Hiệu quả bước đầu mô hình trồng rừng gỗ lớn
Thời gian qua, TP Uông Bí đã nỗ xây dựng vành đai rừng gỗ lớn phía Bắc thành phố theo mục tiêu và chủ trương phát triển rừng trồng gỗ lớn của tỉnh Quảng Ninh bằng nhiều giải pháp thiết thực. Đồng thời, thực hiện đề án phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung đến năm 2020, Uông Bí đã quy hoạch trồng cây thông nhựa, giai đoạn 2016-2020 trồng 1.600ha.
Chỉ tính riêng xã Thượng Yên Công, địa phương này hiện có 470ha rừng sản xuất. Ngay từ năm 2018, theo chỉ đạo của TP Uông Bí, xã đã triển khai trồng 30ha rừng gỗ lớn. Đối với cây thông nhựa, người dân địa phương được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Uông Bí hỗ trợ về kỹ thuật và giống (3 năm đầu được hỗ trợ 15 triệu đồng).
Ông Nguyễn Duy Thao, cán bộ Phòng Kinh tế TP Uông Bí, cho biết: Để nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc giữ lại rừng sau 10 năm khai thác. Bởi lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần so với trồng rừng gỗ nhỏ, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Mặt khác, trồng rừng gỗ nhỏ đòi hỏi phải tái đầu tư giống, công trồng, chăm sóc ban đầu, nguy cơ cháy rừng cao hơn so với rừng gỗ lớn.
“Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn chưa thật sự thu hút, động viên người trồng rừng. Quy định mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/ha đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới; không quá 10 triệu đồng/ha tại các địa bàn còn lại của tỉnh, là còn thấp. Bên cạnh đó, lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định, như: Quy mô rừng gỗ lớn phải đạt tối thiểu là 50ha đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; 9ha đối với trang trại, tổ hợp tác; 3ha đối với cá nhân, hộ gia đình” ông Thao nói thêm.
Để đảm bảo mục tiêu trồng rừng gỗ lớn của tỉnh, thành phố đang rà soát diện tích đất đai trên địa bàn, nghiên cứu đưa vào quy hoạch tập trung, nhằm đảm bảo hiệu quả khi triển khai trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Quảng Ninh cũng nghiên cứu nâng mức hỗ trợ cho phù hợp, tạo động lực, thu hút người dân trồng rừng gỗ lớn.
Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030: Quảng Ninh hướng tới tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phục vụ chương trình phát triển rừng trồng gỗ lớn; kèm theo đó là các cơ chế chính sách hỗ trợ. Việc chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay.
Chuyển hóa dần sang trồng rừng gỗ lớn
Keo là cây lâm nghiệp chính đang được gây trồng phổ biến tại Quảng Ninh. Rừng trồng keo các loại hiện nay đã và đang góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Đến nay, các loài keo không chỉ được trồng với mục đích cung cấp gỗ nguyên liệu mà còn được trồng với mục đích lấy gỗ lớn cung cấp gỗ xẻ, làm PALLET ván sàn, đồ mộc, đồ gia dụng...
Với mục tiêu chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang cung cấp gỗ lớn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng mô hình chuyển hóa rừng keo (keo lai, keo tai tượng) cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Việc chuyển đổi này không chỉ góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái mà còn cung cấp gỗ cho sản xuất công nghiệp và phục vụ đời sống nhân dân.
Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng mô hình chuyển hóa rừng keo (keo lai, keo tai tượng) cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn với quy mô 105ha. Mô hình này được triển khai nhằm mục tiêu chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang cung cấp gỗ lớn góp phần tăng giá trị rừng trồng lên 50% so với rừng trồng gỗ nhỏ. Mô hình này được triển khai tại các địa phương: Hạ Long (gồm xã Đồng Lâm 20ha, xã Sơn Dương 40ha); Ba Chẽ (xã Thanh Lâm 15ha); Vân Đồn (xã Đài Xuyên 15ha, xã Bản Sen 15ha).
Bà Nguyễn Thị Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện mô hình là tập quán canh tác và tâm lý còn e ngại của người dân, với tư duy trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ 5-7 năm có hiệu quả kinh tế cao và có nguồn thu nhanh hơn, sớm quay vòng đầu tư...
Bên cạnh đó, khi tiến hành tỉa thưa người dân thường có tâm lý tiếc cây, không dám chặt, thường trồng dày để thân cây thẳng, đỡ tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, khi trồng dày cây rừng sinh trưởng về chiều cao, hạn chế sinh trưởng về đường kính. Như vậy muốn lấy gỗ lớn thì phải trồng thưa hoặc phải tỉa thưa để cây rừng sinh trưởng về đường kính.
“Để xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình chuyển hóa rừng keo, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương phổ biến, tuyên truyền giúp người dân địa phương nhận thức được lợi ích và hiệu quả kinh tế trong chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rừng gỗ lớn cho người trồng rừng tham gia mô hình này và thực hiện mô hình trình diễn nhanh cho người dân tham quan học tập”, bà Thế cho hay.
Xã Bản Sen, huyện Vân Đồn đang có 5 hộ dân đang tham gia mô hình chuyển hóa rừng keo trên diện tích 15ha. Tham gia mô hình, bà con nhân dân đã được hỗ trợ 70% vật tư phân bón. Đồng thời, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ mới trong chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Bà con rất phấn khởi và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Theo khảo sát, mô hình chuyển hóa rừng keo cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn đã đảm bảo mục tiêu và yêu cầu đề ra theo từng giai đoạn cũng như sự kỳ vọng của người dân. Trước đây, rừng chưa chuyển hóa mật độ 2.500 cây/ha, đường kính bình quân 9,3cm; chiều cao bình quân 8,2m thì nay sau khi tỉa thưa rừng sinh trưởng mạnh, mật độ hiện tại 1.400 cây/ha, đường kính bình quân 14,3cm; chiều cao bình quân 11,5m. Việc áp dụng kỹ thuật chuyển hóa rừng keo gỗ lớn là việc làm cần thiết để tạo bước đột phá mạnh mẽ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người dân.