đồng. Ông cho biết, nông dân tham gia mô hình rất phấn khởi vì có lãi khá tốt.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, VD20 là giống lúa cộng đồng nên ai cũng có thể trồng và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo này. Ông Tùng cho biết, Công ty HK lâu nay đã đầu tư trồng và bao tiêu lúa VD20, giúp nhiều nông dân khấm khá nhờ trồng lúa ngay trong thời điểm phân, thuốc tăng cao như hiện nay. Nhờ đó, gạo VD20 đã có thương hiệu và được người tiêu dùng yêu thích.

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, nhằm mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh đã thực hiện đề tài phục tráng giống lúa VD20 tại tỉnh Tiền Giang. Qua đó khôi phục lại độ thuần rặt của giống, cải thiện năng suất và một số chỉ tiêu chất lượng gạo của giống lúa đặc sản VD20 sau phục tráng. Bên cạnh đó, trồng giữ giống lúa VD20 từ kết quả đề tài phục tráng để làm nguồn giống vật liệu sản xuất lúa giống nguyên chủng. Đồng thời, sản xuất lúa giống VD20 cấp nguyên chủng với diện tích 7ha (2 vụ/năm), là nguồn vật liệu cung cấp cho các tổ sản xuất lúa giống cấp xác nhận.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Thủ phủ hoa cúc miền Trung sẵn sàng cho thị trường Tết

Quảng Ngãi Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.