Chiều 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng hạ tầng và xuất khẩu.
Trước đó, trong buổi sáng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đi khảo sát tình hình thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp và quản lý vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo của các địa phương tại buổi làm việc cho thấy trong bối cảnh nước ta gặp nhiều khó khăn, trong đó 6 địa phương phát triển mạnh về công nghiệp đều có mức tăng trưởng thấp thì Hải Dương, Quảng Ninh, và Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước.
Cụ thể, Hải Phòng tăng 9,65%, gấp 2,9% bình quân chung cả nước, đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH); Hải Dương tăng 8,35 %, đứng thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ 3 trong vùng ĐBSH; Quảng Ninh tăng 8,06%, đứng thứ 12 cả nước về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ 6 trong vùng ĐBSH.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của 3 địa phương đều tăng so với cùng kỳ, trong đó Hải Phòng tăng 13,37%, Hải Dương tăng 10,7%, Quảng Ninh tăng 4,7%, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chủ lực là thế mạnh của các địa phương như chế biến chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô, đóng tàu và cấu kiện nổi, sản phẩm điện, điện tử,...
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm của TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đều tăng so với cùng kỳ, trong đó Hải Phòng ước đạt 9 tỷ USD, tăng 16,58%; Quảng Ninh ước đạt 929 triệu USD, tăng 13,7%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hải Dương có xu hướng giảm (4,5%) do một một số mặt hàng chủ lực như may mặc, da giày, thiết bị điện đều giảm.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của 3 địa phương đạt 1,06 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng số vốn của vùng ĐBSH, chiếm gần 12% cả nước.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết theo Quy hoạch định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có 16 khu công nghiệp, 5 khu kinh tế. Thời gian qua, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị công nghệ, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết việc làm, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng…
Việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Quảng Ninh và được xác định là khu vực động lực thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, năm 2023, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế được xác định là nội dung quan trọng để thực hiện thành công chủ đề công tác năm của tỉnh là "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân".
Trong đó triển vọng nhất là các khu công nghiệp tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với 8 khu công nghiệp, tổng diện tích là 7.123,85ha. Hiện đã có 4 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, tỷ lệ lấp đầy ngày một tăng.
Đề xuất với Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư khu công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, phát triển và mong muốn Chính phủ quan tâm, nghiên cứu, chỉ đạo tháo gỡ về nhu cầu sử dụng điện trong khu công nghiệp, khuyến khích đầu tư hạ tầng điện tái sinh là năng lượng mặt trời và điện gió để giải quyết một phần áp lực về tiêu thụ điện ở các khu công nghiệp.
Đồng thời xem xét giải quyết nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng đối với các dự án đầu tư, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện để các địa phương tăng cường thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quảng Ninh cam kết đồng hành, tập trung tháo gỡ khó khăn cùng các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư phát triển.
Đối với nội dung quản lý vùng đệm Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc thực hiện một số quy định về đầu tư phát triển tại vùng đệm di sản. Có quy chế, hướng dẫn, biện pháp điều chỉnh phù hợp để tỉnh đẩy mạnh đầu tư trên tinh thần bám sát Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nhìn nhận đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức do tình hình thế giới chưa bớt khó khăn, nền kinh tế nước ta có độ mở cao nên dễ bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, nhiều nút thắt chưa được giải quyết căn cơ, trong khi doanh nghiệp chưa có đủ năng lượng để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2023, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều phải nỗ lực lớn, quyết tâm rất cao.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc của các địa phương để từ đó phải đề xuất được giải pháp tháo gỡ.
Quá trình tổng hợp, đề xuất giải pháp tháo gỡ phải thực hiện theo các nguyên tắc từng bước, trước mắt tập trung khắc phục tình trạng chồng chéo, chưa đầy đủ về quy định pháp luật; phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Trước kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến việc quản lý vùng đệm Vịnh Hạ Long, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ tất cả các địa phương có vùng đệm các khu di tích, di sản để đưa ra giải pháp khắc phục đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì buổi làm việc giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh về cơ chế cấp điện cho các khu công nghiệp trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ trao đổi với các Bộ, ngành để khi ban hành thông báo kết luận cuộc họp hôm nay, có thể nêu thời hạn các Bộ, ngành hoàn thành giải quyết một số khó khăn, vướng mắc của địa phương.