| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/06/2022 , 19:18 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 19:18 - 22/06/2022

Quan chức sai phạm dùng tiền khắc phục toàn bộ hậu quả?

Quan chức sai phạm dù nộp đủ số tiền phải bồi thường cho ngân sách, cũng chỉ góp phần khắc phục hậu quả, chứ không thể khắc phục toàn bộ hậu quả.

Quan chức sai phạm trong quá trình điều hành hoạt động xây dựng và chỉnh trang đô thị, càng ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, với các dự án an sinh, quan chức sai phạm khi bị khởi tố luôn có những lý lẽ biện minh rất hồn nhiên. Cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng được xác định là một quan chức sai phạm trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C trái quy định, gây thiệt hại cho ngân sách.

Bản án sơ thẩm nhận định, bị cáo Nguyễn Đức Chung với quyền hành Chủ tịch UBND Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water- Đức, sau đó chỉ đạo Võ Tiến Hùng (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C, thông qua Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic (do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc, là công ty gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung). Động cơ vụ lợi ấy khiến tài sản Nhà nước thất thoát 36 tỷ đồng. Tòa phán quyết bị cáo Nguyễn Đức Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng.

Sau phiên xét xử sơ thẩm, chị của bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp 10 tỷ đồng. Và khi phiên xét xử phúc thẩm diễn ra ngày 21/6, vợ của bị cáo Nguyễn Đức Chung nộp thêm 15 tỷ đồng. Về tổng số tiền 25 tỷ đồng đã nộp, bị cáo Nguyễn Đức Chung nói: “Nếu tòa vẫn tuyên án, tôi vẫn chấp hành, nhưng không bao giờ chấp nhận giá trị thiệt hại mà tòa sơ thẩm đã tuyên”.

Chi tiết rất đáng quan tâm, trong phần tranh luận tại phiên xét xử phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng “bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nhận thức được trách nhiệm của mình và tác động gia đình nộp đủ 25 tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả” và đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.

25 tỷ đồng không phải số tiền nhỏ. Gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung đi mượn hay đi vay để bồi thường 25 tỷ đồng cho Nhà nước, cũng không thể gọi là “khắc phục toàn bộ hậu quả”. Bởi lẽ, “hậu quả” mà bị cáo Nguyễn Đức Chung để lại không thể dùng tiền để “khắc phục toàn bộ”. Hành vị của bị cáo Nguyễn Đức Chung không chỉ làm mất uy tín của lãnh đạo Hà Nội mà còn làm lệch lạc nhịp điệu phát triển và làm tổn thương sâu sắc cho cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin người dân vào công tác quản lý đất nước.

Xử lý môi trường nước ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe và sự sống của hàng vạn con người đang cư ngụ tại Thủ đô, mà một Chủ tịch UBND Hà Nội lại lạm dụng chức vụ để toan tính riêng tư, thì vô cùng bất ổn. Khi vụ việc vỡ lở thì dùng tiền để bồi thường thiệt hại, xem như đã phủi sạch lỗi lầm ư?

Không thể nảy sinh khái niệm “khắc phục toàn bộ hậu quả” trong trường hợp quan chức sai phạm như bị cáo Nguyễn Đức Chung. Bởi lẽ, 25 tỷ đồng chỉ bồi thường thiệt hại về vật chất, còn thiệt hại về tinh thần của xã hội và thiệt hại về đạo đức cán bộ, thì phải tính bằng cái giá nào? Ít nhất, bị cáo Nguyễn Đức Chung cần có lời chân thành xin lỗi người dân Hà Nội và nghiêm túc thi hành án.