| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Lũ dòng Gianh chạm mái nhà

Thứ Ba 20/10/2020 , 17:17 (GMT+7)

Lũ lớn tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh còn chưa rút thì sông Gianh lại đẩy lũ lên ngập trắng các huyện phía bắc Quảng Bình như Bố Trạch, Quảng Trạch, TX. Ba Đồn…

Ngập lũ ở Quảng Văn (Thị xã Ba Đồn). Ảnh: T.L.

Ngập lũ ở Quảng Văn (Thị xã Ba Đồn). Ảnh: T.L.

Tại huyện Bố Trạch đã có gần 12.000 ngôi nhà bị ngập trong lũ. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho hay: “Thị trấn Phong Nha ngập gần 3.000 nhà. Các xã Hưng Trạch, Phúc Trạch, Thanh Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch… địa phương nào cũng có trên ngàn hộ dân bị ngập nặng. Chúng tôi chỉ đạo các lực lượng, chính quyền địa phương có mặt tại các vùng xung yếu, vùng bị ngập sâu để cứu dân”.

Còn thị trấn Phong Nha hiện lọt thỏm bốn bề nước lũ. Ông Phan Văn Quang, một người dân cho hay, có năm lũ cao vượt mái nhà. “Đến giờ, lũ vô nhà khoảng 2 mét nước rồi. Có khi đêm nay mưa lớn thì lũ lại vượt mái nhà ngay. Ở vùng đất này bên sông Son và đường thoát lũ cũng hẹp nên lũ hỗn lắm. Không chuẩn bị là trở tay không kịp đâu”.

Lũ ngập tại thị trấn Phong Nha (Bố Trạch). Ảnh: CTV.

Lũ ngập tại thị trấn Phong Nha (Bố Trạch). Ảnh: CTV.

 Thị xã Ba Đồn có trên 22 nhà dân bị ngập sâu. Trong đó, tập trung nhiều ở các phường Quảng Văn, Quảng Lộc, Quảng Minh, Quảng Hải… Huyện Quảng Trạch có khoảng 8.000 nhà ở các xã Quảng Thanh, Phù Hóa, Cảnh Hóa, Quảng Hưng, Quảng Xuân…

Ông Đoàn Minh Thị, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Hiện chúng tôi tập trung hỗ trợ người dân đối phó với lũ. Nhiệm vụ đặt ra là không để người dân vùng ngập lũ bị đói, khát”.

Lũ ngập 1 số địa phương ở huyện Quảng Trạch. Ảnh: CTV.

Lũ ngập 1 số địa phương ở huyện Quảng Trạch. Ảnh: CTV.

Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh vừa tiếp tục cứu trợ người dân ở vùng lũ các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện tàu, ca nô của các lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng để ứng cứu các địa phương bị lũ sông Gianh.

“Hiện, lũ sông Gianh đang lên rất mạnh và nước lũ xiết. Các phương tiện và lực lượng cứu hộ đang hết sức để tiếp cận những vùng bị lũ xoáy, vùng bị chia cắt nguy hiểm. Chúng tôi chỉ đạo các địa phương quán triệt thực hiện có hiệu quả “4 tại chỗ” để cứu dân, giảm thiệt hại do lũ gây ra”, ông Phong nhấn mạnh.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã điều 5 thuyền cao tốc, 13 thuyền và 150 chiến sỹ tham gia ứng cứu nhân dân các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Minh Hóa.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trao đổi: “Hiện, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để về các vùng lũ giúp dân, cứu dân nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe và tài sản. Ở đâu khó khăn, nguy hiểm là lực lượng biên phòng phải có mặt kịp thời để hỗ trợ nhân dân”.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận vùng lũ sông Gianh. Ảnh: CTV.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận vùng lũ sông Gianh. Ảnh: CTV.

Xã Quảng Văn (Thị xã Ba Đồn) nằm ven sông Gianh nên đang bị uy hiếp nặng. Ông Nguyễn Văn Thanh nhà bị ngập hơn 2m nói khàn tiếng: “Mấy năm qua không có lũ lớn. Năm nay lũ lên nhanh quá, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ là nước vô nhà ngập ngang nóc tủ. Nhiều gia đình đang cần hỗ trợ di chuyển ngay chứ không sẽ bị lũ cuốn trôi”.

Ông Trần Công Thuật - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao quà cứu trợ cho người dân huyện Lệ Thủy. Ảnh: N.Hoàng.

Ông Trần Công Thuật - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao quà cứu trợ cho người dân huyện Lệ Thủy. Ảnh: N.Hoàng.

Tại thời điểm trưa 20/10, lũ tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh có rút xuống. Tuy nhiên, đến cuối ngày, lũ lại lên ngang đỉnh hôm trước. Công tác cứu hộ, cứu trợ tại các địa phương này đang được thực hiện rất khẩn trương và gấp rút

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.