| Hotline: 0983.970.780

Xóa phao xốp trong nuôi trồng thủy sản còn rất chậm

Thứ Ba 07/03/2023 , 06:40 (GMT+7)

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.

z4154575223461_8890cd94b553cd1f3d22a69dc9a2063c

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Còn tình trạng xuống giống hàu mới, lắp đặt phao xốp mới

Theo báo cáo của các địa phương trong tỉnh, tính đến ngày 20/2/2023, toàn tỉnh có khoảng 2.425.387 quả phao xốp, đã chuyển đổi sang phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương là 1.203.997 quả, đạt 50%; số phao xốp còn lại là 1.221.390 quả.

Kết quả này cho thấy tiến độ thực hiện chuyển đổi phao xốp trong nuôi biển sang loại phao nổi phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật địa phương, thân thiện môi trường ở các địa phương còn chậm, không đảm bảo lộ trình đề ra hoàn thành trong năm 2022; trong khi sự chỉ đạo điều hành của chính quyền một số địa phương về quản lý nuôi trồng thủy sản trên biển chưa chặt chẽ, đôi lúc thiếu kiên quyết, quyết liệt.

Do đó, một số nơi còn tình trạng xuống giống hàu mới, lắp đặt phao xốp mới khi chưa chuyển đổi phao xốp cũ hoặc sử dụng phao xốp bọc bạt đen xen kẽ với phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện.

Tháng 12/2022, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã thành lập đoàn liên ngành gồm đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Sở KH-CN, Sở Công thương, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, nhằm kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản; kiểm tra lấy mẫu tại một số các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu nổi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Đoàn đã phát hiện 1 cơ sở sản xuất vật liệu nổi chưa được công bố hợp quy, khuyến cáo cho người dân dừng ngay việc sử dụng vật liệu này khi có kết quả thử nghiệm đúng chỉ tiêu kỹ thuật theo quy chuẩn địa phương của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, đoàn liên ngành đã thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên đại diện cho 7 cơ sở hiện đang sản xuất, cung ứng phao cho bà con nuôi trồng thủy sản trên biển; 10 mẫu ngẫu nhiên đại diện cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang sử dụng vật liệu nổi của các đơn vị sản xuất: Công ty CP Nhựa Super Trường Phát; Công ty TNHH Thương mại XNK Vĩ Tuyến; Công ty TNHH Vân Long; HTX phát triển hàu sữa Quảng Ninh; Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hùng Cường; Cơ sở Phan Văn Khảm; Công ty CP Nhựa HBC. Kết quả các mẫu vật liệu nổi đều phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật tại quy chuẩn địa phương (QCĐP số 08: 2020/QN).

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, đoàn phát hiện nhiều phao bị hỏng như méo móp, nước vào. Nguyên nhân do lỗi của nhà sản xuất, chủ yếu là phao nhỏ của Công ty TNHH Vân Long, phao cỡ lớn nâng giàn của Công ty TNHH Thương mại XNK Vĩ Tuyến. điều đó ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân trong việc chuyển đổi vật liệu nổi.

Đến nay, hầu hết các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển là hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương chưa được cấp có thẩm quyền giao, cho thuê khu vực biển theo quy định; do đó, ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản và việc chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương; khó kiểm soát, thống kê tổng hợp chính xác dữ liệu về cơ sở nuôi trồng thủy sản.

z4127702463795_6c71b86f20b02df695cd3009ed0682b9

Phao HDPE đang dần thay thế phao xốp trong nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhanh chóng giải bài toán xóa phao xốp

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc xóa phao xốp trong nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh còn chậm, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, ý thức tự giác chấp hành chủ trương chuyển đổi phao xốp trong nuôi biển sang loại phao nổi thân thiện môi trường, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật địa phương của một bộ phận người dân chưa cao.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản như cá biển, hàu nuôi… không được thuận lợi, giá cả thấp và không ổn định, nên nguồn lực tái đầu tư cho sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, giá thành vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương cao gấp 1,5 - 2 lần so với với vật liệu nổi là phao xốp thông thường; việc giao mặt nước cho cơ sở nuôi trồng thủy sản của một số địa phương chậm thực hiện nên người dân chưa yên tâm đầu tư chuyển đổi. Hầu hết các đơn vị sản xuất phao nhựa chưa chủ động đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thực tế sản xuất; thị trường còn thiếu những loại phao nhựa có kích cỡ lớn, phù hợp với loại hình nuôi hàu bằng giàn bè ở các địa phương Quảng Yên, Móng Cái.

Vì vậy, nhiều cơ sở nuôi biển bằng hình thức giàn bè, nhà bè đang phải tận dụng thùng phuy nhựa làm phao nổi. Tuy nhiên, loại phuy nhựa không phải là sản phẩm chuyên dùng cho nuôi trồng thủy sản, do nhiều hãng sản xuất và bán tại các đại lý bán lẻ nên rất khó để thực hiện các thủ tục công bố hợp quy theo quy định, dẫn đến khó khăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản biển khi thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

z3278052842704_f1de57e961b427bb22365bb5ae224f70-nongnghiep-225157

Việc sử dụng phao xốp gây mất mĩ quan và ảnh hưởng đến môi trường biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo ông Đỗ Đình Minh, để nhanh chóng giải bài toán xóa phao xốp cần tăng cường mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra các hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổi trong nuôi biển. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua bán, vận chuyển, cung ứng các sản phẩm phao nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.

Cùng với đó, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển không đúng quy định và kiên quyết xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm trong nuôi trồng thủy sản và sử dụng vật liệu nổi gây ô nhiễm môi trường.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến khích các đơn vị sản xuất phao nhựa dùng trong nuôi trồng thủy sản chủ động đa dạng hóa mẫu mã, kích cỡ sản phẩm theo nhu cầu thực tế sản xuất và hoàn thiện thủ tục công bố hợp quy. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục công bố hợp quy cho các sản phẩm phao nhựa cỡ lớn, có độ bền cao hơn phao xốp, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với hình thức nuôi biển bằng nhà bè, giàn bè.

Việc sắp xếp các cơ sở nuôi trồng thủy sản theo hướng hình thành các vùng nuôi biển tập trung phù hợp với quy hoạch của huyện, tỉnh, tiến tới hoàn thành việc giao, cho thuê mặt nước, khu vực biển các cơ sở nuôi trồng thủy sản là hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương còn chậm.

Năm 2022, sản lượng thủy sản ở Quảng Ninh đạt 160.852 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2021; trong đó sản lượng khai thác đạt 73.794 tấn và sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 87.058 tấn. Tăng trưởng lĩnh vực thủy sản ước đạt 5,44% (tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp 5,25%). Giá trị sản xuất theo giá hiện hành năm 2022 đạt 14.656,032 tỷ đồng.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển