Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban PCTT-TKCN huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã chỉ đạo các xã Đức Hóa, Thạch Hóa lên phương án vận động, tổ chức di dời 430/1.600 khẩu có nguy cơ ngập lụt sâu và bị sạt lở đất.
Nằm ven sông Gianh, xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) cũng đã bị lũ uy hiếp mạnh. Ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết, do địa bàn xã nằm ở vùng thấp trũng, sát sông Gianh nên mưa lũ đã lên nhanh và làm ngập gần 150 nhà dân ở thôn Phù Ninh và Tân An. “Hiện chính quyền xã đã vận động người dân chủ động kê cao tài sản và chuẩn bị lương thực dữ trữ đề phòng lũ lụt kéo dài”- ông Bình cho hay.
Do mưa lớn nên một số tuyến đường chính như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Hưng Đạo, Hữu Nghị, Lê Lợi… của thành phố Đồng Hới cũng bị nước ngập sâu. Tại tổ dân phố Phú Thượng (phường Phú Hải) có hơn 130 hộ dân bị ngập sâu đến 1m. Nhiều gia đình đã bị nước ngập các tài sản có giá trị lớn. Ông Lê Thế Tâm (phường Phú Thượng) chia sẽ: "Nước lên nhanh lắm. may mà lũ ban ngày nên việc kê dọn tài sản cũng nhanh chóng. Nếu không thì thiệt hại còn nhiều hơn nữa”
Tại huyện Quảng Ninh, mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến đường chính, đường thôn và gây ngập cục bộ và chia cắt tại các xã Hiền Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Xuân Ninh và Hàm Ninh. Riêng đối với 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn mưa lớn đã gây ngập sâu tại các cầu, ngầm; nhiều bản đã bị chia cắt và cô lập hoàn toàn với trung tâm xã.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện có gần 3.000 hộ dân bị ngập sâu. “Chúng tôi tập trung lực lượng và phương tiện để sẵn sàng ứng cứu và di dời người dân đến nơi an toàn nếu lũ dâng cao bất thường. Một số dịa phương có nhà hai tầng tránh lũ đã phát huy được hiệu quả”- ông Đông chia sẽ.
Vùng Lệ Thủy cũng đang bị mưa lũ uy hiếp. Nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện lỵ đi về các địa phương đã bị lũ nhấn chìm. Lũ trên sông Kiến Giang lên nhanh đã làm ngập trên 600 nhà dân. Nước lũ trên sông Kiến Giang lên nhanh, chảy xiết khiến chiếc cầu phao dân sinh nối từ xã An Thủy qua xã Lộc Thủy bị cuốn trôi. Một số diện tích ao hồ nuôi thủy sản và rau màu bị thiệt hại.
Hiện nay, có khoảng 30 hộ dân ở bản Khe Giữa (xã miền núi Ngân Thủy- Lệ Thủy) đang bị nước lũ cô lập và ngập sâu hơn 1 m. Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết đã chỉ đạo lực lượng bộ đọi biên phòng hỗ trợ bà con. “Nếu lũ có chiều hướng gia tăng thì lực lượng của huyện sẽ khẩn trương di dời bà con lên vùng cao hơn để đảm bảo an toàn”- ông Sơn nói.
Tại thành phố Đồng Hới, tàu cá mang số hiệu QB1234 TS do ông Nguyễn Văn Tý (trú tại phường Hải Thành, Đồng Hới) làm thuyền trưởng đang neo tại bến đậu Nhật Lệ bị sóng to, gió lớn giật đứt dây neo. Tàu trôi dạt ra biển và có nguy cơ bị chìm.
Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã điều động 15 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương xuống hiện trường, phối hợp với các thuyền viên kịp thời cứu hộ. Lực lượng biên phòng đã đưa được tàu cá về lại khu tránh trú và hỗ trợ ngư dân chằng chéo, neo đậu đảm bảo an toàn.
Hiện ở Quảng Bình, mưa lớn vẫn đang diễn ra trên diện rộng. Nước trên các con sông dâng lên nhanh…