| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 22/02/2021 , 07:56 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 07:56 - 22/02/2021

Quan chức xuống ruộng khích lệ thợ cày

Ngoài Lễ Tịch điền cấp quốc gia, mỗi địa phương cũng cần một 'Lễ Tịch điền' quy mô nhỏ hơn để quan chức xuống ruộng để hiểu thêm sự cơ cực của thợ cày.

Sáng 19/2, trong chuyến đi thị sát đầu năm mới để động viên nhân dân phát triển sản xuất tại huyện Thạch Thất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã trực tiếp đứng máy cấy lúa ở xã Dị Nậu. Những hình ảnh tích cực ấy đã trở thành một câu chuyện mùa xuân Tân Sửu.

Tất nhiên, không mấy ai tin khả năng canh tác của ông Vương Đình Huệ và ông Chu Ngọc Anh. Thế nhưng, hai vị lãnh đạo đứng đầu Thủ đô bước xuống ruộng đồng, đã khích lệ tinh thần cho những người thợ cày lam lũ. Giữa cái lạnh miền Bắc, đó là một đường cày mang vẻ đẹp trách nhiệm và nhân văn.

Việt Nam là một đất nước có truyền thống nông nghiệp. Bối cảnh hội nhập toàn cầu, nền kinh tế nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo ra giá trị tồn tại đặc thù. Quan chức bấm gót chân trên bùn non đầu vụ, dẫu chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi, cũng là hành vi biết nghĩ đến nỗi vất vả và đặc biệt là biết yêu lấy lao động của nông dân.

Từ xưa, triều đình phong kiến đã chú trọng việc cổ vũ cày cấy. Lễ Tịch điền được khởi xướng từ năm 987, khi vua Lê Đại Hành xuống ruộng vào mùa xuân tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Dù có những thăng trầm lịch sử, Lễ Tịch điền vẫn được duy trì như một minh chứng thái bình thịnh vượng.

Năm 1828, vua Minh Mạng nhấn mạnh ý nghĩa của Lễ Tịch điền bằng một thông điệp mạnh mẽ:  “Vua bảo bầy tôi rằng: “Ðời xưa vua cày ruộng tịch điền, để lấy gạo làm xôi tế Giao Miếu, nhân thể để xét thời tiết làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính”.

Cái điển tích ba đường cày, sách vở còn chứng. Nước ta đời Trần, đời Lê gián hoặc có làm nghi điển ấy, nhưng phần nhiều giản lược. Trẫm từ thân chinh đến nay, chăm nghĩ đến dân, thường lấy việc dạy dân chăm nghề gốc làm gấp. Hiện nay triều đình nhàn rỗi, giảng tìm phép xưa, thực là việc nên làm trước. Nên chọn đất ở Kinh thành làm chỗ tịch điền”.

Hiện nay, Lễ Tịch điền vẫn là dấu son cho nền văn minh lúa nước. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Lễ Tịch điền. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Lễ Tịch điền. Năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng tham dự Lễ Tịch điền.

Lễ Tịch điền được mở vào trung tuần tháng Giêng. Và dĩ nhiên, ngoài Lễ Tịch điền cấp quốc gia, mỗi địa phương cũng cần một “lễ tịch điền” quy mô nhỏ hơn để quan chức xuống ruộng mà hiểu thêm cơ cực thợ cày.

Nếu có sự lúng túng nào đó của quan chức trước máy cấy lúa hay nếu có sự vụng về nào đó của quan chức trên bờ đê, cũng là một thái độ cần thiết với sản xuất nông nghiệp, gây được thiện cảm trong lòng mỗi người nông dân chất phác và thuần hậu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã xuống ruộng đầu năm, còn quan chức các nơi khác bao giờ đứng cạnh những đôi vai lấm láp của thợ cày?