| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị khô khốc

Thứ Hai 25/03/2013 , 09:44 (GMT+7)

Quảng Trị đang chịu trận hạn hán vô cùng khốc liệt, các ngày 22 và 23/3, dự báo thời tiết cho biết nắng nóng tại tỉnh có nơi lên đến 37-38 độ C. Gần 16 ngàn người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng chục ngàn ha hoa màu, lương thực bị khô hạn, có khả năng mất trắng.

* Đề nghị Trung ương hỗ trợ gần 56 tỷ đồng chống hạn

Quảng Trị đang chịu trận hạn hán vô cùng khốc liệt, các ngày 22 và 23/3, dự báo thời tiết ở địa phương này cho biết nắng nóng có nơi lên đến 37-38 độ C. Gần 16 ngàn người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng chục ngàn ha hoa màu, lương thực bị khô hạn, có khả năng mất trắng. Trước mắt, Quảng Trị xin Chính phủ giúp khẩn cấp gần 56 tỷ đồng để chống hạn.

Hạn chưa từng thấy

Ảnh hưởng khí hậu khô nóng của Tây Trường Sơn, 5 tháng nay vùng Lìa của huyện biên giới Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không có một cơn mưa. Ruộng đồng trơ cuống rạ. Rừng khô từng đám lớn, chỉ cần sơ suất vướng mồi lửa của người làm rẫy thì thiêu rụi diện tích rừng không phải là nhỏ.

Dưới cái nắng chang chang như đội nồi rang trên đầu, cả huyện Hướng Hóa đang gồng mình với cuộc chiến chống hạn, giành giật từng giọt nước ngọt cho người dân và tưới tiêu ruộng đồng. Nhiều người dân nói rằng đây là tháng ba khô hạn khốc liệt nhất trong nhiều thập niên trở lại đây.

Nếu như 7 xã vùng Lìa đang bị hạn nặng, thì xã A Xing được xem như cái rốn lửa vùng Lìa. Ở đây con người, cây cối đều thiếu nước để sống. Từ cây rừng đến cây lương thực, hoa màu không còn màu xanh, chuyển sang màu vàng rục và không ít cánh rừng khô hạn trụi lá. Đồng lúa nứt nẻ, bầy vịt con của một gia đình dân tộc Pa Cô thả giữa ruộng lúa bên thung lũng chẳng may bị lọt giữa đường nứt của ruộng hạn, không tài nào lên được.

Chị Kăn Thưu ở bản A Mo Rờ đi thăm đồng mà mặt buồn thiu vì lúa chết hết. Nhà chị Kăn Thưu làm hơn 100 m2 ruộng lúa, được mùa thì thu về chừng hai bao. Nay ruộng hạn, lúa chết, không biết tới đây lấy gì ăn. Chị nói suốt mấy hôm nay tập trung ở ruộng để bòn từng gàu nước được xã bơm về rồi mình dùng gàu múc tưới cho ruộng. Bà con đang ngẩng mặt lên trời cầu cho mưa xuống sớm để cứu con người và ruộng đồng.


Đập A Mo Rờ ở xã A Xing khô cạn nước

Bản A Mo Rờ có 105 hộ dân, sản xuất 5 ha lúa nước. Mấy năm trước bình quân mỗi hộ thu từ 5-7 bao lúa nhưng vụ ĐX này do thiếu nước nên cây lúa đang héo khô, đất đai nứt nẻ. Không chỉ người thiếu nước uống, cây cối hoa màu thiếu nước tưới, mà trâu bò cũng mỏi chân đi tìm nguồn nước uống, khi suốt ngày gặm cỏ khô, bụi đất sặc sụa.

Ông Côn Tà ở xã A Túc ngồi tránh nắng dưới gốc cây to, thều thào nói chưa có năm nào hạn lớn và đến sớm như năm 2013. Con suối gần nhà Côn Tà chưa năm nào khô, mà nay trơ đáy, đá lổm chổm. Hồ chứa nước A Túc để tưới cho 25 ha lúa toàn xã nước xuống gần tận đáy. Những đám ruộng gần đó khô trắng.

Ở Lìa hạn nặng không chỉ làm cây lúa chết khô, mà còn những nương đất trồng sắn không còn thấy màu xanh, hỏi bà con mới biết cây sắn mới lên gặp hạn nặng chết sạch trơn, mới nhìn vào như ruộng đất chưa được trồng cây. Cây sắn là nguồn thu nhập chính của bà con dân tộc vùng Lìa nhưng nay sắn chết hạn, bà con lo âu đứng ngồi không yên.

Toàn huyện Hướng Hóa hiện trồng được 3.500 ha sắn nhưng đến nay đã có trên 1.500 ha bị khô hạn nghiêm trọng. Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vào Quảng Trị mới đây để kiểm tra tình hình nắng hạn khi chứng kiến cảnh khô hạn khốc liệt ở vùng Lìa, lòng đầy day dứt.

Nếu như ở vùng phía nam huyện Hướng Hóa hạn ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, cây lúa, cây sắn thì vùng phía bắc hạn làm 4.000 cà phê thiếu nước trầm trọng, trong đó có 2.500 ha khô hạn nặng. Đây là thời kỳ cây cà phê ra hoa nếu thời tiết tiếp tục hạn khốc liệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cuối vụ.

Cái khó là do địa hình núi cao nên người trồng cà phê ở Hướng Hóa không thể khoan giếng lấy nước tưới. Theo Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa, vùng này giếng khoan sâu gần 100m mới có nước nên rất khó để đầu tư giếng khoan tưới cho cà phê được, vì tốn tiền rất nhiều.

Bòn từng gàu nước

Ông Võ Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết: Trước tình hình khô hạn đến sớm và rất khốc liệt, chúng tôi đã chủ động phương án chống hạn, nạo vét kênh mương để dẫn nước về. Nhưng do điều kiện đặc thù ở miền núi là không có nguồn nước để bơm tát, khoan, mà chỉ trông chờ vào khe suối, nếu khe suối cạn thì nguồn nước ở đây không còn, khi đó lúa nước cũng khô như lúa rẫy, lúa rẫy lâu ngày khô héo sẽ có nguy cơ cháy theo rừng.

Huyện Hướng Hóa đã cấp 4 máy bơm nước và đích thân Phó Chủ tịch Võ Thanh vào chỉ huy tại địa bàn hơn một tuần để khai thông nguồn nước sinh hoạt cho bà con. Nhưng nỗ lực trên của huyện mới chỉ là biện pháp trước mắt.

Căng nhất là nước sinh hoạt cho người dân. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, vùng Lìa có gần 16 ngàn người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Các công trình cấp nước tập trung bị giảm lưu lượng đến 80%, có công trình cạn kiệt. Nhiều bản bà con phải đi bộ đến 2-3 km gùi nước ngọt từ trên núi về sinh hoạt.

Trước tình hình nóng bỏng này, huyện Hướng Hóa đã có hành động quyết liệt, kiên quyết không để bà con thiếu nước sinh hoạt, huyện đã cấp kinh phí cho mỗi xã 70 triệu đồng tu bổ lại hệ thống dẫn nước ngọt, đường ống, bể chứa nước, kịp thời dẫn nước từ các hồ còn lại về cho bà con sinh hoạt cũng như tuyên truyền bà con có ý thức bảo vệ tốt nguồn nước ít ỏi. Cùng với đó là sửa chữa lại hệ thống kênh mương dẫn nước để đưa nước về tưới luân phiên cho ruộng đồng.

Cần gấp 56 tỷ đồng chống hạn

Mùa mưa 2012 là một mùa mưa lạ lùng, cả tỉnh Quảng Trị chỉ có 5 đợt mưa lớn. Lượng mưa năm 2012 chỉ bằng 40-45% lượng mưa trung bình các năm trước. Mưa ít, nắng nhiều, gió to là nguyên nhân gây hạn sớm và trên diện rộng toàn tỉnh Quảng Trị. Các hồ chứa trên địa bàn chỉ đạt chừng 40% dung tích thiết kế.


Thiếu nước, bà con nhiều bản làng ở Lìa sinh hoạt bằng nước khe suối, ao hồ

Đặc biệt hồ chứa nước thủy lợi - thủy điện Quảng Trị, bổ sung nguồn nước cho hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn - vùng trọng điểm lúa của tỉnh, chỉ đạt 66% dung tích thiết kế. Toàn tỉnh có 3.500 ha sắn, 4.000 ha cà phê bị khô hạn nặng, gần 8.000 ha lúa nguy cơ hạn nặng, khan hiếm nước tưới...

Những ngày này đường dây nóng chống khô hạn của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị liên tục hoạt động hết công suất. Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT chạy đi chạy lại kiểm tra tình hình nắng hạn ở các huyện suốt ngày đêm. Trao đổi với NNVN, ông Bài cho biết nếu thời gian tới không mưa, nước ở khe suối cạn kiệt thì phải tính đến phương án tiếp viện nước từ các nơi khác về, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Trước tình hình khẩn cấp, tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương hỗ trợ gần 56 tỷ đồng giúp tỉnh có thêm kinh phí phục vụ công tác chống hạn đang khốc liệt thêm mỗi ngày.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm