| Hotline: 0983.970.780

Quê lạ!

Thứ Sáu 09/02/2018 , 14:50 (GMT+7)

Tôi và mẹ từ Lộc Dư - quê của bà nội bố đi về quê của mẹ, nơi Tả Thanh Oai. Ngang qua cây cầu thép có đường cho tàu chạy, thấy từ khi nào “mọc” thêm ra phần đường nhỏ bằng sắt gá vào cầu để xe máy, xe đạp, người đi bộ có thể qua bên kia sông. 

Chỗ này là đầu làng Cự Đà và nối ngay vào cuối một ngôi làng khác - Phú Diễn. Thêm phần đường nhỏ ấy có vẻ rất tiện, vì bình thường để qua lại được, người làng phải vòng lên làng Hữu trên kia mấy cây số nữa mới có cầu để sang Tả Thanh Oai. Tôi chở mẹ đi luôn vào đường nhỏ ấy để sang bên kia, ở đó là phần cuối làng quê của mẹ. Mẹ tôi thấy lạ không biết là nơi nào. Tôi bảo đây là làng của mẹ đấy còn gì!

huynhphuchu0018101313969
Cất vó

Trong một lúc, tuổi tác làm mẹ tôi dường như khó nhận ra những đường xưa cảnh cũ. Mặc dù bờ sông ấy, nẻo đường ấy, rất có thể đã in dấu chân tuổi thơ của mẹ. Tuổi thơ của đứa trẻ nhà quê nào mà không trải khắp đầu đến cuối làng, ra cánh đồng chuyển sắc vàng, xanh mỗi mùa, theo những con mương quanh năm lăn tăn, nối rặng phi lao gió hút, rồi lại về những cổng đình lở trơ gạch đỏ, sân đền hoa rơi, rêu mọc. Hồi nhỏ tôi ở thị xã Hà Đông về quê chơi, cũng đã được lượn lờ qua những nơi chốn ấy, thì những đứa trẻ làng còn lang thang, lêu bêu ở quê hương mình nhiều hơn tôi gấp bao nhiêu lần nữa!

Nhiều lần về quê ngoại, may thay anh em chúng tôi không chỉ có một mình, mà “bắt được” một “đứa” lêu bêu như thế, chính là anh họ hơn tôi hai tuổi, hay cho tôi đi chơi cùng.

Bây giờ nghĩ lại thì thấy rằng, có được một “ông” anh họ như thế, thật chả khác một cái “mỏ” quý, để mình đào bới, nghe ngóng mãi, được biết bao nhiêu là chuyện ở quê, mà vốn thực ra có khi có những chuyện, những việc chưa hẳn đã đúng, đã chính xác. Nhưng những chuyện quê nhà được “dịch” qua con mắt một đứa trẻ làng háo hức kể, cho một đứa trẻ thị xã đang náo nức nghe, thì thật là kỳ thú, thật là lung linh, lại hợp với đứa thích đọc truyện và hay nghĩ ngợi lơ vơ là tôi nữa.

Anh họ đưa tôi theo qua những vườn bỏ không um tùm cỏ và cây dại, bước ra đường xóm ngoằn ngoèo, bắn một con chim ở bụi tre đằng này, nó bay sang cái cây cao cao ở cách đó dăm trăm mét thì bọn trẻ con cũng len lỏi chạy theo qua những khoảnh vườn, những bụi, những khóm, những vạt cỏ cây mà có khi lúc chơi xong về đến nhà mới thấy chân tay mình có vết xước. Tiếng chim thì hay líu ríu trên đầu mà có lẽ chỉ bọn trẻ làng mới nhìn thấy nó đậu ở đâu, và chỉ kia con chào mào, kia có con sẻ...

Còn tôi thì may lắm chỉ thấy loáng một vệt đen nhỏ lướt đi trên những cành tre. Và cũng chỉ có trẻ làng cầm cái súng cao su kéo căng viên sỏi nhỏ vút đi là có thể trúng một con chim sẻ tít trên cao. Còn như tôi thì hoặc chẳng xác định được hướng chim đứng, hoặc cứ nhắm mắt bắn bừa, sỏi đập qua lại các thân tre lách cách, có lần dây chun quật trúng tay mình đau phát khóc.

Anh họ còn cho tôi đi nhấc vó tôm cùng. Những cái vó nho nhỏ bằng miếng vải màn buộc bốn góc vào bốn que tre nhỏ, bốn đầu que kia chụm vào nhau buộc nối với cái cần. Đặt vó xuống chỗ mép ao từ sáng sớm, hoặc từ tận đêm hôm qua, để tôm nó bò vào đấy. Có khi nhấc lên bắt được cả con cá nhỏ.

Tôi thì thấy là lạ khi nhìn cái vó bé, liên tưởng đến cái vó bè ở ngoài sông mà mỗi lần vào đường làng, mẹ chở xe đạp đi trên bờ nhìn xuống, thấy cái vó bè hiện ra sau trạm bơm như một thứ gì thật to lớn. Những cành tre buộc nhau dài lêu nghêu chìa ra phía trước. Khi có người kéo, màn lưới từ từ nhấc cao lên, và tôi tưởng người mặc áo vá víu đang đứng trên bè kia không thật như một người bình thường giống mình, mà có gì đó lạ lẫm, xa xôi, tôi có cảm giác hơi sợ. Còn cái lều rách trên bè thì lại gợi lên bao nhiêu tò mò, không biết người ta cất những gì trong ấy...

Quê nhà cứ mở ra như thế, bao nhiêu lạ lẫm, cuốn hút, ngay từ cái tên gọi, từ những cái cột dựng lên đỡ bộ khung xà có khắc hình hoa lá với những diềm màu mà ở trên khu tập thể toàn nhà xây gạch thì tôi chỉ thấy tường vuông vức chứ làm gì có hình thù, tô vẽ như thế. Quê lạ từ chiếc cổng nhà phủ rêu có đắp nổi hoa dây và chữ nho, lạ đến những cặp chị em bế nhau đi chơi la lủi xóm ngõ, rồi thể nào cũng thêm một hai đứa nữa nhóm thành một nhóm, lôi nhau đi hết cả buổi, chân đất, mặt nhọ nhem, áo quần lôi thôi, không mũ mão gì. Có lúc tôi cứ đứng nhìn một đám ngồi bệt trên đất chơi chuyền bằng những que tính và quả bưởi con mà sao chúng nó đọc ở đâu ra những câu vần hay thế, lạ thế.

Quê lạ với nhà nào cũng có chó, và cứ ai đi vào ngõ, một con nhà này sủa là truyền thành chuỗi, chó các nhà cứ thế sủa râm ran lên, lạ và sợ. Đi đâu tôi hay mang cái gậy theo để sẵn sàng chiến đấu. Nhưng các dì tôi lại dọa, mày cầm gậy chúng nó lại tưởng đánh nó, nó cắn đấy! Thế thì chẳng biết đường nào mà lần. Cho nên không bao giờ khi bỏ ngủ trưa đi lang thang đường làng, tôi lại chịu về một mình, mà phải có các anh đi cùng. Thế mà lại có một trong những đứa anh chơi “ác”, đang cùng đi nói chuyện cây, chuyện chim, chuyện ma linh tinh, “nó” chạy một mạch lên phía trước làm cho tôi cuống lên chạy theo, mà hình như một con chó ở đâu đã đứng ở cái cổng phía sau lưng đằng kia rồi!

ph-hc-hi101314162
Thả lưới

Bây giờ, đi từ cuối làng mình lên, mẹ tôi thấy lạ. Bà tôi mới rời các con cháu đi, nên gần tháng nay, như lúc nào mẹ cũng lơ mơ, chán chán, có khi nhìn cái gì không để tâm vào đấy. Tôi bảo đường tàu cuối làng mình đây này, thì mẹ mới sực nghĩ, à chỗ gần Đống Vánh chỗ bà nằm đây à! Bà tôi thọ tận 103 tuổi, tuổi trời tuổi hạc tuổi tiên…, nhưng mỗi con người ra đi, không còn ở lại đôi mắt để nhìn thấy nhau, bàn tay để cầm nắm lấy, và giọng nói để nghe tiếng gọi, nghe lời kể, thì làm sao không buồn cho được. Bây giờ tôi lại tiếc hơn khi không còn bà để kể cho tôi nghe những chuyện về quê Phù Lưu Tế của bà hồi bà còn nhỏ nữa. Không biết những khi kể cho tôi từ hồi tôi còn bé lẫm chẫm cho đến mãi tận gần đây, những câu chuyện vẫn nhiều lần lặp đi lặp lại ấy, bà tôi “dịch” lại bằng đôi mắt của một đứa bé vùng quê sông Đáy nối vào trập trùng núi chùa Hương xa hun hút, hay bằng đôi mắt nhiều nếp nhăn của một người vợ, người mẹ, người bà đã gửi quá nửa đời mình ở quê chồng, và từ lâu miền quê mới, quê lạ ấy đã thành máu thịt của mình, nhưng vẫn không thôi nhớ về nơi xa cũ.

Nơi mà từ ấy lúc bắt đầu nhận biết, bà cũng đã lạ lẫm với cuộc đời, đã đi chăn trâu bị nó lôi xềnh xệch suýt chết đuối, đi kiếm củi nhầm đường vào tận núi may gặp bà mế bảo quay lại ngay kẻo vào sâu hổ nó ăn thịt, đi bế trẻ thuê vẹo cả sườn rồi nước giải em bé thấm vào xót hết cả một bên hông. Nơi ấy đã quá nhiều chục năm, cho đến tận khi giã từ, bà đã muốn nhưng không còn về thăm được nữa.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

FIFA thông báo chủ nhà World Cup năm 2030, 2034

Hai kỳ World Cup 2030 và 2034 đã chính thức có các quốc gia là chủ nhà sau khi FIFA công bố chính thức danh sách.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.