| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Nơm nớp lo sạt lở

Thứ Ba 27/10/2020 , 15:46 (GMT+7)

Sau trận mưa lũ lịch sử, người dân Quảng Bình lại sống trong cảnh lo ngay ngáy vì chuyện sạt lở ven sông, dưới chân đồi. Không biết hoạn nạn sẽ giáng xuống lúc nào…

Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình) cho hay: “Dãy núi Ba Cồn chưa hề có hiện tượng sạt lở bao giờ. Vậy mà, trong trận mưa lũ vừa rồi đã xuất hiện nhiều điểm sạt lớn. Chúng tôi đã phải di dời nhiều hộ dân để đảm bảo tính mạng ”.

Nỗi lo sạt núi

Sạt lỡ ở núi Ba Cồn làm cả xóm phải di dời. Ảnh: T. Thanh

Sạt lỡ ở núi Ba Cồn làm cả xóm phải di dời. Ảnh: T. Thanh

Vùng Thạch Hóa nằm vào vị trí bán sơn địa chứ chưa phải là miền núi. Bao đời nay, người dân vẫn chăm chút làm ăn, khai khẩn chân đồi. Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạc Hóa bảo: “Việc sạt núi chỉ xảy ra trong đợt mưa lũ lần này thôi nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn”.

Nhiều ngôi nhà dân dưới chân núi Ba Cồn đã bị sạt lở làm sập. Ảnh: T.Thành

Nhiều ngôi nhà dân dưới chân núi Ba Cồn đã bị sạt lở làm sập. Ảnh: T.Thành

Dưới chân núi Ba Cồn có 20 hộ dân với gần 100 nhân khẩu sinh sống và trồng trọt. Ông Mai Văn Phi, trưởng xóm Ba Cồn kể, hôm 17/10, nghe núi cũng chộn rộn lắm. Lúc đó, bên chính quyền xã do ông Bình đến buộc mọi người phải rời đi chỗ khác. Các cơ quan hỗ trợ bà con đi. Ai chần chừ thì bị “cưỡng chế” luôn. “Đến tối hôm đó mưa lớn. Sáng hôm sau, mọi người bảo có 4 nhà gồm gia đình ông Mai Gồng, Mai Minh, Hoàng Văn Trung và bà Hoàng Thị Hà bị núi lở đè sập mất rồi. May mà cả xóm đã di dời nên không có ai việc gì. Nếu không thì cũng xảy ra hậu quả lớn lắm”. Ngày sau đó, chính quyền xã Thạch Hóa huy động lực lượng hỗ trợ bà con tháo dỡ nhà cửa, thu dọn đồ đạc, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Hiện, cả Thạch Hóa đã chọn vùng đất Đòng Nổ (cách xã chân núi Ba Cồn hơn 1 km để làm khu tái định cư cho 20 họ dân xóm Ba Cồn. Ông Ông Cao Xuân Bình cho biết, những ngày tạnh mưa sau lũ, chính quyền đã khẩn trương san ủi mặt bằng, đầu tư làm hạ tầng ban đầu để ổn định nơi ăn ở cho các hộ dân. “Hiện chúng tôi chỉ cố gắng làm nhà tạm, nhà lán cho các hộ dân có nơi tránh mưa, nắng. Các gia đình này cũng đang gặp khó khăn nên không thể tự chủ được. Chỉ mong cấp trên hỗ trợ cho nguồn kinh phí để cho bà con sớm ổn định cuộc sống”- ông Bình nói thêm.

Cũng vào thời điểm này, ngọn đồi nơi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Bộ đội Biên Phòng Quảng Bình) nằm bên đường Quốc lộ 12A cũng bị sụt lún. Toàn bộ sườn núi phía sau doanh trại đơn vị sạt xuống làm hư hỏng nhiều công trình nhà cửa của đơn vị. Dãy nhà ở của cán bộ, chiến sĩ và tường rào phía trước của đơn vị bị sập hoàn toàn. Một số khu vực nhà chỉ huy đồn đã bị đổ sập hoặc nứt gãy.Thượng tá PhanThanh Bồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cho hay: “Do chủ động di dời toàn bộ lực lượng đến nơi khác nên không xảy ra thiệt hại về người. Hiện nay, tuyến đường Quốc lộ 12A cũng sụt lún nặng đã bị cấm phương tiện qua lại”.

Bà con xóm Ba Cồn đang khẩn trương chuẩn bị vật liệu để làm nhà lán ở tạm nơi khu dân cư mới. Ảnh: T. Thanh

Bà con xóm Ba Cồn đang khẩn trương chuẩn bị vật liệu để làm nhà lán ở tạm nơi khu dân cư mới. Ảnh: T. Thanh

Sạt lở núi đe dọa đến tính mạng, tài sản của đồng bào ở bản Cha Lo (xã Dân Hóa). Lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo phối hợp với chính quyền địa phương di dời khẩn cấp 34 hộ/127 khẩu của bản Cha Lo đến các nơi khác để bảo đảm an toàn.

Nơm nớp bên miệng “hà bá”…

Xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa) cách xã Thạch Hóa không xa và người dân ven sông đang nơm nớp đêm ngày lo lở.

Xóm Kinh Trừng (thôn Đức Phú, xã Đức Hóa), có 8 căn nhà dân ở bên bờ sông Gianh. Năm trước, việc sạt lở đã xảy ra. Nhưng vào mùa lũ năm nay và nhất là trận lũ lớn vừa qua, việc sạt lở còn nghiêm trọng hơn.

Nhà anh Mai Trung đứng chênh vênh bên bờ vực sông Gianh. Ảnh: M.T

Nhà anh Mai Trung đứng chênh vênh bên bờ vực sông Gianh. Ảnh: M.T

Gia đình anh Mai Trung là trong tám hộ dân có nhà bị sạt lở. Hiện ngôi nhà đổ máí bằng của anh đã đứng chênh vênh bên bờ vực sông Gianh. “Khi thấy xuất hiện vết nứt sát nhà chạy dài và ngày càng sâu hơn, tôi đã báo với chính quyền địa phương. Một số cán bộ huyện và xã đã về kiểm tra, khuyên mọi người dân tạm di dời sang chỗ khác ở. Trong trận lũ này, nước sông Gianh chảy mạnh đã làm xói lở thêm, ngôi nhà bị nứt gãy, như chuẩn bị đổ sụp xuống sông”, anh Trung tái mặt nói.

Cách nhà anh Trung vài chục mét là nhà chị Nguyễn Thị Hồng. Chắt bóp, vay mượn, chị Hồng làm được ngôi nhà kiên cố. Chưa kịp cười vui nhà mới thì nỗi lo đã treo ngay trước mắt. Trong mùa lũ, sông Gianh “ăn” vào làm sụp cả dãy trên xuống sông mất dạng và tiến đến sân nhà. Bây giờ, đứng ở hiên nhà là đã thấy hố nước xoáy vòng tròn của sông Gianh. “Đêm nằm ngủ cứ nghe xoáy nước nó cứ réo ò ò mà khiếp lắm. Chắc ngày mai mấy mẹ con tui cũng dọn hết đồ đạc bỏ nhà mà đi thôi. Chứ ở nhà mà nơm nớp thế này thì ở làm chi. Không khéo, lở xoáy ăn vào mang luôn cả nhà xuống sông đó chớ”- chị Hồng nói mà nghe thắt cả ruột.

Nhà ông Mai Tâm thuộc diện đến ở xóm này sớm nhất. Ngôi nhà cũng đã bị sông “ăn” sát đến mép sân, chỉ còn cách móng nhà vài mét và đang trong tình cảnh lo sợ. “Ngày trước đến ở đây, bờ sông rất ổn định nhờ có nhiều cây cối, tôi xây nhà cách bờ sông chừng 30 m. Bây giờ cây không còn, bờ sông đã lở vào tận móng nhà. Gia đình lo sợ không dám ở, nhưng di dời đi nơi khác cũng khó vì không có kinh phí”- ông Mai Tâm bộc bạch.

Nhà ông Mai Tâm cũng đang bị sạt lỡ sông Gianh đe dọa. Ảnh: T.T

Nhà ông Mai Tâm cũng đang bị sạt lỡ sông Gianh đe dọa. Ảnh: T.T

Theo lời bà con ở thôn Kinh Trừng thì trước kia họ sống ở bên kia sông, địa hình thấp trũng lên năm nào cũng bị lũ ngập sâu. Sau đó, chính quyền địa phương đã di dời bà con đến nơi ở mới an toàn hơn. Tuy nhiên, sau nhiều năm sinh sống, hai bên bờ sông Gianh xuất hiện sạt lở nghiêm trọng. Và hiện nay, việc sạt lở như đã “treo” trước mỗi gia đình.  Hiện tại trong lũ, đã có một nhà bị sạt lở xuống dòng sông Gianh, nhưng vì trước đó người dân đã dọn đi nên không có ai việc gì

Anh Mai Trung cho hay, bờ sông đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhà dân có thể trôi xuống sông bất kỳ lúc nào, đe doạ nguy hiểm tính mạng của mọi người. “Rất mong chính quyền bố trí khu tái định cư mới để bà con về đó nhằm ổn định nơi ăn chốn ở”- anh Trung mong muốn.

Ông Võ Đức Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hoá cho biết, trong 8 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng ở xóm Kim Trừng, có 2 căn nhà sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào, nên 2 hộ dân này đã được di dời sang nơi khác, 6 hộ còn lại ban ngày ở nhà sinh hoạt, ban đêm đến nơi khác để ngủ. “Xã đã cắt cử lực lượng dân quân tự vệ túc trực tại ví trí các hộ bị ảnh hưởng do sạt lở để theo dõi, giúp dân kịp thời khi có sự cố. Lâu dài cần các cơ quan huyện và tỉnh vào cuộc, hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn sinh sống”- ông Trường cho biết.

    BOX: Hôm 14/10, trước khi lũ tới, có 4 người dân ở thôn Bồng Lai (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình) vào rừng tìm kiếm trầm hương. Khi mưa lớn và lũ bao vây, nhóm 4 người này làm lán trú dưới chân núi thuộc địa phận Lâm trường Bồng Lai (huyện Bố Trạch). Đang đêm, ngọn đồi này sạt lỡ và vùi lấp lán trú mưa khiến cả 4 người tử vong. Gia đình cùng lực lượng chức năng của huyện Bố Trạch đã nỗ lực tìm kiếm trong bùn đất  và đã tìm thấy thi thể của họ.

 

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.