UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thu hồi đất trên thực địa và bàn giao cho UBND xã Đồng Sơn, TP Hạ Long quản lý; thời gian trong tháng 6/2023; chấm dứt hợp đồng thuê đất với Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh; thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.
Đồng thời, Cục thuế tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với khu đất thu hồi và truy thu bổ sung (nếu có) theo quy định.
Trước đó, vào tháng 02/2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam có bài: Giao 120ha đất rừng cho Y tế Đức Minh, đổi lại Quảng Ninh được gì?
Cụ thể, ngày 20/11/2012, ông Đặng Huy Hậu, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ký Quyết định về việc chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng dự án trồng cây dược liệu tại thôn Khe Càn, xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long), tỉnh Quảng Ninh.
Theo Quyết định này, Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh được đầu tư dự án trồng cây dược liệu tại khu vực trên với quy mô sử dụng đất của dự án là khoảng 120ha, tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.
Mục đích là xây dựng mô hình hạt nhân sản xuất và nuôi trồng vùng nguyên liệu dược liệu cho Tập đoàn Y tế AMV, trong đó tập trung vào một số cây dược liệu ngắn hạn (dưới 12 tháng), trung hạn (3,5 năm) và dài hạn (trên 10 năm); xây dựng các vườn cây dược liệu giống gốc và trung tâm sản xuất giống cây dược liệu để phát triển vùng nuôi trồng dược liệu trong cộng đồng.
Dự án còn có mục đích khác là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, thu hái và sơ chế dược liệu cho người dân địa phương, phát triển kinh tế của địa phương thông qua việc đóng góp vào ngân sách nhà nước, cung cấp cho người dân địa phương có công việc và thu nhập ổn định.
Trao đổi với PV Báo Nông nghệp Việt Nam vào thời điểm tháng 2/2022, lãnh đạo xã Đồng Sơn (TP Hạ Long) cho biết dự án trồng cây dược liệu của Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh được triển khai từ khoảng năm 2013, theo mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chủ yếu là cây ba kích.
Theo đại diện chính quyền xã, dự án này hiện có khoảng 4, 5 người tham gia, trong đó chỉ có 1, 2 người dân địa phương còn sản phẩm như nào không thấy công ty báo cáo. Tuy hoạt động trên địa bàn 10 năm nay nhưng Công ty Y tế Đức Minh gần như không có đóng góp gì cho địa phương từ an sinh xã hội đến công ăn việc làm.
Còn với người dân Đồng Sơn, một xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của TP Hạ Long, họ cho biết không mong gì từ dự án của Y tế Đức Minh, bao lâu nay người dân vẫn sống dựa vào trồng keo, trồng quế và đến nay cơ bản không còn hộ nghèo, xã cũng chuẩn bị đạt chuẩn nông thôn mới.
Cuối cùng, những mục đích, hứa hẹn tốt đẹp của chủ đầu tư Y tế Đức Minh nào là "tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế địa phương…" cũng chỉ là "chém gió" mà thôi.