Tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Sau khi đạt xã nông thôn mới nâng cao (2022), xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đăng ký về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Theo Quyết định số 1396/QĐ-UBND, ngày 3/7/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị, để về đích nông thôn mới kiểu mẫu, Cam Chính phải đạt tối thiểu một trong các tiêu chí: Cảnh quan môi trường; tổ chức sản xuất; giáo dục; văn hóa; du lịch; chuyển đổi số hoặc an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cam Chính cho hay, trước đó, địa phương này được chọn là xã điểm xây dựng tiêu chí chuyển đổi số. Vì vậy, sau nhiều lần rà soát, UBND xã Cam Chính đăng ký xây dựng tiêu chí cảnh quan môi trường.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể, nhân dân đồng thuận nên đến nay, tỷ lệ đường thôn, ngõ, xóm đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp; đường liên thôn, liên xã có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh tối thiểu 80%. Tỷ lệ đường thôn, ngõ, xóm có hệ thống điện chiếu sáng đảm bảo mỹ quan đạt 100%.
“Sau những trận mưa lũ gần đây, hoa cây cảnh bị thối, hư hỏng. Tuy nhiên, làm đẹp khuôn viên làng xã đã đi vào nền nếp nên chẳng bao lâu người dân Cam Chính đã khắc phục xong. Có thể nói, đến thời điểm này, Cam Chính đã chín muồi để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Hà phấn khởi.
Cũng đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) chọn tiêu chí về tổ chức sản xuất. Ông Mai Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành cho biết, sau khi đăng ký, UBND xã Cam Thành đã triển khai nhiều mô hình liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như: Trồng 20 ha lạc VietGap mỗi năm; sản xuất lạc giống phẩm cấp xác nhận; liên kết trồng các loại cây dược liệu như tràm năm gân, quế hồi và một số loại cây dược liệu bản địa…
“Chúng tôi dựa vào các lợi thế sẵn có tại địa phương để xây dựng ác mô hình liên kết và thực tế đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, qua rà soát, tiêu chí về tổ chức sản xuất của xã Cam Thành đã đạt”, ông Mai Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành cho hay.
Ông Phạm Viết Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ cho biết, từ 2021 đến nay, Cam Lộ đã huy động gần 388 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 4 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và đang hoàn thiện các hồ sơ để được công nhận. Về xây dựng huyện NTM nâng cao hiện Cam Lộ đã đạt 7/9 tiêu chí.
“Năm 2024, huyện Cam Lộ phấn đấu xây dựng 7/7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trên 40% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Cam Lộ trở thành huyện NTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trên 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 3%...”, ông Thanh cho hay.
Phấn đấu có 5 huyện nông thôn mới vào năm 2025
Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Quảng Trị, tính đến đầu tháng 10/2024, toàn tỉnh Quảng Trị có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm Cam Lộ, Vĩnh Linh, Triệu Phong. Riêng huyện Cam Lộ đang tiến hành tự đánh giá kết quả xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện Hải Lăng cũng đã được thẩm tra và đủ điều kiện trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng công nhận. Ngòai ra, huyện Gio Linh cũng đặt mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2025.
Đến nay, Quảng Trị có 75/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trên 74%), trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 16,1 tiêu chí/xã; 6 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Đến cuối năm 2024, Quảng Trị phấn đấu có 77/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trên 76%), trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Hải Lăng được công nhận huyện nông thôn mới; huyện Cam Lộ được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao; 43 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Để đạt được các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, năm 2024, toàn tỉnh đã huy động gần 216 tỷ đồng. Đến 31/8/2024, Quảng Trị đã giải ngân được gần 6,6 tỷ đồng (16,9%) vốn sự nghiệp Trung ương; trên 49 tỷ đồng (46,1%) vốn đầu tư phát triển Trung ương và gần 43 tỷ đồng (56%) vốn địa phương.
Xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị hiện vẫn còn một số vướng mắc. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn giai đoạn 2024-2025 đều là các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hiện trạng tiêu chí còn tương đối thấp với nhiều tiêu chí khó, tác động lớn đến đời sống của người dân như thu nhập, nghèo đa chiều. Việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Mục tiêu xây dựng thôn, bản nông thôn mới thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cũng sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của tỉnh về xây dựng xã nông thôn mới.
Một số chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới triển khai còn chậm như phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn cũng ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng, tiến độ giải ngân của chương trình.
Quảng Trị đặt ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng huyện Cam Lộ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhưng đến nay Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu nên khó định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình giải pháp cụ thể. Bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cấp huyện, cấp xã đã được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi. Tuy nhiên, đến nay hướng dẫn hợp nhất của các Bộ, ngành Trung ương vẫn chưa đầy đủ nên các địa phương còn vướng mắc trong việc đánh giá và thực hiện các tiêu chí.