| Hotline: 0983.970.780

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp:

Quảng Ninh quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương

Thứ Ba 07/04/2020 , 09:10 (GMT+7)

Ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh đang có những phương án cụ thể phục vụ hoạt động chống khai thác bất hợp pháp theo quy định (IUU).

Ngư dân cam kết tuân thủ các quy định chặt chẽ của IUU. Ảnh: Anh Thắng.

Ngư dân cam kết tuân thủ các quy định chặt chẽ của IUU. Ảnh: Anh Thắng.

Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã phân công nhiệm vụ tới các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để từ đó kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ông Hà Vân Giang, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh), cho biết: “Sau khi hiểu rõ quy định của Trung ương và của tỉnh về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong nội dung chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định được chúng tôi thực hiện hướng dẫn tới bà con ngư dân, đây là đối tượng chính trong việc chung tay hoạt động khai thác hợp pháp, tránh những yếu tố bất lợi đến khai thác vùng biển cấp xâm phạm”.

Đồng thời, theo ông Giang, điểm mới của Quảng Ninh là quy định trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đối với việc quản lý tàu cá của địa phương trên cơ sở pháp lý mang tính đồng bộ.

Phòng chống khai thác trái phép theo quy định được tỉnh Quảng Ninh triển khai có chiều sâu, cơ quan quản lý và ngư dân có tiếng nói chung hướng tới lợi ích lâu dài.

Trong hệ thống các biện pháp phòng chống tình trạng khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài, cơ quan chuyên môn lắng nghe ý kiến của ngư dân để từ đó kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, lên phương án hỗ trợ kịp thời, hoặc định hướng các chính sách phù hợp như nâng cấp tàu cá, thuyết phục ngư dân chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành, hướng tới môi trường khai thác chuyên nghiệp.

Theo anh Lê Quý Trọng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tiến Tới huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết: Những năm gần đây, do thời tiết ấm hơn mọi năm nên tình hình khai thác cũng khá thuận lợi.

Đặc biệt, mực và đàn cá nổi cũng xuất hiện nhiều hơn nên sản lượng khai thác mỗi chuyến cũng khá cao. Có những mẻ lưới, tàu của tôi thu được hơn 2 tấn mực, cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Ngư dân chúng tôi luôn tuân thủ các quy định mà cơ quan chuyên môn hướng dẫn, đánh bắt trên ngư trường được phép khai thác, tránh xảy ra vi phạm không đáng có.

Đồng thời, thông qua các buổi gặp mặt, hướng dẫn cho anh em cùng nghề cập nhật những quy định mới.

Hiện nay, đội tàu khai thác của Nghiệp đoàn nghề cá xã Tiến Tới có 26 tàu công suất từ 90CV trở lên tham gia khai thác thuỷ sản tại vùng khơi Vịnh Bắc Bộ và khu vực thượng, hạ Mai (Cô Tô) với 168 thành viên, trong đó có một số tàu đóng mới với công suất 750CV. anh Trọng nói thêm.

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Quảng Ninh có 9.040 tàu cá lắp máy, trong đó có 722 tàu công suất trên 90CV hoạt động khai thác tuyến lộng và tuyến khơi. Để nâng cao hiệu quả khai thác cho bà con ngư dân, ngay từ đầu năm, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương phát bản đồ ngư trường, phân bố các loài thuỷ sản cho ngư dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn tàu thuyền, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác, triển khai các chính sách hỗ trợ đối với ngư dân khai thác trên các vùng biển xa...

Sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước với ngư dân, trên cơ sở thành lập nhiều hiệp hội lĩnh vực góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân ngư dân. Nhiều ngư dân “văn minh” cam kết đánh bắt trên ngư trường được phép khai thác, hoạt động nghề bền vững nâng cao hiệu quả.

Đối với trường hợp tàu cá cố tình vi phạm sẽ có khung xử lý mang tính răn đe, tránh xảy ra các vụ việc tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Trong khung hình phạt, trường hợp chủ tàu cá và các đối tượng môi giới, móc nối để đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài và ngược lại đều phải chịu xử lý dựa trên mức độ nghiêm trọng. Kết quả không có tàu cá nào của tỉnh Quảng Ninh vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Những năm qua, kinh tế thủy sản đang từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với sản lượng khai thác luôn đạt trên 64.000 tấn/năm. Bà con ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển, làm giàu từ ngư trường.

Quy định xử phạt còn nhiều bất cập

Được biết, Luật thủy sản số 18/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 có sự thay đổi về số lượng tàu cá hoạt động tại các vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi còn nhiều bất cập so với quy định cũ, do có sự khác biệt về tiêu chí phân loại tàu hoạt động tại các vùng biển phải tương xứng với phân loại tàu cá.

Đối với tàu cá, quá trình này không còn dựa vào công suất máy mà chuyển sang phân loại dựa trên chiều dài lớn nhất của tàu.

Trong khi đó, phạm vi các vùng biển khai thác thì không có sự thay đổi giữa quy định mới và quy định cũ gây ra sự xáo trộn về số lượng tàu cá hoạt động trên các vùng biển, nhiều tàu đang hoạt động tại vùng lộng, khơi nay lại chuyển vào vùng ven bờ và ngược lại.

Tính đến nay, Bộ NN- PTNT chưa ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề cho những tàu cá có công suất, kích thước nhỏ hoạt động ven bờ. Cũng như, chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho ngư dân có tàu không tham gia khai thác thủy sản trong thời gian cấm khai thác, vùng cấm khai thác.

Một điểm đáng lưu ý, được coi là bước đi đúng đắn nhất nhằm chấm dứt hoạt động khai thác trái với các quy định của IUU từ trước đến nay phải kể đến mức phạt được quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

Cụ thể mức xử phạt được điều chỉnh điều chỉnh cao hơn (hầu hết đều gấp 05 lần) so với Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013. Song, các điều khoản để áp dụng còn nhiều yếu tố gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Đáng nói, việc xử phạt không quy định dựa trên nghề cấm mà chỉ có ngư cụ cấm được sử dụng. Mức phạt đối với lỗi sử dụng ngư cụ cấm thì không có sự khác biệt giữa chiều dài của tàu hoặc không có sự khác biệt giữa số lượng ngư cụ cấm sử dụng trên một tàu cá. Chính những quy định này khiến nhiều ngư dân có tàu nhỏ, công xuất không quá lớn tỏ ra bất bình, không không hài lòng với với hình thức bị xử lý dẫn đến chống đối và vứt bỏ lại ngư cụ, phương tiện.

Chế tài xử phạt là một trong những biện pháp hữu hiệu chấm dứt tình trạng khai thác trái quy định IUU. Ảnh: Anh Thắng.

Chế tài xử phạt là một trong những biện pháp hữu hiệu chấm dứt tình trạng khai thác trái quy định IUU. Ảnh: Anh Thắng.

Thêm nữa, điều kiện cấp giấy phép khai thác thuỷ, hải sản là tàu cá phải lắp thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, đến thời điểm hiện tại mới có 2 đơn vị được Tổng cục Thủy sản thông báo đủ điều kiện cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tuy nhiên giá thiết bị cao, hàng năm phải trả phí dịch vụ gây khó khăn cho ngư dân. Ngoài ra lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá theo quy định trước ngày 1/4/2020 đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét nên một số chủ tàu còn có tâm lý chờ đợi.

Cũng theo ông Hà Vân Giang, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh: Địa phương này chưa có cảng cá được Bộ NN-PTNT chỉ định đủ điều kiện xác nhận thủy sản khai thác. Mặc dù Quảng Ninh có 2 cảng cá loại I được quy hoạch là cảng cá Cái Rồng, Cô Tô nhưng đến nay chưa được đầu tư xây dựng hoàn thiện, do đó địa phương còn lúng túng trong việc thành lập bộ phận kiểm soát tàu cá tại cảng, việc thực hiện xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác rất khó khăn do chưa thành lập được Ban quản lý cảng cá.

Quá trình giám sát, kiểm tra cần lực lượng chuyên biệt, nhưng Quảng Ninh chưa thành lập được lực lượng Kiểm ngư trên địa bàn. Số lượng cán bộ, thuyền viên trên tàu Kiểm ngư còn thiếu nhiều so với quy định, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở NN-PTNT còn thiếu chưa đáp ứng được nhiệm vụ. Cán bộ, thuyền viên tàu kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ chưa được trang bị đồng phục khi làm nhiệm vụ nên khi thực hiện nhiệm vụ còn gặp khó khăn. Ông Giang nói thêm.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm