Thủ tướng Chính phủ vừa Phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định của Thủ tướng, giai đoạn 2031 - 2050, vùng Trung du và miền núi phía Bắc phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân đạt khoảng 7,5 - 8,0 %/năm. Đến năm 2050, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 15.000 - 18.000 USD, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về phát triển nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản, tuần hoàn, hiệu quả cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đặc thù và các sản phẩm OCOP chất lượng cao. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với quy mô thích hợp gắn với chế biến, thị trường trong và ngoài nước.
Duy trì diện tích lúa tại các địa phương, đặc biệt là các diện tích lúa có năng suất, hiệu quả cao, lúa đặc sản có giá trị cao tập trung chủ yếu ở Điện Biên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Phát triển một số cây công nghiệp chủ yếu gắn với chế biến và tiêu thụ, như: chè tập trung chủ yếu tại Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang; cà phê chủ yếu tại Sơn La, Điện Biên; mắc ca chủ yếu tại Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.
Theo quy hoạch, tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm chế biến chè, Lai Châu trở thành trung tâm chế biến mắc ca, vùng cây ăn quả, cây đặc sản chủ yếu tại Sơn La, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, vùng quế, hồi chủ yếu tại Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng. Phát triển vùng trồng rau màu, hoa ôn đới chất lượng cao tại các địa bàn có điều kiện, khí hậu đặc thù như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực Tây Bắc.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng song song với nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, gắn với nhiệm vụ giữ an ninh quốc gia về nguồn nước, năng lượng và bảo vệ rừng.
Phát triển vùng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gỗ, giấy chủ yếu tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái. Xây dựng Phú Thọ, Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ, giấy của vùng. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ từ rừng như du lịch sinh thái rừng; cung cấp gỗ, cung cấp lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, coi đây là tiềm năng, lợi thế lớn cần khai thác hiệu quả. Tập trung phát triển cây dược liệu dưới tán rừng chủ yếu tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, phát triển các vùng cây trồng đa mục đích.
Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các địa bàn có quy mô chăn nuôi lớn như Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang, Phú Thọ. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các tỉnh có diện tích mặt nước tự nhiên và chuyên dùng lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái. Mở rộng nuôi thủy sản ở vùng lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện.
Hình thành các trung tâm nghiên cứu tạo giống cây trồng, chuyển giao công nghệ đối với các địa bàn có quy mô phát triển lớn, tập trung và địa bàn có vai trò, vị trí thuận lợi trong cung ứng và chuyển giao công nghệ cho các địa phương lân cận.
Hình thành, phát triển một số khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực, địa phương có điều kiện phù hợp, như Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp, tạo đột phá công nghệ trong phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm…