| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Lũ lên lập đỉnh, hàng ngàn cuộc gọi kêu cứu trong đêm

Thứ Hai 19/10/2020 , 10:15 (GMT+7)

Từ chiều tối 18/10, lũ tiếp tục lên mạnh và nhấn chìm nhiều địa phương ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa…

Nhiều ngôi nhà tại Quảng Bình bị ngập sâu trong biển nước. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều ngôi nhà tại Quảng Bình bị ngập sâu trong biển nước. Ảnh: Tâm Phùng.

Từ đầu cầu Trung Quán xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) chúng tôi lên thuyền máy đè lũ về vùng bị  ngập nặng xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh).

Con thuyền trọng tải 3 tấn gắn máy 25CV, rồ máy lao ra dòng lũ. Gió thổi ngược xốc lũ thành những con sóng hung hãn, đập lắc con thuyền như trẻ đùa chơi võng. Phải gần 1 giờ đồng hồ trong cơn mưa xối xả chúng tôi mới tiếp cận được về tại trung tâm xã Tân Ninh.

Nhiều cơ quan, đơn vị, nước ngập gần hết tầng 1. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều cơ quan, đơn vị, nước ngập gần hết tầng 1. Ảnh: Tâm Phùng.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã người ướt đẫm nước lũ nói trong hơi thở gấp: “Toàn xã có trên 2.000 nóc nhà thì đã bị ngập trắng, chúng tôi huy động hết lực lượng để chuyển bà con từ chỗ thấp lên chỗ cao hoặc về ủy ban xã. Hiện nhiều thôn bị ngập rất nặng nên bà con đang cần sự hỗ trợ gấp”.

Nói xong, ông xuống đò cùng chúng tôi đè những đợt sóng lũ về thôn Quảng Xá..

Ngôi nhà ông Đỗ Mai Thúy (75 tuổi, thôn Quảng Xá) nước đã chạm tới mái ngói, ông ngồi co ro trên sàn nhà. Thuyền cặp mái, lực lượng cứu hộ phá ô cửa đầu hồi, dìu ông bước ra mái hiên đưa xuống thuyền.

Các tuyến đường bị ngập, nhiều làng, xã bị chia cắt. Ảnh: Tâm Phùng.

Các tuyến đường bị ngập, nhiều làng, xã bị chia cắt. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Thuý hổn hển: “May quá, tưởng không có ai đến kịp. Đây là lần đầu tiên tui thấy cơn lũ dữ như ri, lũ dâng cao chưa từng thấy, sóng lớn dập làm sập tường phía sau nhà rồi”.

Đưa người về trụ sở xã, con đò lại xé lũ ngược về thôn Hữu Tân, nhiều tiếng kêu cứu từ trong những ngôi nhà bị ngập lũ vọng ra. Đò ghé sát ô cửa gió của ngôi nhà bà Nguyên Thị Gái (gần 90 tuổi). Một thanh niên chui qua ô cửa gió bế bà Gái đưa ra, bên ngoài người đỡ đưa lên thuyền an toàn.

Khoảng 1 giờ đồng hồ quần thảo trong lũ, thuyền đã đón hơn 20 người già, trẻ con và phụ nữ có bầu đưa về trụ sở. Khi chúng tôi tiếp cận được thôn Hữu Lộc (xã Tân Ninh) thì gặp đò máy của ông Lê Đình Thi và mấy thanh niên trong thôn.

Người dân vùng tâm lũ Quảng Bình được lực lượng cứu hộ di dời ra khỏi vùng lũ. Ảnh: Tâm Phùng.

Người dân vùng tâm lũ Quảng Bình được lực lượng cứu hộ di dời ra khỏi vùng lũ. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Thi bảo: “Từ sáng đến giờ, chúng tôi cũng đã di chuyển gần 20 người đến mấy ngôi nhà cao cả rồi. Nhờ các anh hỗ trợ thêm cho mấy gia đình ở ngoài rìa làng đang bị sóng hung hãn bao vây. Còn trong này chúng tôi có thể lo liệu được…”

Hàng ngàn cuộc gọi trong đêm, lực lượng cứu hộ trắng đêm cứu dân trong lũ

Vào lúc trời sẩm tối, chúng tôi rời Tân Ninh về vùng ngập lụt nặng Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) để ứng cứu.

Thượng tá Đặng Văn Hoàng – Phó trưởng phòng phòng chống ma tuý và tội phạm Bộ đội biên phòng Quảng Bình làm tổ trưởng. Cano cắt lũ chéo một vòng đi qua vùng ngập lụt Tả Phan (xã Duy Ninh), Trúc Ly (xã Vạn Ninh) để cứu những người dân đang ngồi trên mái ngói đưa về nơi an toàn.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận một hộ dân vùng lũ để đưa đến nơi an toàn. Ảnh: Tâm Phùng.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận một hộ dân vùng lũ để đưa đến nơi an toàn. Ảnh: Tâm Phùng.

9h tối, chúng tôi mới về được trụ sở UBND xã Hàm Ninh. Tại đây, nước lũ đã chạm gần mái tầng 1. Ba chiếc thuyền cole chạy như con thoi giữa lũ để cứu dân.

Ông Võ Hữu Cương- PCT UBND xã đi trên thuyền máy, vuốt nước mưa chảy ròng trên mặt: “Tổng số 8 cole của xã và các thôn phải chạy hết công lực từ sáng đến giờ để cứu bà con. Hiện rất nhiều người đang cần được giúp đỡ, trong khi đó trời lại tối, nước lũ xiết nên rất nguy hiểm cho anh em. Nhưng vì tính mạng của bà con mình nên anh em đi quần quật đến giờ vẫn chưa ăn uống gì.”

Người dân vùng lũ Quảng Bình đang trong tình cảnh rất khó khăn, giao thông bị chia cắt, lũ ngập hết công trình nhà cửa... Ảnh: Tâm Phùng.

Người dân vùng lũ Quảng Bình đang trong tình cảnh rất khó khăn, giao thông bị chia cắt, lũ ngập hết công trình nhà cửa... Ảnh: Tâm Phùng.

Toàn xã Hàm Ninh đến 8h tối hơn 100 người được di chuyển đến nơi an toàn.

Tại trụ sở xã Hàm Ninh, máy điện thoại ông Lê Ngọc Huân – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đổ chuông liên tục, máy của thượng tá Đặng Văn Hoàng cũng những hồi chuông dồn dập. Toàn những cuộc điện thoại khẩn xin được cứu hộ.

    • Nhà chú có 4 người ở thôn Trung (xã Võ Ninh) lũ đã tràn lên mái ngói…
    • Có 2 mẹ con ở Hiển Lộc (xã Duy Ninh) đang ngồi trên nóc nhà cần sự hỗ trợ gấp…
    • Nhà tôi ở Trường Dục (xã Hiền Ninh) còn mét nữa là ngập nóc, 2 bố con cần cứu gấp…
    • Gia đình tôi 4 người, vợ mới sinh ở An Ninh đang gặp nguy cấp cần sự hỗ trợ…
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận những ngôi nhà, làng, xã bị chia cắt để sơ tán người dân. Ảnh: Tâm Phùng.

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận những ngôi nhà, làng, xã bị chia cắt để sơ tán người dân. Ảnh: Tâm Phùng.

Trong màn đem dày đặc, tiếng mưa ràn rạt quất lên mũ cối đội trên đầu mọi người cũng không át được tiếng kêu cứu của người dân. Chiếc cano vẫn lầm lũi quẹo trái quẹo phải đè lũ, qua ánh đèn pin loang loáng. Củi rều đánh liên tục vào chân vịt và thân cano.

Bỗng cano giật mạnh tiếng máy rồ lên khi bị quấn vào mớ dây điện bùng nhùng kéo giật lại, sóng lũ chồm lên phủ ngập phần đuôi. Chiếc cano bỗng vọt lên thoát khói đám dây điện, mùi khói xăng nghe khét lẹt.

Trong ánh sáng nhợt nhoà của đèn pin qua màn mưa dày đặc, mẹ con bà Trần Thị Bốn (thôn Trần Xá – xã Hàm Ninh) đang kêu cứu. Chiếc thuyền cole của anh Cương cập đến chuyển được 2 mẹ con về cano.

Lực lượng cứu hộ trắng đêm cứu dân trong lũ. Ảnh: Tâm Phùng.

Lực lượng cứu hộ trắng đêm cứu dân trong lũ. Ảnh: Tâm Phùng.

Điện thoại của ông Lê Ngọc Huân và thượng tá Đặng Văn Hoàng vẫn tiếp tục những tiếng chuông réo gọi, báo xin hỗ trợ khẩn cấp, xin cứu giúp khẩn cấp làm anh em chúng tôi thấy se sắt trong lòng vì khó có thể tiếp cận đến những địa chỉ cần cứu giúp ở trong đêm.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.