| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị oằn mình trong lũ: Nhà ngập, người chết, đường tắc

Thứ Hai 12/10/2020 , 18:35 (GMT+7)

Thủy điện lớn nhất Quảng Trị xả lũ, kết hợp với mưa lớn kéo dài đã làm cho vùng hạ du của tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt trên diện rộng.

Người dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị di chuyển đồ đạc lên cao tránh lũ. Ảnh: Công Điền.

Người dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị di chuyển đồ đạc lên cao tránh lũ. Ảnh: Công Điền.

Thủy điện xả nước, lũ chồng lũ

Ngày 12/10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, Công ty Thủy điện Quảng Trị nằm trên địa bàn xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, xả lũ điều tiết nước hồ chứa thủy lợi – thủy điện Quảng Trị. Thời gian bắt đầu lúc 14h ngày 11/10.

Đây là lần đầu tiên trong năm nay, Công ty Thủy điện Quảng Trị tiến hành xả lũ trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp kéo dài. Theo thông tin số liệu lúc 7h sáng 12/10, Thủy điện Quảng Trị vận hành điều tiết hồ chứa xả qua tràn 40 m3/s và chạy máy 20 m3/s. Trước đó, Công ty thủy điện này đã phát đi khuyến cáo người dân ở những nơi thấp trũng, gần sông suối hãy di chuyển, sơ tán đến vùng cao, an toàn.

Vào cuối ngày 12/10, thời tiết ở Quảng Trị vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều vùng hạ du sông Hiếu, Thạch Hãn, Ô Lâu bị ngập sâu, hàng chục ngàn nhà dân chìm trong lũ. Tại thị xã Quảng Trị, nước sông Thạch Hãn lên rất cao và chảy xiết. Các tuyến đường ven sông đã bị ngập hoàn toàn, người dân phải dùng ghe để di chuyển. Một số địa điểm thấp trũng người dân phải tiến hành di dời đồ đạc lên cao để phòng nước tránh lũ dâng trong đêm.

Người dân thị xã Quảng Trị dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: Công Điền.

Người dân thị xã Quảng Trị dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: Công Điền.

Ông Nguyễn Văn Dũng, nhà ở đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị, năm nay đã 65 tuổi cho biết: “Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến đợt lũ lụt kéo dài như vậy. Cơn lũ trước chưa dứt, lũ sau đã ập tới với cường độ còn mạnh hơn”.

Nhà ngập, người chết, đường tắc...

Tại huyện Hải Lăng, mưa lớn kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến cho hàng ngàn hộ dân bị ngập sâu. Nhiều người dân sống ven sông Nhùng, Ô Lâu, Thác Ma… đã phải liều mình lội nước, dùng ghe di chuyển trong dòng nước lũ di chuyển đồ đạc lên cao, đồng thời mua sắm lương thực tích trữ, phòng tránh lũ có thể kéo dài.

Một ngôi nhà ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị chìm trong nước lũ. Ảnh: Công Điền.

Một ngôi nhà ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị chìm trong nước lũ. Ảnh: Công Điền.

Ở xã vùng gò đồi Hải Lâm, các thôn Trường Phước, Thượng Nguyên, Mai Lâm bị cô lập hoàn toàn trong đợt lũ trước nay tiếp tục bị ngập sâu. Trước đó, ngay khi đợt lũ đầu tiên vừa dứt, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến hỗ trợ người dân các loại lương thực, thực phẩm, nước uống…

Người dân Hải Lâm đã bắt đầu dọn dẹp lại nhà cửa sau những ngày bị ngâm trong nước lũ. Cuộc sống tưởng như đang dần ổn định thì đợt lũ mới xuất hiện. Nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về với lưu lượng lớn, nguy cơ gây ngập trên diện rộng đang được đếm bằng giờ.

Quốc lộ 9 đoạn qua huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Công Điền.

Quốc lộ 9 đoạn qua huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Công Điền.

Trong khi đó, tại huyện Đakrông, mưa lớn đã làm nước sông Đakrông dâng cao, nhiều tuyến đường bị chia cắt, hàng chục xã đang bị cô lập, giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết: "Nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện đang bị ách tắc giao thông vì sạt lở. Tại Km251 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị ngập sâu từ 1-1,5m, kéo dài 700m; Quốc lộ 15D đi cửa khẩu La Lay bị chia cắt, ngập sâu 2-3m tại cầu tràn A Bung – A Ngo, tuyến đường vào xã A Vao bị chia cắt nhiều điểm...".

Đặc biệt, Quốc lộ 9 đoạn qua huyện này bị sạt lở nghiêm trọng. Cơ quan chức năng phải đóng đường, cấm người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Hàng trăm phương tiện bị kẹt cứng trên tuyến đường nhiều giờ liền vì giao thông hoàn toàn tê liệt.

"Chi cục quản lý đường bộ II.5 thuộc Cục Quản lý đường bộ II (đơn vị quản lý tuyến đường tại tỉnh Quảng Trị) đã huy động nhiều phương tiện cơ giới hoạt động hết công suất, khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 9, sớm thông xe tuyến đường huyết mạch này", ông Thái Ngọc Châu cho biết.

Nhiều phương tiện kẹt cứng trên Quốc lộ 9 vì sạt lở. Ảnh: Công Điền.

Nhiều phương tiện kẹt cứng trên Quốc lộ 9 vì sạt lở. Ảnh: Công Điền.

Đối với trường hợp người mất tích nghi là giáo viên của một trường học trên địa bàn, theo ông Châu, chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên, tình hình mưa lũ ở địa phương vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Mưa to kèm thủy điện xả lũ khiến cho mực nước trên các sông suối lên nhanh, chảy xiết làm cản trở những nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Ông Lê Quang Lam, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, lũ trên các sông lên rất nhanh, gây ngập lụt trên diện rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo dự báo, lũ trên sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị sẽ vượt đỉnh lũ năm 1999; trên sông Ô Lâu tại Hải Lăng vượt mức báo động 3. Công tác di dời dân tại các vùng thấp trũng, nguy hiểm đang được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị triển khai tích cực, đề phòng những trường hợp đáng tiếc xảy ra. 

Tính đến ngày 12/10, mưa lũ ở ở Quảng Trị đã làm 7 người chết, 6 người mất tích, 3 người bị thương. Trong đó, trường hợp mất tích được ghi nhận mới nhất là một người đàn ông nghi là giáo viên tại một trường học trên địa bàn huyện miền núi Đakrông.

Đã có 40.956 hộ với 125.367 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt. Để ứng phó với mưa lũ, tỉnh đã triển khai sơ tán 7.945 hộ với 22.941 người dân đến các khu vực an toàn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng với 792,085 ha diện tích bị ngập, trôi, trong đó chủ yếu tại huyện Vĩnh Linh với 410,99 ha, Triệu Phong 193,9 ha, Gio Linh 87,9 ha. Ngoài ra, 30 lồng nuôi cá tại huyện Triệu Phong cũng bị thiệt hại hoàn toàn.

Hơn 1.233 ha hoa màu các loại bị ngập sâu trong nước, không thể khắc phục. Ngoài ra, tại huyện miền núi Hướng Hóa đã có 193 ha lúa vụ hè thu chưa thu hoạch kịp bị bồi lấp, mất trắng hoàn toàn.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất