| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nông thôn mới thông minh

Thứ Hai 21/10/2024 , 15:24 (GMT+7)

Sơn La Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh bình nhằm đẳng giới và phòng chống bạo lực trên toàn tỉnh Sơn La.

Các đoàn viên của Chi đoàn cơ quan khối Chính quyền huyện Sốp Cộp đang tư vấn, hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT và cài đặt ứng dụng VssID. Ảnh: Xuân Trường

Các đoàn viên của Chi đoàn cơ quan khối Chính quyền huyện Sốp Cộp đang tư vấn, hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT và cài đặt ứng dụng VssID. Ảnh: Xuân Trường

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Sơn La đã được liên thông và đồng bộ hóa ở cả ba cấp: tỉnh, huyện, và xã. Hệ thống này đã kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đồng thời liên tục kết nối đầy đủ với Hệ thống EMC.

Tỉnh đã tích hợp 573 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 326 dịch vụ cấp tỉnh, 188 dịch vụ cấp huyện và 59 dịch vụ cấp xã. Tỷ lệ văn bản ký số trao đổi giữa các cơ quan thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 97%.

Các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh có tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng đạt 92%, trong đó tỷ lệ dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến chiếm 86%. Công tác số hóa hồ sơ đạt 94%, trong khi số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 72%.

Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến lên tới 80%. Tỉnh Sơn La luôn chỉ đạo các đơn vị duy trì công tác phòng ngừa, phát hiện kịp thời các hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia và hiện chưa ghi nhận vụ việc phức tạp nào.

Song song với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công, tỉnh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống tưới tiêu tự động được các nông dân triển khai để gia tăng sản xuất. Ảnh: Đức Bình.

Hệ thống tưới tiêu tự động được các nông dân triển khai để gia tăng sản xuất. Ảnh: Đức Bình.

Ngoài ra, các hợp tác xã dần ứng dụng phần mềm và giải pháp chuyển đổi số trong triển khai và quản lý Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Quá trình số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ đã giúp quản lý mã số vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp thông qua các ứng dụng như hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ GIS trong quản lý, bảo vệ rừng.

Các phần mềm như nhật ký điện tử farmdiary.online được áp dụng nhằm hỗ trợ quản lý và theo dõi diễn biến rừng. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trực tuyến và thực tế ảo để quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Đã có 42 doanh nghiệp và hợp tác xã được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, với 52 sản phẩm nông sản tiêu biểu được giới thiệu trên Trang thông tin doanh nghiệp và nông sản tỉnh Sơn La.

75 sản phẩm từ 5 doanh nghiệp và hợp tác xã đã đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, được đưa lên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba.com, Agrim và EC. Xây dựng nhiều công cụ truyền thông hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã tìm kiếm đối tác qua các nền tảng số như YouTube và Google Adwords. Hiện, số lượng sản phẩm nông sản Sơn La trên các sàn thương mại điện tử đạt 2.466 sản phẩm, với tổng số giao dịch gần 50.000 lượt.

Hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đầu tư và hoàn thiện hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh chính quyền số trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Việc phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã sẽ được ưu tiên, cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.