Cụ là Đại biểu Quốc hội Khóa I, II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thường được gọi với cái tên thân thuộc Vua Mèo.
Đặc phái viên họ Bùi
Bảo đao làm bằng hợp kim thép do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Xưởng quân khí Bộ Quốc phòng làm và tự tay Bác viết vào hai bên của bao 8 chữ Hán: “Tận tâm báo quốc. Bất thụ nô lệ”. Năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Thứ trưởng Bộ Kinh tế Bùi Công Trừng làm Đặc phái viên thay mặt Chủ tịch Chính phủ mang thanh bảo đao lên Thị xã Hà Giang trao tặng cho cụ Vương Chí Sình.
Đặc phái viên Bùi Công Trừng (1902 - 1977). Ảnh tư liệu gia đình. |
Xung quanh chuyện Vua Mèo Vương Chí Sình đi theo Chính phủ Cụ Hồ chống Pháp là biết bao huyền thoại. Trước khi qua đời, PGS.TS Lê Hùng Lâm từng cho tôi nghe chuyện ông Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, được Cụ Hồ cử làm Đặc phái chiêu an lên Đồng Văn. Cùng đi chuyến ấy, đâu như năm 1948, còn có ông Nguyễn Thanh Bình, về sau làm tới Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Trước đó, mùa thu năm 1945, ông Mai Trung Lâm - con chim kiên kiện của đại ngàn Việt Bắc - cũng được cử lên thung lũng Sà Phìn. Cùng thời đó, còn ông Hoàng Việt Hưng, ông Sơn Tùng và ông Thất Tinh vào Đồng Văn. Bằng tài tổ chức của mình, ông Mai Trung Lâm đã đưa được ông Vương Chí Sình an toàn rời Đồng Văn về Thủ đô.
Còn chuyện ông Đặc phái viên Bùi Công Trừng mang bảo đao lên Hà Giang năm 1956? Lúc sinh thời, ông Vương Quỳnh Sơn, chuyên viên cao cấp, cố vấn của Chính phủ về các vấn đề dân tộc, đã kể lại sự kiện này cho những người quan tâm.
Qua tư liệu của ông Vương Quỳnh Sơn cho biết, khi có mặt tại Thủ đô, theo lệnh của Cụ Hồ, ông Bùi Công Trừng đưa ông Vương Chí Sình đến biệt thự 51 Trần Hưng Đạo. Biệt thự này là nơi ở của Ông cố vấn Vĩnh Thụy. Ông Vương không đồng ý ở đây với lý do phố vắng vẻ, ra vào dễ lộ mặt và không an toàn trong lúc tình hình còn rất phức tạp.
Ông Bùi Công Trừng muốn xếp ông Vương ở Phủ Chủ tịch cho ông yên tâm. Nghe xong đề nghị đó, ông Vương từ chối, muốn về số nhà 12 Hàng Ngang - hiệu bánh khảo Hồng Thái. Đây là chỗ thân quen. Ở đấy cho tự do. Điều ông Vương sốt ruột muốn biết là khi nào thì được gặp Cụ Hồ? Ông Bùi Công Trừng trả lời: “Tôi sẽ xin ý kiến Cụ rồi bố trí để bác được gặp vào thời gian sớm nhất. Bác đi đường sá xa xôi vất vả, cứ nghỉ vài ngày cho lại sức”.
Do đường xá xa xôi, ông Vương Chí Sình ốm. Biết tin, Cụ Hồ cử bác sỹ đến thăm bệnh cho ông tại hiệu bánh khảo Hồng Thái. Bác sĩ chẩn đoán bệnh xong, sau đó có một người mang thuốc đến cho ông. Người này tên là Lý Quang Hoa, cán bộ cao cấp của Việt Minh, khi đó là Trung ương ủy viên - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khi ông Vương Chí Sình khỏi ốm, đến Phủ Chủ tịch theo lịch hẹn, đã thấy Cụ Hồ đi xuống bậc thềm niềm nở đón tiếp. Cụ Hồ hỏi thăm sức khoẻ cụ Vương Chính Đức, gia đình ông Vương, quá trình đi đường, việc ăn ở trong những ngày qua của ông Vương...
Trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá I, tham dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên (2/3/1946), còn ở lại Hà Nội chơi qua giêng ông Vương mới trở về thung lũng Sà Phìn. Hồ Chủ tịch cử ông Võ Khải Ca - Phái viên của Chính phủ, làm tham mưu cố vấn giúp ông. Đầu năm 1947, ông Vương Chí Sình trở thành thủ lĩnh của người Mèo ở Đồng Văn, đồng thời làm Chủ tịch châu Đồng Văn của Chính phủ.
Công minh chính trực
Tôi tìm gặp Đại tá Bùi Công Trực, trưởng nam của cụ Đặc phái viên năm xưa. 72 tuổi, Đại tá Bùi Công Trực cẩn thận lần giở cho tôi xem những tư liệu về cha mình.
Hoạt động cách mạng từ sớm, đến gần 50 tuổi, ông Bùi Công Trừng mới lập gia đình. Bôn ba khắp ba miền, trải đủ lao tù, xuất dương sang Pháp, sang Liên Xô, cánh chim bằng ấy chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lấy vợ. “Ai ngờ đến Cao Bằng là nơi cực bắc của đất nước lại nghĩ đến lấy vợ”, ông viết trong hồi ký. Vợ ông là cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng.
Năm 1948, bà sinh người con trai đầu lòng tại một công binh xưởng cũ của Bộ Quốc phòng. Ông đặt tên con là Bùi Công Trực. Công minh chính trực là lẽ sống của gia đình và cũng là tên gọi của các con trong gia đình: Bùi Công Trực, Bùi Công Chính, Bùi Công Minh.
Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Bùi Công Trực nhập ngũ, vào bộ đội Thông tin Liên lạc. Anh thanh niên 24 tuổi có mặt chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị những ngày hè rực lửa 1972. Những trận bom của không quân Hoa Kỳ trút xuống, đã có trận, anh cầm chắc cái chết khi từng chiếc F4 cắt từng đợt bom rải thảm. “Nếu có chết cũng phải chết đứng, không hèn nhát chết trong hầm hào”. Ý nghĩ ấy vụt đến trong anh. Bùi Công Trực vừa làm nhiệm vụ bảo đảm đường dây thông tin cho Tư lệnh chiến trường chỉ huy vừa nghĩ. Con người có số phận chăng? Anh thoát chết chỉ trong gang tấc khi chiếc máy bay F4 cuối cùng vụt qua.
Giờ đây, nghỉ hưu sau những năm tháng tuổi trẻ cống hiến cho đất nước với bao nỗi nhọc nhằn, Đại tá Bùi Công Trực dành cho mình niềm vui nho nhỏ bên gia đình, bạn bè. Mỗi gia đình người thân, bạn bè, có công việc, ông lại thong dong cưỡi “ngựa chiến” tới chia sẻ. Với ông, đó cũng là cách để tự kiểm tra sức khỏe của mình.
Quý đệ của Hồ Chí Minh
Đại tá Bùi Công Trực bần thần nhắc lại những kỷ niệm của gia đình với Cụ Hồ. Ngôi nhà gia đình ông ở từ khi về tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay cũng do chính Cụ Hồ chọn. Cha ông, nhà kinh tế Bùi Công Trừng là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từng có nhiều thời gian thân cận với Cụ Hồ.
Ông bà Bùi Công Trừng và các con. Ảnh tư liệu gia đình. |
Tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu về Mátxcơva, gặp nhóm học sinh Việt Nam tại đây. Đó là lần đầu tiên Bùi Công Trừng gặp Nguyễn Ái Quốc với tên gọi đồng chí Vương.
Tháng 6/1930, Bùi Công Trừng tốt nghiệp Đại học Phương Đông và được tổ chức chuẩn bị về nước qua ngả Hồng Kông, Thượng Hải… Ở Hồng Kông, Bùi Công Trừng đã gặp Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú, có tham gia đóng góp ý kiến vào Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng. Trở về Sài Gòn, Bùi Công Trừng được Thường vụ Trung ương cử phụ trách công tác tuyên truyền và cổ động của Trung ương Đảng.
Nếm trải tù ngục từ Côn Đảo đến Trà Khê, cách mạng tháng Tám 1945, Bùi Công Trừng tham gia vào việc tổ chức giành chính quyền ở Sài Gòn. Tháng 2/1946, Trung ương điều ông ra Bắc. Tới Hà Nội, Bùi Công Trừng đã gặp lại đồng chí Vương khi đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 15 năm xa cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông tham gia Ủy ban kiến thiết Quốc gia, với chức vụ Tổng thư ký. Khi kháng chiến bùng nổ, ông Bùi Công Trừng cùng các cơ quan của Đảng và Chính phủ chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc, được giao phụ trách Thứ trưởng Bộ Kinh tế.
“Đi lâu mới biết đường dài”, ở tuổi 70, Bùi Công Trừng đã dành thời gian ghi chép lại cuộc đời hoạt động của ông. Ở trang cuối cùng của hồi ký, ông nhắc tới biến cố khiến ông đau buồn đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. “Lần cuối cùng tôi được gặp đồng chí Vương tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10. Đồng chí lột múi bưởi mời tôi một cách thân mật và gọi tôi là quý đệ. Có lẽ đây là lần đầu tiên và lần cuối đồng chí đã gọi tôi như thế”.
Lý thuyết gia hàng đầu về kinh tế Việt Nam Bùi Công Trừng (1902 - 1977), sinh tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông nội và cụ thân sinh ra ông đều là những nhà Nho, giỏi nghề y, đã từng tham gia phong trào Văn thân yêu nước. Sau năm 1945, Bùi Công Trừng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960), Thứ trưởng Bộ Kinh tế (Nay là Bộ Công thương), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện trưởng Viện Kinh tế học, Phó Chủ nhiệm kiêm Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Ông được đánh giá là một trong những lý thuyết gia hàng đầu về kinh tế của Việt Nam. |