| Hotline: 0983.970.780

IUU: Quảng Ngãi không thể lùi!

Thứ Tư 01/04/2020 , 10:18 (GMT+7)

Nếu không quyết liệt hơn trong việc khắc phục những khuyến nghị của EC thì Quảng Ngãi không những không gỡ được thẻ vàng mà còn có nguy cơ bị phạt thẻ đỏ.

Công tác triển khai khắc phục thẻ vàng của EC tại Quảng Ngãi vẫn chưa có nhiều kết quả. Ảnh: Lê Khánh.

Công tác triển khai khắc phục thẻ vàng của EC tại Quảng Ngãi vẫn chưa có nhiều kết quả. Ảnh: Lê Khánh.

Nghề cá còn có nhiều bất cập

Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển khoảng 130km với 6 cửa sông rất thuận lợi cho việc xây dựng các cảng, bến cá và các khu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Bên cạnh đó, tỉnh này còn có huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền 15 hải lý có diện tích khoảng 10km2, vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển của tỉnh cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển Đông – Tây – Nam bộ, Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.

Dù có điều kiện như vậy nhưng nhìn chung thì cơ sở hạ tầng nghề cá ở Quảng Ngãi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Trên địa bàn tỉnh này hiện nay đã triển khai đầu tư xây dựng 3 cảng cá và 3 cảng neo trú tàu thuyền. Công suất neo đậu tại các cảng cá và khu neo trú bão chỉ đảm bảo được cho 30% số lượng tàu thuyền hiện có của tỉnh vào neo đậu trong cảng cùng thời điểm.

Các cảng cá mới được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 nên chưa hoàn thiện các hạng mục, luôn trong tình trạng quá tải, hàng năm luồng vào cảng cá luôn bị bồi lấp, tàu cá ra vào rất khó khăn.

Tính đến cuối tháng 12/2019, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.571 tàu đánh cá trong đó tàu có chiều dài trên 15m là 3.358 chiếc. Sản lượng khai thác năm 2019 là 250.667 tấn. Số lượng tàu cá của Quảng Ngãi hiện nay còn quá lớn, cơ cấu nghề lại không hợp lý làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nhất là nguồn lợi thủy sản tầng đáy và nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, thực tế hiện nay, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt làm cho một số nghề khai thác chủ lực của tỉnh hoạt động không có hiệu quả. Hàng trăm tàu cá phải nằm bờ, bán không ai mua, nhiều chủ tàu nợ nần chồng chất, ngân hàng xiết nhà phải bỏ xứ đi làm thuê.

Tình trạng khan hiếm lao động đánh bắt hải sản diễn ra ngày càng trầm trọng, đã xuất hiện tình trạng người lao động lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chủ tàu.

Những hiện trạng trên đã khiến cho ngành thủy sản của Quảng Ngãi những năm qua gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, để có được hiệu quả kinh tế, nhiều tàu cá của Quảng Ngãi đã bất chấp pháp luật, đưa tàu thuyền của mình ra vùng biển nước ngoài để khai thác.

Từ năm 2017 trở về trước, Quảng Ngãi là tỉnh đứng tốp đầu của cả nước về số tàu cá và ngư dân vi phạm vùng viển nước ngoài, nhất là vùng viển Australia và các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Cao điểm nhất là năm 2016, tỉnh này có khoảng 10 tàu bị nước ngoài bắt giữ.

Khó gỡ thẻ vàng

Cuối tháng 10/2017, Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) phạt thẻ vàng đối với ngành thủy sản. Tỉnh Quảng Ngãi nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của vấn đề này nên đã chung tay cùng với cả nước quyết liệt trong công tác khắc phục với sự tham gia của nhiều sở, ngành như Sở NN-PTNT, Bộ Chỉ huy Biên Phòng tỉnh, Công an, Sở Ngoại vụ, các cơ quan thông tin truyền thông.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác khắc phục các khuyến nghị của EC tại cảng cá Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác khắc phục các khuyến nghị của EC tại cảng cá Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Dù các đơn vị nói trên đã cùng nhau phối hợp tuyên truyền cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc gỡ thẻ vàng nhưng đến nay thì kết quả đạt được vẫn chưa mấy khả quan. Điển hình như vấn đề lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tại địa phương này còn rất thấp.

Trong khi nhiều địa phương trên cả nước tỷ lệ này đã lên đến trên 90% thì tại tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ đạt khoảng hơn 8%.

Việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác thời gian qua ở tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu là hợp thức hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu chứ chưa đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu, quy định của Châu Âu.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là việc thực thi pháp luật thì Quảng Ngãi chưa thành lập được lực lượng kiểm ngư và chưa có tàu kiểm ngư. Việc kiểm tra, kiểm soát trên biển không được thường xuyên nên tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản, khai thác thủy sản sai vùng, sai nghề vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.

Vùng biển Quảng Ngãi có nhiều bãi ngang nên nhiều tàu chưa đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản vẫn lén lút hoạt động trên biển. Tỉnh này mới chỉ ngăn chặn được tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm trái phép các vùng biển của Úc và các quốc đảo Thái Bình Dương chứ chưa ngăn chặn được tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực.

“Với thực trạng cơ sở hạ tầng nghề cá, nguồn lực, công tác quản lý, giám sát tàu cá, ý thức chấp hành pháp luật về thủy sản của ngư dân như hiện nay, nếu tháng 6/2020, Đoàn thanh tra của EC vào Quảng Ngãi thì Việt Nam không những không gỡ được thẻ vàng mà nguy cơ bị thẻ đỏ là rất cao”, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định.

Phải quyết liệt hơn 

Trong chuyến kiểm tra và làm việc với tỉnh Quảng Ngãi trong việc triển khai khắc phục thẻ vàng của EC, ông Nguyễn Quang Hùng, Tổng cục phó Tổng cục Thủy sản cho rằng, tại cảng cá lớn nhất của tỉnh là Tịnh Kỳ vẫn còn tất nhiều tồn tại, hạn chế đáng lo ngại.

Nếu rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật và các kiến nghị của EC thì gần như chưa triển khai được bao nhiêu.

Thực tế kiểm tra tại Quảng Ngãi cho thấy sổ sách ghi chép thiếu rất nhiều, chỉ kiểm soát tàu ra chứ không kiểm soát tàu vào. Mà không kiểm soát tàu vào thì việc truy xuất nguồn gốc chắc chắn sẽ không kiểm soát được. Do vậy, BQL cảng cá, văn phòng thanh tra, kiểm tra nghề cá cần rà soát lại toàn bộ sổ sách theo hướng dẫn trong Thông tư 21.

“Liên quan đến vấn đề kiểm soát sản lượng việc ghi chép ở Quảng Ngãi cũng không trung thực, đây là lỗi rất nặng.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có 4 cảng cá nhưng mỗi cảng chỉ có 3 – 5 người, rất thiếu. Các trang thiết bị hạ tầng tại văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá không có.

Đề nghị tỉnh bố trí nguồn lực cũng như trang thiết bị để lực lượng kiểm soát nghề cá tại cảng hoạt động tốt hơn”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, 4 cảng cá của Quảng Ngãi loại 2 không đáp ứng các tiêu chí theo Luật Thủy sản mới.

Vậy nên, tỉnh này cần xem xét nâng cấp những yếu tố tối thiểu đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm như mái che, nhà phân loại dần đáp ứng tiêu chuẩn cảng cá loại 2 để công bố trong việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm khai thác.

Một vấn đề mà đại diện Tổng cục Thủy sản đề cập nữa là việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình. Nếu không triển khai thì rất khó trong việc kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển và chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khai thác.

“Quảng Ngãi lắp đặt còn rất thấp, đối với tàu trên 24m, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai lắp đặt hết trong giai đoạn tới vì Châu Âu kiểm soát nhóm tàu 24m đầu tiên”, ông Hùng đề nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Quảng Ngãi là tỉnh có số lượng tàu cá rất lớn, thường xuyên có tàu cá vi phạm đánh bắt bất hợp pháp nên khả năng cao đoàn kiểm tra của EC sẽ vào đây. Chính vì vậy, tỉnh này cần phải xem lại những vấn đề chưa làm được và vướng mắc ở đâu để kiến nghị lên Bộ NN-PTNT hoặc Chính Phủ.

"Thời gian tới, Quảng Ngãi phải tiếp tục tổ chức thông tin, truyên truyền sâu rộng để bà con ngư dân nắm được những quy định của pháp luật, tự giác chấp hành. Bên cạnh đó, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ người đứng đầu cho đến các cấp, ban ngành thì chúng ta mới có thể sớm khắc phục 4 kiến nghị của EC”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.