| Hotline: 0983.970.780

Quản lý vốn Nhà nước, Quốc hội không thể đứng bên lề

Thứ Sáu 06/06/2014 , 09:10 (GMT+7)

Ngày 5/6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SX, kinh doanh.

Âm hưởng từ bài học từ Vinashin, Vinaline khiến phiên họp trở nên sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp từ các ĐBQH.

QH phân bổ vốn, giám sát đầu tư

Phát biểu tại hội trường, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng dư luận xã hội đang bức xúc về việc quản lý vốn Nhà nước còn kém hiệu quả, nảy sinh tham nhũng.

“Nếu số tiền thất thoát lãng phí hàng trăm ngàn tỉ như Vinashin, Vinaline mà chuyển sang đóng tàu sắt cho ngư dân thì chúng ta có hàng chục ngàn con tàu sắt hoạt động tại biển Đông”, ông Hùng nói.

Để thắt chặt quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại các DN, ông Hùng đề nghị quy định rõ trách nhiệm đối với chủ thể quản lý sử dụng vốn Nhà nước và có chế tài đủ mạnh khi xảy ra thất thoát để tránh trường hợp khi xảy ra sự việc thì chỉ có lãnh đạo DN chịu trách nhiệm mà chủ thể quản lý thì vô can.

Đề cao vai trò của người đại diện nhân dân trong việc thực hiện giám sát, quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước (là tiền của nhân dân), ông Hùng cũng đề xuất nên quy định thẩm quyền của QH trong việc phê duyệt bố trí sử dụng vốn của các DN 100% vốn Nhà nước định kì hằng năm đồng thời phải có cơ chế giám sát QH thông qua Hội đồng Dân tộc.

Cùng quan điểm này, ĐB Trần Văn (Cà Mau) nhấn mạnh nội dung dự thảo Luật phải chặn cửa “thoát hiểm” để các đại diện sở hữu vốn Nhà nước trở thành vô can khi những đổ vỡ, mất mát nghiêm trọng xảy ra.

“Luật có bịt được lỗ hổng này không? Nếu không làm việc này thì khó có thể khắc phục được việc thất thoát”. Ông Văn cũng thẳng thắn bày tỏ bất đồng với quy định về thẩm quyền bổ sung vốn của Chính phủ vào các DN. Theo ông, bổ sung vốn đầu tư vào DN từ ngân sách nên thuộc thẩm quyền của QH.

Thị trường không làm, Nhà nước mới làm

Theo ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), DN 100% vốn Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng, thực sự cần thiết để tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đối với những lĩnh vực không quan trọng thì chỉ nên tham gia đầu tư dưới dạng cổ phần để bảo đảm cạnh tranh công bằng theo quy luật thị trường.

Nội dung luật cần phải tập trung vào giải quyết các mối quan hệ Nhà nước với người đại diện vốn chứ không cần quan tâm đến loại hình DN nhiều. Về quan điểm quản lý, giao trách nhiệm cho người đại diện vốn, ông Nam đề xuất luật nên quy định Chủ tịch HĐTV phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nhưng cũng nên giao toàn quyền bởi cơ quan đại diện sở hữu vốn Nhà nước vẫn nắm quyền giám sát đầu tư, phê duyệt kế hoạch nên DN bị chi phối và không thực sự là chủ thể độc lập.

Không hẳn đồng nhất với ý kiến trên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) quyết liệt bác bỏ việc đầu tư chạy theo thị trường. Ông Lịch cho rằng ngân sách Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những việc mà thị trường không làm: đầu tư công ích, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng… Còn những việc mà thị trường đã làm được thì Nhà nước nên “buông” hẳn. Đối với các loại hình đầu tư bằng ngân sách cũng cần phải xem xét kĩ và quy định chặt chẽ đầu tư trong lĩnh vực nào với loại hình nào.

“Loại hình Cty TNHH thì chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn nhất định, không thể phù hợp với những lĩnh vực quan trọng”, ông Lịch nói. Ngoài ra, ông Lịch đề nghị cần làm rõ từng loại hình DN Nhà nước 100% vốn và 51% vốn bởi sẽ liên quan đến định hướng lĩnh vực đầu tư. Trường hợp các DN nắm giữ 51% vốn Nhà nước có tới 49% vốn của các cổ đông thì không thể đầu tư công ích mà không tính tới lợi nhuận.

Siết chặt huy động vốn

Quan tâm đến khía cạnh huy động và sử dụng vốn huy động của các DN Nhà nước, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) góp ý nên siết chặt quy định về huy động vốn hơn nữa bởi dự thảo Luật quá thông thoáng, dễ dãi sẽ dẫn tới việc DN huy động vốn và sử dụng vốn sai mục đích và hậu quả vẫn để lại cho ngân sách gánh chịu.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) lại đề cập sâu hơn đến hiệu quả hoạt động của các DN sử dụng vốn Nhà nước vì lâu nay cho dù được hưởng đủ mọi ưu ái thậm chí độc quyền nhưng các DN Nhà nước thường báo lỗ hoặc cùng lắm thi thoảng có lãi nhưng lãi không đáng kể, chỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Vẻ cho rằng DN Nhà nước cũng cần phải kinh doanh theo cơ chế thị trường, tỉ suất lợi nhuận bình quân ít nhất cũng phải bằng lãi suất bình quân.

“Luật cần quy định rõ DN Nhà nước phải lợi nhuận bao nhiêu phần trăm thì hoàn thành nhiệm vụ. Phải xem xét hiệu quả ở đâu, đến mức nào chứ không nói chung chung là hiệu quả. Nếu lợi nhuận đạt 1-2% vẫn coi là hoàn thành nhiệm vụ thì không cần đầu tư”, ông Vẻ bày tỏ quan điểm.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhộn nhịp trên công trình hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1

Hàng trăm công nhân cùng máy móc đang tập trung hoàn thiện hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1 theo tiến độ của chủ đầu tư đưa ra.