Cưa cắt cành cây cổ thụ ứng phó bão số 4. |
Ngày 29/8, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, các ban ngành liên quan chủ động các biện pháp phòng chống bão số 4.
Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Các địa phương, đơn vị khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích lúa hè thu và chú trọng khâu bảo quản. Kiểm tra và bảo đảm an toàn hồ đập, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, công trình, tàu cá tại các khu neo đậu. Chủ động phương án sơ tán người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ven biển... Làm tốt công tác phòng chống để giảm thấp nhất thiệt hại do bão gây ra”.
Tàu thuyền về khu neo đậu. |
Tại các khu neo đậu ở Quảng Bình, hàng trăm tàu cá đang hối hả chạy vào bờ trú bão. Tại Khu neo đậu tránh trú bãi cảng Gianh cũng đã san sát tàu. Ngoài tàu cá của ngư dân trong tỉnh, còn có nhiều tàu cá của các tỉnh khác cũng đang neo đậu tránh trú bão tại các cảng của Quảng Bình.
Ngư dân Lê Văn Phú (tỉnh Bình Định) sau khi chằng néo tàu xong nói: “Tàu tôi và nhiều tàu nữa cũng đã nhiều lần vào cập tàu tránh bão ở đây. Nhân viên của khu neo đậu cũng rất quan tâm và tạo điều kiện cho các ngư dân ngoài tỉnh”.
Nhiều ngư dân cũng đã tìm mua thêm lốp ô tô cũ buộc thêm vào trước, sau và hai bên mạn tàu để tránh va đập trong trường hợp sóng to, gió lớn.
Ngư dân khẩn trương chằng néo thuyền bè. |
Trên các tuyến đường của TP Đồng Hới và nhiều địa phương việc cắt tỉa cành cây xanh, cây cổ thụ cũng được tiến hành khẩn trương. Nhiều nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ cũng đang được đưa về nơi tránh trú an toàn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến sáng 29/8, còn 677 tàu cá, với 4.325 lao động của địa phương vẫn đang hoạt động trên biển và đã nhận được thông tin về cơn bão số 4 để di chuyển ra khỏi tâm bão hoặc vào bờ.
Bắt đầu từ sáng 29/8, Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to. Trong mưa, người dân vẫn hối hả phòng chống bão.