| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 23/11/2020 , 05:50 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:50 - 23/11/2020

Quan tân, điều hành cần mới

Người dân đã được nghe khá nhiều lời hứa, như sau một vài năm sẽ đủ giường bệnh cho người bệnh, không để tình trạng một giường ghép đến hai, ba bệnh nhân.

Sau một thời gian chưa có bộ trưởng chính thức, ngành Y tế vừa có người đứng đầu, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10. Đó là GS.TS Nguyễn Thanh Long.

Và ngày 15/11 vừa qua, lễ công bố quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đã diễn ra với sự có mặt của đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cổ nhân có câu “quan tân, chế độ tân" (quan mới, có cách điều hành công việc mới). Việc bổ nhiệm tân bộ trưởng của ngành Y tế được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi thời gian qua, Giáo dục, GTVT và Y tế là 3 lĩnh vực nổi cộm, gây bức xúc cho xã hội nhiều nhất.

Với ngành Y tế, thì những công việc cấp bách nhất là làm thế nào ngăn chặn đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác như bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… không để cho chúng quay trở lại, nhất là trong điều kiện thiên tai vừa tàn phá miền Trung và một số tỉnh khác trên cả nước một cách vô cùng khủng khiếp.

Đó là trang bị và nâng cao cơ sở của ngành để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, và ngăn chặn triệt để những tiêu cực trong việc mua sắm trang thiết bị.

Đại dịch COVID-19 hoành hành đã làm thế giới lao đao. Tại Việt Nam, hiện tại chúng ta đã khống chế được dịch bệnh nhờ sự cố gắng hết mình của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, được sự hưởng ứng của toàn dân, trong đó công lao lớn nhất thuộc về ngành Y tế.

Nhưng đại dịch này cũng gây tổn hại vô cùng lớn cho nền kinh tế, và lúc nào cũng có thể bùng phát trở lại, nếu chúng ta lơ là cảnh giác. Riêng nạn khai khống giá trị của các thiết bị Y tế núp dưới danh nghĩa “xã hội hóa” để tham ô, móc túi người bệnh, tuy đã có hàng loạt vụ án hình sự được cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam như vụ nguyên giám đốc BV Bạch Mai, vụ giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, vụ thuốc ung thư giả… nhưng đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Chính vấn nạn này đã đẩy chi phí khám chữa bệnh lên cao, trở thành gánh nặng đè trĩu vai người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo. Hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ chế tài chính để vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng lại giảm chi phí, bớt gánh nặng cho nhân dân. Đó là những “bài toán” vô cùng khó.

Người dân đã được nghe khá nhiều lời hứa của các Bộ trưởng Y tế, như sau một vài năm sẽ đủ giường bệnh cho người bệnh, không để tình trạng một giường ghép đến hai, ba bệnh nhân. Như sẽ kéo giảm chi phí khám chữa bệnh.

Nhưng rồi lời hứa qua đi, còn cảnh người bệnh chui từ gầm giường bệnh viện ra để chào bộ trưởng khi bộ trưởng đến thăm, vẫn lặp lại, và chi phí khám chữa bệnh thì không thấy giảm mà chỉ thấy tăng.

Hàng núi công việc đổ dồn lên vai vị tư lệnh của ngành, người có vai trò vô cùng lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cho toàn dân. Quan tân có cách điều hành mới, là kỳ vọng toàn dân đối với bộ trưởng.

Bình luận mới nhất