| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch bất cập, nuôi biển tự phát tung hoành

Thứ Tư 08/03/2023 , 07:19 (GMT+7)

Thực trạng cho thấy, quy hoạch nuôi trồng thủy sản hiện còn chồng chéo và thiếu ổn định. Vì vậy, Quảng Ninh đang từng bước khắc phục để phát triển bền vững ngành nuôi biển.

Tình trạng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tình trạng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nuôi trồng thủy sản còn mang tính tự phát

Quảng Ninh là tỉnh có đường bờ biển dài 250km, chạy dọc từ Móng Cái đến Quảng Yên, với diện tích mặt biển trên 6.000km2; diện tích mặt nước ngọt có khả năng nuôi trồng thủy sản là 12.992ha. Những năm qua, ngành thủy sản Quảng Ninh được duy trì ổn định với mức tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020 đạt 6,37%; riêng năm 2022 đạt 5,44%.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có vị trí chiến lược quan trọng, hạ tầng giao thông thủy, bộ và hàng không đồng bộ, nằm trong quy hoạch hệ thống khu kinh tế ven biển quốc gia, có thị trường tiêu thụ lớn như thị trường Đông Bắc Á, vùng đồng bằng sông Hồng và nội tỉnh Quảng Ninh. Đây là tiềm năng, lợi thế tạo tiền đề để phát triển bền vững ngành thủy sản. Đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản biển theo hướng công nghiệp, công nghệ cao.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế thủy sản của Quảng Ninh hiện chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả còn nhỏ. Nguyên nhân là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi, công tác giao, cho thuê mặt nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Thực trạng cho thấy, quy hoạch nuôi trồng thủy sản hiện còn chồng chéo và thiếu ổn định. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hậu cần nghề cá còn dàn trải, thiếu đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả. Đặc biệt là vùng biển ven bờ vẫn còn tình trạng đánh bắt mang tính chất hủy diệt.

Trong khi đó, nhu cầu sản phẩm thủy sản ngày càng tăng, diện tích nuôi có lợi sẽ bị thu hẹp do xung đột về không gian phát triển với hoạt động công nghiệp, đô thị hóa và du lịch.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh), không nên quá lạm dụng vào diện tích mặt nước biển của các địa phương mà quy hoạch tràn lan. Nên quy hoạch từng vùng nuôi cụ thể và ưu tiên cho những địa phương có tiềm năng, thế mạnh.

Nguyên nhân của việc giao, cho thuê mặt nước tại Quảng Ninh còn chậm là do nhiều vướng mắc. Trong đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi, công tác giao, cho thuê mặt nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản còn có tâm lý e ngại đối với thủ tục hành chính. Do vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tập thể, hộ gia đình cá nhân nuôi trồng thủy sản biển nào được cấp có thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định.

z4162959366221_82b508e806ee21aad81a943262792ef0

Việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngoài ra, ranh giới trên biển giữa các huyện, xã cũng chưa được phân định trên bản đồ. Chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong việc quản lý khu vực biển; sự chỉ đạo còn thiếu quyết liệt dẫn đến tỷ lệ diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài quy hoạch ở Quảng Ninh là khá lớn.

Quảng Ninh có 8/11 địa phương ven biển lập quy hoạch chi tiết nuôi thủy sản mặn, lợ với diện tích khoảng 11.700ha. Mặc dù vậy, các địa phương này mới chỉ quy hoạch chi tiết được một phần mặt biển để làm cơ sở thực hiện giao, cho thuê mặt biển đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Theo quy định, phạm vi mặt nước 3 hải lý tính từ đường triều kiệt ra biển sẽ do UBND cấp huyện thực hiện giao, cho thuê; phạm vi 3 - 6 hải lý do UBND tỉnh thực hiện; ngoài 6 hải lý do cấp trung ương quản lý. Hiện chưa có đường triều kiệt nên không thể phân định rõ về cấp thẩm quyền quản lý, thực hiện giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân.

Có thể nói, việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, chấm dứt hoạt động sử dụng tài nguyên biển trái phép để từng bước phát triển một cách ổn định; đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả, thúc đẩy ngành thủy sản địa phương phát triển bền vững.

Chuyển dịch theo hướng bền vững

Để giải quyết những hạn chế còn tồn tại, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 194 về khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển đúng với tiềm năng, giải pháp trước mắt là các địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng, rà soát, phân vùng chức năng không gian biển. Xác định rõ những khu vực có khả năng nuôi trồng thủy sản theo từng loại, xây dựng phương án giao khu vực biển theo quy định của Nghị định 11 của Chính phủ.

z3707445814243_432eabe020bcaf3a85b38aa0f48783ee

Mô hình nuôi biển kết hợp đa giá trị là hướng đi bền vững trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh chú trọng hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Đồng thời sẽ hỗ trợ về giống, vật tư phát triển sản xuất, xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến…Từng bước sắp xếp, di dời các hộ nuôi trồng thủy sản vào các vùng quy hoạch, xử lý dứt điểm những trường hợp nuôi ngoài quy hoạch theo quy định.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 1 cơ sở sản xuất vật liệu nổi chưa được công bố hợp quy. Công an tỉnh cũng kiểm tra, xử phạt vi phạm 1 doanh nghiệp vi phạm hành chính về nuôi trồng thủy sản chưa được cơ quan có thẩm quyền giao, thuê mặt nước biển theo quy định, với số tiền 50 triệu đồng. Kiểm tra phát hiện 1 cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh, buôn bán vật liệu nổi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại huyện Vân Đồn với số tiền là 7,5 triệu đồng.

Lực lượng chức năng cũng phát hiện, xử lý và yêu cầu gỡ bỏ, rời khỏi vị trí vi phạm đối với 17 trường hợp tự ý đặt lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép, lấn chiếm tuyến luồng thủy nội địa.

Để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, nuôi biển một cách bền vững, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường thu hút đầu tư vào thủy sản, ưu tiên các mô hình hợp tác công - tư, sản xuất theo chuỗi. Chuyển đổi vật liệu nuôi trồng là hướng đi mới để Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản trong tương lai.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được 3 dự án nuôi trồng thủy sản biển công nghiệp hiện đại, trong đó có 2 dự án kết hợp dịch vụ, du lịch trải nghiệm với tổng trị giá đầu tư 250 tỷ đồng. Hiện các dự án đang trong quá trình đề xuất, lấy ý kiến thẩm định để triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Dự kiến đến hết năm 2030, tổng diện tích nuôi biển ở Quảng Ninh phấn đấu đạt hơn 9.200ha. Tổng sản lượng đạt 94.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2025 - 2030 là 9,6%; giá trị sản xuất theo giá cố định trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.