Nhất là Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP), mặc dù được kiểm soát nhưng tốc độ vào đàn vẫn chậm; đại dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở những nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, hoạt động XNK và tiêu thụ.
Nông nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19
Thông qua nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp và người dân, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương.
Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh càng trở nên quan trọng, tác động tích cực tới sự phát triển của ngành.
Cao điểm của dịch bệnh Covid-19, nhiều nông sản của tỉnh Quảng Ninh rơi vào tình trạng rớt giá thảm do không thể tiêu thụ, hoạt động XNK cũng ngưng trệ. Chính vì thế tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiêu thụ bằng cách mở các cuộc “giải cứu” nông sản quy mô lớn trong tỉnh, ưu tiên các đơn vị, tập đoàn có nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào như Than khoáng sản... Thậm chí, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh trực tiếp kêu gọi người dân địa phương “sử dụng các sản phẩm nông sản của địa phương, trực tiếp hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp”.
Chỉ trong thời gian ngắn, công tác phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được triển khai thực hiện với nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi duy trì giá nông sản có lợi cho nông dân.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành nông nghiệp của tỉnh đã nỗ lực vượt khó, đạt được kết quả đồng bộ, đưa ngành phát triển với tốc độ cao. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,8%. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 55%. Tỷ lệ số dân nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cả năm đạt 98,8%. Đặc biệt, giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 13.200 tỷ đồng. Nhiều chỉ số ngành nông nghiệp đứng đầu cả nước như tỉ lệ che phủ rừng...
Theo số liệu của Cục Thống kê và báo cáo của các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh: Hầu hết các chỉ tiêu chính của ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2019: Tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành tăng 4,1% (tăng 0,9% so với kịch bản đề ra); Tỷ lệ số dân nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cả năm ước đạt 98,8%, tăng 0,08% so với cùng kỳ; Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 55% tăng 0,2% so với cùng kỳ; Trồng rừng tập trung ước đạt 11.478 ha, tăng 7,4% so với cùng kỳ; Sản lượng khai thác gỗ tăng 1,3% so với cùng kỳ; Sản lượng lương thực ước đạt 227.128 tấn, tăng 0,6% so vời cùng kỳ; Tổng đàn bò 31.630 con tăng 5,3% so với cùng kỳ; đàn lợn 269.570 con tăng 1,8% so với cùng kỳ; Đàn gia cầm 3.892 nghìn con tăng 4,8% so với cùng kỳ; Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 144.479 tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ (khai thác 73.066 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ; nuôi trồng 71.413 tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ).
Tiếp tục khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, một số kết quả khả quan của ngành trong năm 2020: Tiếp tục cùng các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục các Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Đông Triều (đang đầu tư sản xuất với diện tích 109 ha), Hiện Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh”.
“Chương trình MTQG xây dựng NTM được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả cụ thể; cơ sở hạ tầng thủy lợi, nông thôn được quan tâm đầu tư; chính sách phát triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng. Tiếp tục nâng cao đời sống của dân cư nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái chung của tỉnh Quảng Ninh” ông Công cho biết thêm.
Ngoài ra, địa phương cũng đang tập trung thực hiện Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả (theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ), đến hết năm 2020 thành lập được 133 HTX. Đến nay. toàn tỉnh Quảng hiện có 378 hợp tác xã nông nghiệp tăng 37 HTX so với năm 2019, số HTX hoạt động có hiệu quả là 200 HTX chiếm 57%, tăng 9,7% so với năm 2019; có 101 tổ hợp tác nông nghiệp (trong đó 96 THT đang hoạt động, 05 THT ngừng hoạt động); có 483 trang trại được cấp giấy chứng nhận (tăng 11 trang trại so với cùng kỳ).
Tăng cường cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cơ bản được xây dựng đầy đủ và đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được quan tâm hơn với nhiều hình thức phong phú hơn; duy trì và triển khai tốt các chương trình giám sát; đặc biệt là tăng cường kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Đồng thời, tập trung hướng dẫn các địa phương nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Đến nay, có 270 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SSOP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); đã cấp 15 giấy xác nhận chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 45 loại sản phẩm thực phẩm nông nghiệp.
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Trong năm 2021, chỉ tiêu tăng trưởng cho ngành nông nghiệp địa phương được giao là 4,5%, mức cao so với nhiều năm gần đây. Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy, hành động, rà soát, điều chỉnh, triển khai ngay những vấn đề còn tồn tại trong các khâu quy hoạch vùng nuôi, vùng khai thác; hạ tầng kỹ thuật. Nông nghiệp cần chuyển đổi chế biến tinh, sâu thay cho chế biến thô; khâu tiêu thụ sản phẩm bền vững, giá trị cao thay cho các giải pháp giải cứu, xử lý tình thế; chủ động trong phòng chống dịch bệnh, đổi mới cơ cấu trên cây trồng, vật nuôi.
“Kinh tế nông nghiệp cần phải vận hành theo quy luật của thị trường. Các ngành công thương, khoa học công nghệ, ngoại vụ, tài chính kế hoạch… phải cùng vào cuộc để nông nghiệp được xúc tiến thương mại mạnh, có hàm lượng KHCN cao, được XK. Ngành cần tính đường dài cho mình, đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng theo nhiệm kỳ và liên kết theo chiều rộng, mức tăng trưởng và hình thức liên kết không chỉ trong nội ngành mà còn đối với các ngành kinh tế khác…” ông Khắng nhấn mạnh.