| Hotline: 0983.970.780

Quản lý yếu kém và có sự tiếp tay của một số cán bộ chính quyền Gia Lai?

Thứ Hai 14/01/2019 , 13:05 (GMT+7)

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, có khoảng 1.600 lô đất đã được tách thửa trái phép. Hiện tượng phân lô, bán nền diễn ra trên địa bàn 8 xã/phường của TP.Pleiku. Trước tình trạng nhiều DN tự quy hoạch, phân lô bán nền tràn lan...

Trước tình trạng nhiều DN tự quy hoạch, phân lô bán nền tràn lan, làm vỡ quy hoạch TP.Pleiku, dư luận cho rằng, ngoài việc quản lý yếu kém của một bộ phận cán bộ chính quyền các cấp của tỉnh Gia Lai và TP.Pleiku, còn có sự tiếp tay của một số cán bộ khác.
 

Quản lý yếu kém hay cố tình làm ngơ?

Liên quan đến việc các cá nhân, DN tự quy hoạch các khu dân cư tại xã Chư Á, TP.Pleiku, đã phát hiện 3 khu dân cư được mở trái phép tại làng Nha Hyơn. Theo báo cáo của xã Chư Á: “Khu dân cư” thứ nhất có diện tích hơn 10.849m2, do 2 cá nhân là ông Nguyễn Xuân Tiến (trú tổ 11, phường Hoa Lư, TP.Pleiku, Gia Lai) và ông Nguyễn Đình Huy (trú thôn 3, xã Ia Rol, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk) lập. Phần đất nông nghiệp này trước đó của ông Lê Văn Hùng và bà Trương Thị Thẩm (trú tổ 5, xã An Phú, TP.Pleiku).

16-20-54_nh_8
2 trong số những “Khu dân cư ảo” ở TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai

Sau khi mua lại, Tiến và Huy tự ý làm đường rộng 6m trong “khu dân cư” của mình để rao bán với giá đất “thổ cư”, cao gấp nhiều lần giá đất nông nghiệp. Theo tìm hiểu, Tiến và Huy là người của Cty CP BĐS Hưng Gia Khang (trụ sở chính tại số 148 Hùng Vương, phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, và chi nhánh tại TP.Pleiku ở số 55 Nguyễn Tất Thành, P.Hoa Lư. Một trong 2 DN BĐS lớn nhất ở TP.Pleiku) do ông Nguyễn Văn Kế làm Chủ tịch HĐQT. Một đại diện Sở Xây dựng Gia Lai nói với PV: “Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra công ty BĐS Hưng Gia Khang theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Lâu nay, nhiều Cty BĐS đã từng phá nát quy hoạch các tỉnh phía Nam, sau đó lên Đắk Lắk, giờ lại qua Gia Lai kinh doanh, trục lợi". 

Khu dân cư “ảo” thứ hai do ông Ngô Văn Mây, ngụ P.Yên Thế, TP.Pieku, phân lô, mở bán có diện tích 10.703m2. Tại khu dân cư này, hộ ông L.Q.P (trú thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai) sau khi mua nền, đã tiến hành vận chuyển vật liệu xây nhà. Khi phần móng đã xây dựng lên cao hơn 1 mét thì bị chính quyền đến lập biên bản yêu cầu ngưng thi công. “Vì công trình xây trên đất nông nghiệp, không có giấy phép nên chúng tôi lập biên bản đình chỉ xây dựng, xử phạt hành chính chủ nhà 1,5 triệu đồng; đồng thời ra quyết định tiến hành cưỡng chế sau 60 ngày”, ông Trương Văn Minh, Phó Chủ tịch xã Chư Á cho biết.

Khu dân cư thứ 3 do ông Nguyễn Văn Lợi, ở P.Hoa Lư, TP.Pleiku, làm chủ. Để dễ phân lô, bán nền, ông Lợi đã tự ý đổ đá cấp phối làm đường trái phép dài 70m, rộng 6m. Khu này có diện tích 5.460m2. Dù phát hiện vi phạm, nhưng địa phương vẫn chưa liên hệ được với ông Lợi để lập biên bản xử lý. Tất cả 3 khu dân cư này, đất nông nghiệp được san ủi bằng phẳng, rải đá cấp phối làm đường trái phép. Mỗi khu được chủ đất cắm hàng chục đến hàng trăm cọc bê-tông để chia thửa phân lô bán nền. 

16-20-54_nh_7
Ảnh: Phúc Lập

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn L, một cán bộ về hưu ở P.Thắng Lợi, bức xúc: “Trong tất các vụ các vụ phân lô bán nền, lấp suối chiếm đất ở TP. Plieku thời gian qua, tôi dám chắc có sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương. Nếu không chẳng ai làm được. Nếu bảo không biết, thì chẳng khác nào chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Nhưng đến bây giờ, khi sau khi sự việc đã quá nghiêm trọng, tỉnh, TP mới ra tay thì quá muộn rồi”.
 

Văn bản 'vẽ đường cho hươu chạy'

Mặc dù chính quyền phường, xã, các địa phương xảy ra việc phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp tỏ ra rất “có trách nhiệm” trong việc quản lý đất đai tại địa bàn mình quản lý, ngăn chặn ngay khi sự việc xảy ra, nhưng kết quả của việc “ngăn chặn” này như chúng tôi thấy, chỉ là con số không, cho đến khi chính quyền tỉnh vào cuộc.

Tìm gặp bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Chư Á, TP.Pleiku hỏi về vấn đề phân lô bán nền tràn lan, bà Hương cho biết, có 3 khu đất trong xã DN tự “quy hoạch” trên đất nông nghiệp thành “Khu dân cư”. “Khi thấy DN mở đường trái phép, chúng tôi đã có văn bản đình chỉ, yêu cầu DN ngừng việc thi công trái phép này, và có báo cáo UBND TP.Pleiku. Chúng tôi cũng mời các DN này lên làm việc, để có hướng xử lý”, bà Hương nói.

Còn ông Lê Văn Quang, Chủ tịch P.Thắng Lợi, TP.Pleiku cũng cho biết: “Khi thấy DN san ủi mặt bằng, bán nền, chúng tôi đã cho kiểm tra tính pháp lý. Và khi biết họ xây dựng không có giấy phép, phường đã ngăn chặn không cho làm”. Được biết, DN tự ý san lấp, phân lô bán nền ở phường Thắng Lợi là Công ty TNHH Mai Nga, do bà Mai Thị Tuyết Nga làm chủ. Theo ông Quang, do Quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị của TP chưa rõ ràng, cụ thể nên vô tình tạo điều kiện cho các “cò đất” thao túng.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai mà chúng tôi có, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai là người đã ký 3 Quyết định “Về việc Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất của TP.Pleiku” trong các năm 2016, 2017 và 2018, chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, không đúng với Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Gia Lai. Từ các quyết định này, một số cá nhân, DN đã lấy làm “bảo bối” để phân lô, bán nền ồ ạt, phá vỡ quy hoạch TP.Pleiku.



3 Quyết định “Về việc Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất của TP.Pleiku” trong các năm 2016, 2017 và 2018

Dẫn đến việc ký các quyết định trái luật này của ông Kpă Thuyên, là Sở TN-NMT tỉnh. Theo Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Gia Lai, về việc san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn TP.Pleiku, thì Sở TN-MT tỉnh Gia Lai là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định, tham mưu UBND tỉnh, ký ban hành các QĐ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất không phù hợp Quy hoạch.

Một quan chức tỉnh Gia Lai phân tích: “Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh phải thông qua hội đồng cấp tỉnh thẩm định, trong đó UBND TP.Pleiku là cơ quan lập dự thảo, còn sở TN-MT có trách nhiệm thẩm định, tham cho UBND phê duyệt. Hội đồng thẩm định này gồm rất nhiều sở ngành, cơ quan như: Sở TNMT, sở Xây dựng, sở Công thương, sở Y tế, GD-ĐT, NN-PTNT, GT-VT, KH-ĐT, công an, quân sự cấp tỉnh... Ba QĐ Kế hoạch sử dụng đất sau khi ban hành, đều gửi cho thủ trưởng các cơ quan trên chịu trách nhiệm thi hành. Nhưng 3 QĐ trên là sai quy trình, không hiểu sao vẫn được ký? Vì ba QĐ trái quy định này mà việc phân lô, bán nền tại địa phương diễn ra tràn lan, băm nát quy hoạch thành phố. Cả ba QĐ trên đều trái quy định của Chính phủ, của Luật Đất đai”.

Theo ông Dương Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Gia Lai, đơn vị đã thi hành quyết định kỷ luật Khiển trách đối với Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, TP.Pleiku. Với vị thế là Chủ tịch phường, ông Quang buông lỏng quản lý, để một số hộ dân san ủi, làm đường bêtông trên đất nông nghiệp không đúng quy định, việc “không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đã gây dư luận xấu”. Đây là Chủ tịch phường bị kiểm tra, xử lý kỷ luật đầu tiên trong số 10 xã, phường xảy ra tình trạng phân lô, bán nền trái phép.

Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Gia Lai, ông Dương Minh Đức cho biết, Tỉnh ủy Gia Lai đã có quyết định số 187-QĐ/UBKTTU, kiểm tra dấu hiệu vi phạm với Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Pleiku và Đảng ủy Sở TN-MT Gia Lai, cùng các cá nhân lãnh đạo chủ chốt của 2 cơ quan này về việc đất nông nghiệp trên địa bàn TP.Pleiku bị phân lô bán nền trái phép.

Các cá nhân của Sở TN-MT chịu sự kiểm tra này gồm các ông: Bí thư Đảng ủy - GĐ Sở Phạm Duy Du; PGĐ Sở Huỳnh Minh Sở; nguyên PGĐ Sở Trần Xuân Hùng; ông Lê Xuân Khanh, PGĐ Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh; Đặng Thanh Tài, Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và bà Nguyễn Thị Hậu, Trưởng phòng Kỹ thuật Địa chính, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh. Về Thành ủy Pleiku có các cá nhân ông: Trịnh Duy Thuận, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku; Trần Xuân Quang, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Pleiku; Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch UBND TP.Pleiku.

 

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.