| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch chi tiết là trách nhiệm các tỉnh!

Thứ Năm 24/10/2013 , 10:38 (GMT+7)

“Cục Trồng trọt, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) có trách nhiệm trong việc định hướng phát triển cây cao su các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, việc quy hoạch chi tiết và quyết định trồng cao su ở đâu, trồng ra sao... là trách nhiệm của các tỉnh”.

“Cục Trồng trọt, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) - hai đơn vị chủ trì trực tiếp xây dựng quy hoạch có trách nhiệm trong việc định hướng phát triển cây cao su các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, việc quy hoạch chi tiết và quyết định trồng cao su ở đâu, trồng ra sao... là trách nhiệm của các tỉnh”.

TS Phạm Đồng Quảng (ảnh) - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt nêu quan điểm trên khi trao đổi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch trồng cao su ở các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại nghiêm trọng sau 2 cơn bão số 10 và số 11 vừa qua.

Theo ông Quảng, sự xuất hiện của cây cao su ở các tỉnh miền Trung là có căn cứ vào lịch sử phát triển. Cụ thể từ khoảng năm 1959 - 1960, Trung ương đã có chủ trương đưa cây cao su vào một số nông lâm trường tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ gồm Quảng Bình, Quảng Trị như Nông trường Bến Hải, Nông trường Quyết Thắng (Quảng Trị), Nông trường Việt Trung (Quảng Bình).

Cây cao su được đưa từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) bằng đường hàng không về Quảng Bình, đồng thời có các chuyên gia Trung Quốc sang giúp đỡ tư vấn về kỹ thuật. Lúc đó, Tổng cục Cao su là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp quản lí cao su tại đây.

Đến khoảng năm 1961 - 1962, diện tích cao su ở hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị khoảng 900 đến 1.000 ha. Tuy nhiên, do giá cao su lúc đó còn rất thấp, vấn đề an ninh lương thực vẫn còn là gánh nặng nên cây cao su ở miền Trung ít được quan tâm.

Sau năm 1975, cùng với đà phát triển trồng mới trên cả nước, cao su ở Bắc Trung bộ bắt đầu được mở rộng diện tích. Đến năm 1996, Chính phủ đã lần đầu tiên phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su. Theo đó, vùng Bắc Trung bộ được quy hoạch diện tích khoảng 42 nghìn ha tới năm 2005 (trong đó Thừa Thiên - Huế 3.000 ha, Quảng Bình 8.000 ha, Quảng Trị 12.000 ha, Hà Tĩnh 3.000 ha, Thanh Hóa 6.000 ha, Nghệ An 10.000 ha).

Đi đôi với quy hoạch này, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách dành cho cây cao su như lồng ghép vào Chương trình 327, hỗ trợ cho nông dân vay vốn từ dự án nước ngoài... Điều này đã góp phần thúc đẩy diện tích cao su vùng Bắc Trung bộ liên tục tăng về diện tích. Đến năm 2007, diện tích cao su toàn vùng đã lên tới 47.000 ha, và đến năm 2009 đã xấp xỉ 60.000 ha.

Nhằm tiếp tục có định hướng phát triển hiệu quả, bền vững cho cao su ở miền Trung, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su lần thứ hai. Theo đó, chủ trương tiếp tục trồng mới 20.000 ha cây cao su ở vùng Bắc Trung bộ, đảm bảo ổn định diện tích cao su ở vùng này khoảng 80 nghìn ha vào năm 2015. Tuy nhiên đến năm 2012, diện tích cao su thực tế ở vùng này đã lên tới 80.000 ha, năm 2013 tăng lên 82.000 ha.

Một số tỉnh diện tích cao su năm 2013 đã đạt quy hoạch tới năm 2015 gồm Thanh Hóa, Quảng Trị, thậm chí Quảng Bình và Hà Tĩnh đã vượt xa quy hoạch định hướng đến năm 2015 (Hà Tĩnh vượt hơn 2.000 ha, Quảng Bình vượt hơn 4.000 ha). Riêng Nghệ An và Thừa Thiên - Huế chưa đạt diện tích quy hoạch nhưng sẽ đạt diện tích trong thời gian không lâu nữa.

TS Phạm Đồng Quảng cũng cho biết, giá cao su trong những năm 2010 - 2011 tăng rất mạnh, có lúc lên tới 120 triệu đồng/tấn, đưa cao su trở thành cây trồng siêu lợi nhuận là nguyên nhân chính khiến diện tích cao su tăng nhanh hơn quy hoạch, đặc biệt cao su tiểu điền.

Thưa ông, sau thiệt hại nặng nề vì hai cơn bão vừa qua, nhiều ý kiến đang cho rằng chúng ta đã sai lầm nghiêm trọng khi đưa cao su vào quy hoạch phát triển cây trồng ở miền Trung, thậm chí còn chủ trương nâng diện tích từ sau năm 2009?

Ngoài căn cứ vào lịch sử phát triển, lấy ý kiến từ các địa phương, các cơ quan xây dựng quy hoạch đã căn cứ rất chi tiết vào các dữ liệu khoa học về thời tiết, thổ nhưỡng, thiên tai... Cùng với việc cải tiến các giải pháp kỹ thuật và giống, phải khẳng định vấn đề rủi ro về rét ở Bắc Trung bộ đối với cây cao su đã được giải quyết.

Khó khăn nhất của vùng này là nước tưới hết sức khó khăn, mùa khô hạn kéo dài, cây cao su lại là cây chịu hạn.

Về đất đai, cao su dễ tính, có thể trồng được cả ở đất nghèo kiệt, vốn chỉ trồng được keo, bạch đàn. Bằng chứng như tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, đất trồng cao su đều là đất rừng nghèo kiệt, hoặc đất canh tác cây nông nghiệp kém hiệu quả.

Về vốn và đầu tư, cao su tuy đầu tư cao nhưng với giá mủ những năm qua trung bình từ 50 - 60 triệu đồng/tấn, chỉ cần từ 1 - 2 năm thu hoạch là dân thu hồi được vốn và có thể làm giàu... Điều này đã được chứng minh diện tích cao su tiểu điền tăng mạnh trong những năm qua.

Nhưng bất lợi lớn nhất của Bắc Trung bộ là bão. Bão nhiều, bão to. Bao đời nay ai cũng biết điều đó. Mà cây cao su lại giòn, kém chịu gió... Phải chăng các đơn vị xây dựng quy hoạch, gần đây nhất là quy hoạch năm 2009 đã bỏ qua điều đó?

Về bão, các đơn vị xây dựng quy hoạch đã tính tới và căn cứ chặt chẽ vào các dữ liệu về diễn biến thời tiết rất kỹ lưỡng, chứ không phải duy ý chí.

Cụ thể từ năm 1970 (thời điểm các diện tích cao su đầu tiên ở miền Trung đã khai thác mủ) đến năm 1990, tổng cộng vùng Bắc Trung bộ có hơn 40 cơn bão. Trong đó, 7 cơn bão có ảnh hưởng tới cao su, làm cho cao su và các cây trồng khác gãy đổ. Còn tính từ năm 1997 (sau thời điểm Chính phủ có quy hoạch lần thứ nhất về cao su) đến trước thời điểm xảy ra hai cơn bão số 10 và 11 năm 2013 vừa qua, có 9 cơn bão có ảnh hưởng đáng kể đến cao su, trong đó chỉ có 2 - 3 cơn bão gây ảnh hưởng nặng.

Cụ thể như Hà Tĩnh có cơn bão số 5 năm 2007 và cơn bão số 10 năm 2013, còn Quảng Bình từ năm 1960 đến nay chỉ có một cơn bão năm 1983 và bão số 10 năm 2013... Kể từ năm 1960 đến nay, Bắc Trung bộ cũng chưa có cơn bão nào nặng và kéo dài (hơn 5h trên đất liền) như cơn bão số 10 vừa qua.

Cần khách quan rằng, không chỉ cao su bị gãy đổ vì bão, mà tất cả các cây trồng khác cũng gãy đổ nặng nề trong các cơn bão vừa qua (ví dụ Quảng Nam chỉ có 400 ha cao su gãy đổ nhưng có tới hơn 21 nghìn ha rừng gãy đổ trong cơn bão số 11).

Nhưng dư luận vẫn đang cho rằng, việc quy hoạch trồng cao su ở miền Trung, dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng vừa qua, không thể không có ai chịu trách nhiệm, thưa ông?

Cục Trồng trọt, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) - hai đơn chủ trì trực tiếp xây dựng quy hoạch xin thừa nhận có trách nhiệm trong việc định hướng phát triển cây cao su cho các tỉnh miền Trung.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, việc xây dựng quy hoạch và quy hoạch của Chính phủ phê duyệt chỉ là quy hoạch định hướng. Quyết định quy hoạch của Chính phủ đã yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để có quy hoạch chi tiết. Việc quy hoạch chi tiết ở các địa phương ra sao, tất nhiên đã được thông qua và nhất trí bằng các chủ trương, nghị quyết của HĐND, UBND các địa phương.

Nghĩa là quy hoạch của Chính phủ không thể chỉ ra cụ thể, mà việc xác định trồng bao nhiêu, trồng ở đâu, trồng lúc nào... để phù hợp với điều kiện tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng... của từng địa phương là do các tỉnh phê duyệt, và trách nhiệm ấy là của các tỉnh.

Trước mắt, các diện tích cao su đã bị thiệt hại sẽ xử lí ra sao đây, thưa ông?

Khoảng 10.000 - 12.000 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh (khoảng 2.000 ha), Quảng Bình (khoảng 7.100 ha) và Quảng Trị (khoảng 1.750 ha) thiệt hại trên 70%, có thể xem là mất trắng. Trước mắt, cần tận thu mủ, dọn dẹp và tận dụng gỗ gãy đổ. Việc quyết định có trồng lại hay không, trồng lại thế nào, không trồng lại thì trồng cây gì... hiện đang là vấn đề trăn trở lớn của cả ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên thời gian còn dài, ít nhất phải tới tháng 4/2014 mới tới vụ trồng mới nên chúng ta còn nhiều thời gian để bình tĩnh tham khảo thêm nhiều ý kiến của cơ quan khoa học, các nhà quản lí, DN và nguyện vọng của người dân. Ngày 31/10 tới, Cục Trồng trọt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, các địa phương và nông dân sẽ tổ chức một cuộc hội thảo, cùng nhau ngồi lại để bàn và quyết định xem có trồng lại hay không.

Qua nắm bắt ban đầu, hiện hầu hết các địa phương, đơn vị có diện tích cao su bị thiệt hại nặng đều có nguyện vọng và bày tỏ quyết tâm sẽ trồng lại, thậm chí nhiều nơi vẫn muốn tiếp tục mở rộng diện tích. Tất nhiên, trường hợp quyết định trồng lại ra sao, trồng ở đâu phải tiếp tục bàn, ví dụ Hà Tĩnh cho biết sẽ đẩy cao su lên các vùng phía tây như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, hạn chế tối đa các vùng gần biển như Kỳ Anh.

Ngoài ra, khoảng 70 - 75 nghìn ha cao su bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau chắc chắn mật độ sẽ giảm. Hiện Bộ NN-PTNT và cả Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN đã có các phương án kỹ thuật tối ưu nhất cho việc khắc phục này.

Mùa mưa bão miền Trung vẫn chưa hết, làm thế nào đối phó, hạn chế thiệt hại nếu có bão tiếp cũng như cho các năm sau?

Về phía Bộ NN-PTNT, chúng tôi sẽ gấp rút nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trồng cao su có cùng điều kiện bão giống Việt Nam như Malaysia, đảo Hải Nam (Trung Quốc) để có kênh tham khảo.

Vừa qua, có một số nông dân Quảng Trị áp dụng biện pháp chặt bớt cành cao, tỉa bớt tán trước bão nên dù tâm bão đi qua cao su cũng không bị gãy đổ. Rõ ràng làm như vậy cao su sẽ ảnh hưởng nặng nề tới năng suất mủ, có thể một vài năm sau mới khôi phục lại hoàn toàn nhưng đó có thể cũng là một giải pháp đối phó với bão. Tại cuộc hội thảo sắp tới, tất cả sẽ vào cuộc thêm để tìm ra giải pháp tối ưu nhất khi đối phó với bão, chẳng hạn về giống, hướng trồng, địa điểm trồng, thậm chí xây dựng thêm hệ thống chằng chống cho cao su...

Xin cảm ơn ông!

“Về các giải pháp khuyến cáo nhằm giảm thiểu tác động của bão, tất nhiên các quy hoạch, quy trình trồng và chăm sóc cao su trước đây cũng đã đều khuyến cáo hạn chế phát triển ở các vùng giáp biển, hoặc yêu cầu phải có dải rừng vành đai cho các vườn cao su rộng từ 10 - 12 m, tuy nhiên không phải nơi nào cũng có điều kiện đất đai lẫn ý thức làm được điều này, đặc biệt đối với các diện tích cao su tiểu điền” - TS Phạm Đồng Quảng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm