Ngày 24/12, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021; triển khai kế hoạch năm 2022.
Phát triển 1.000 ha cây trồng theo hướng liên kết, hữu cơ
Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai cuối năm 2020, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là những diễn biến phức tạp của COVID-19, kết quả sản xuất năm 2021 của ngành Nông nghiệp Quảng Trị vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng đạt 3,02%, vượt chỉ tiêu đề ra; sản lượng lương thực ước đạt 29,4 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 47.600 tấn, đạt 116,3% kế hoạch; trồng rừng tập trung gần 9.900 ha, đạt 141,3% kế hoạch; tỉ lệ che phủ rừng đạt 50%; đến cuối năm 2021 có thêm 6 xã về đích nông thôn mới...
Năm 2022, ngành nông nghiệp Quảng Trị phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng từ 2,5 - 3%. Diện tích cây lương thực có hạt trên 53.300 ha, sản lượng lương thực 26 vạn tấn; diện tích cây trồng có liên kết, sản xuất theo hướng hữu cơ 1.000 ha; đảm bảo tưới chủ động trên 90% diện tích đất trồng lúa 2 vụ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 49.000 tấn; tổng sản lượng thủy sản trên 37.500 tấn; trồng mới 7.000 ha rừng tập trung và 2,5 triệu cây phân tán.
Dự kiến có 25 - 30 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tỉ lệ xã đạt chuẩn xã nông thôn mới lên 69/101 xã…
Còn trên 300 ha đất bị bồi lấp chưa được khôi phục, cải tạo
Tỉnh Quảng Trị là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt thiên tai lịch sử cuối năm 2020. Sản xuất nông nghiệp địa phương chịu ảnh nặng nề khi có hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp bị đất đá bồi lấp sau đợt thiên tai này.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Trị, đến nay đơn vị đã tổ chức khôi phục 1.274,5/1.359 ha đất lúa, hoa màu bị bồi lấp do ảnh hưởng của thiên tai để tổ chức sản xuất. Tuy nhiên vẫn còn 309 ha đất sản xuất bị đất đá vùi lấp do thiên tai năm 2020, chủ yếu ở huyện Hướng Hoá và Đakrông.
Hiện Sở NN-PTNT Quảng Trị phối hợp với các địa phương xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Phương án số 4492/PA-UBND ngày 24/9/2021về khôi phục, sử dụng phù hợp diện tích đất sản xuất và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2020.
Trước mắt, đối với vụ đông xuân 2021 – 2022, cùng với việc tiếp tục khôi phục, sử dụng phù hợp diện tích đất sản xuất bị bồi lấp và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng do thiên tai năm 2020, ngành Nông nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, sẵn sàng cho công tác tổ chức sản xuất.
Cùng với đó, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; dự báo sâu bệnh; kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê kè để có phương án khắc phục hợp lý…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành Nông nghiệp cần tập trung nguồn lực, xây dựng phương án cụ thể, linh hoạt cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi. Triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng nhấn mạnh tính hiệu quả công tác bố trí dân cư, đặc biệt là di dân khẩn cấp sau thiên tai ở những vùng có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống cho người dân.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo, Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình OCOP… Quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các địa phương có điều kiện khó khăn.
Ông Hà Sỹ Đồng chỉ ra những tồn tại, hạn chế đối với ngành nông nghiệp địa phương như còn thiếu vùng quy hoạch sản xuất tập trung, chưa khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương; dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa được khống chế; chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản còn hạn chế.
Đặc biệt, công tác khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) còn nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc. Tình hình cháy rừng và xâm hại tài nguyên rừng còn xảy ra; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh, thiếu tính đồng bộ…