| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để Trung du, miền núi phía Bắc không ‘bỏ lỡ’ cơ hội thị trường?

Thứ Sáu 12/04/2024 , 15:30 (GMT+7)

Nông lâm sản là thế mạnh của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, khó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Nông lâm sản là thế mạnh

Ngày 12/4/2024, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai chủ trì; Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công thương Lào Cai phối hợp tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc”.

Bên lề hội nghị, còn kết hợp tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Trung du, miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Trung du, miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết,lĩnh vực nông lâm thủy sản là thế mạnh của vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết,lĩnh vực nông lâm thủy sản là thế mạnh của vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Ảnh: Hồng Thắm.

Thời gian qua, vùng Trung du, miền núi phía Bắc đã tận dụng khá tốt các lợi thế trên, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước. Cụ thể, trong hai năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. 

Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt xấp xỉ 67,4 tỷ USD năm 2022 và trên 64,8 tỷ USD năm 2023, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của cả nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản...

Bà Phan Thị Thắng cho biết: “Vùng Trung du, miền núi phía Bắc cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc… Mạng lưới giao thông vận tải của vùng đang được đầu tư, nâng cấp, nên ngày càng thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở”.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay: “Lĩnh vực nông lâm thủy sản là thế mạnh của vùng, đang chuyển đổi dần theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng. Đối với một vùng có nhiều địa phương còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ thì đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như người dân và doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, hiện nay quy mô sản xuất nông lâm thủy sản của vùng còn nhỏ lẻ, khó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động hết công suất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông lâm sản tại hầu hết các địa phương trong vùng (trừ Bắc Giang, Thái Nguyên) còn tương đối khó khăn…“Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của vùng Trung du, miền núi phía Bắc ra thế giới”, bà Thắng nhấn mạnh.

Dư địa thị trường còn lớn

Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) thông tin, khu vực châu Á - châu Phi luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam, chiếm hơn 67% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Xuất khẩu các mặt hàng truyền thống và quan trọng của Việt Nam sang khu vực Á - Phi tiếp tục được duy trì được tăng trưởng tốt. Cụ thể, với nông sản, trong quý I/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9%; gạo ước đạt 1 tỷ USD, tăng 15,4%; rau quả ước đạt 1 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều đạt 276 triệu USD, tăng 31,3%; cà phê đạt 536 triệu USD, tăng 70,7%; hàng thủy sản ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6,2%…

Ông Hưng lấy dẫn chứng cụ thể đối với một số mặt hàng cây ăn quả tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Ông cho hay, nhiều loại trái cây của vùng như nhãn, vải, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ… được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Úc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc diễn ra sáng 12/4 tại Lào Cai thu hút hơn 300 đại biểu tham dự. Ảnh: Hồng Thắm.

Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc diễn ra sáng 12/4 tại Lào Cai thu hút hơn 300 đại biểu tham dự. Ảnh: Hồng Thắm.

“Các mặt hàng này, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả xuất khẩu tốt, được sự ưa chuộng của người tiêu dùng nước ngoài và hiện đang giữ thị phần lớn tại các thị trường khu vực châu Á - châu Phi”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng nhận định, mặc dù thời gian qua xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Á - châu Phi nói chung cũng như xuất khẩu của vùng Trung du, miền núi phía Bắc đã có sự khởi sắc, tuy nhiên dư địa mở rộng thị trường đối với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của vùng này sang châu Phi còn rất lớn.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), trong 5 năm qua, sau dịch bệnh Covid-19 cả thế giới nghèo đi, như vậy nhu cầu tiêu dùng cũng kém đi. Người Mỹ giàu nhất thế giới cũng nghèo đi thì sức tiêu thụ sẽ kém đi, tương tự châu Âu cũng vậy. Hệ lụy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu - châu Mỹ giảm trung bình khoảng 12 - 15%. Tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có sự khởi sắc trở lại dù vẫn còn nhiều bất ổn khó đoán.

Riêng với xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng Trung du, miền núi phía Bắc sang khu vực châu Âu - châu Mỹ, ông Dương chia sẻ, trong 2 tháng đầu năm đã có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể như gỗ đã tăng trưởng đột biến trở lại, đạt 1,36 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái; hàng rau quả đạt hơn 93 triệu USD, tăng hơn 18%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 18 triệu USD, tăng hơn 238%; xuất khẩu gạo đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 238%; và xuất khẩu chè gần 3,9 tỷ USD, tăng hơn 17%.

Ông Dương nhận định, về mặt dài hạn, xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam nói chung, vùng Trung du, miền núi phía Bắc nói riêng sang thị trường châu Âu - châu Mỹ vẫn còn nhiều tiềm năng vì Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu đặc biệt khi sở hữu tới 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định với các nước, khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED: 2%).

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Để không lỡ nhịp các cơ hội thị trường quốc tế mới, nhiều địa phương đề xuất, doanh nghiệp của vùng Trung du, miền núi phía Bắc rất cần sự hỗ trợ về đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả từ các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại địa phương trong vùng nói riêng và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh bên ngoài vùng.

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing (Sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam) chia sẻ các hoạt động hợp tác với Bộ Công thương xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm vùng Trung du, miền núi phía Bắc trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com đến thị trường thế giới. Tiêu biểu trong năm 2023 là việc xây dựng Gian hàng Quốc gia Việt Nam (Vietnam Pavilion).

“Đây là không gian hàng hóa Made in Vietnam Alibaba.com, tập hợp sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) toàn cầu, có vai trò then chốt giúp thúc đẩy sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới và đẩy mạnh giao thương giữa nhà mua hàng quốc tế và nhà bán hàng”, bà Uyên nói.

Xuất khẩu thanh long qua của khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Võ Việt.

Xuất khẩu thanh long qua của khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Võ Việt.

Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành của vùng và đặc biệt là Ủy ban điều phối Vùng cần thực hiện một số giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư.

Triển khai hoạt động kết nối doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam tới các đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Xây dựng cơ chế hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo giữa các tỉnh. Đồng thời, chia sẻ hình thành vùng nguyên liệu chính ở mỗi địa phương và liên kết, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm là thế mạnh của mỗi địa phương…

Còn theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, các địa phương vùng Trung du, miền núi phía Bắc cần tiếp tục làm tốt công tác tổ chức sản xuất như quy hoạch vùng trồng, chủ động về giống và phân bón…; nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hợp tác để cải tiến công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giữa vững thị phần xuất khẩu tại các thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Úc, New Zealand…

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện sản phẩm, bao bì, nhãn mác, chất lượng và quy trình sản xuất đầy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chủ động tìm hiểu về các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và phương án tận dụng với dòng sản phẩm, thị trường của mình. Tăng cường nhận diện thương hiệu trực tuyến qua website, các mạng xã hội với đầy đủ thông tin, chứng minh năng lực để mở rộng quảng bá thương hiệu của mình đến với đối tác nước ngoài và xây dựng niềm tin…“Quan trọng hơn, chúng ta cần phải chủ động ứng phó tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn và tận dụng tốt hơn hiệu quả phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Hồng Dương nhấn mạnh.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm