| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch thủy lợi nội đồng để giảm phát thải cho lúa

Chủ Nhật 06/08/2023 , 18:08 (GMT+7)

ĐBSCL Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi: 'Không có kết cấu thủy lợi, không quy hoạch thủy lợi nội đồng, chắc chắn chế độ tưới sẽ không đảm bảo để giảm phát thải cho lúa ĐBSCL'.

Thiếu giải pháp công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước vùng ĐBSCL

Bài liên quan

Đánh giá về hiện trạng tại vùng ĐBSCL, GS.TS Tăng Đức Thắng, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, hiện nguồn nước về ĐBSCL thay đổi hoàn toàn, mùa lũ giảm, mùa kiệt lượng nước kiệt tăng đến 50%.

Điều này giúp cho phát triển thượng lưu, nhưng lại làm chế độ dòng chảy bị điều khiển và nằm ngoài quy luật tự nhiên, mà con người không can thiệp được, buộc phải chủ động thích nghi.

Bên cạnh đó, phù sa về đồng bằng hiện nay suy giảm nghiêm trọng, hiện chỉ còn chưa tới một nửa và trong tương lai, theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và các cơ quan quốc tế, năm 2040 - 2050 chỉ ước còn khoảng 4 - 6%, thậm chí có thể mất hoàn toàn.

“Mất phù sa là cái mất lớn nhất của Việt Nam, của đồng bằng đối với sự phát triển của sông Mê Kông, chứ nguồn nước có được và mất, có thuận lợi và không thuận lợi”, GS Thắng nhận định.

GS Thắng cũng cho biết, hiện nay xu thế lũ đã giảm, nguồn ngước ngọt cho đồng bằng trong mùa khô đã tăng so với trước đây, tạo thuận lợi rất đáng kể trong việc ổn định phát triển nông nghiệp nếu có giải pháp công trình để đảm bảo nguồn nước.

Nguồn nước trong mùa khô tăng lên, mùa mặn đã giảm tạo thuận lợi để phát triển vùng ven biển. Tuy nhiên, cái thiếu hiện nay chính là thiếu giải pháp công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng ĐBSCL. Ảnh: H.G.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng ĐBSCL. Ảnh: H.G.

GS Thắng cho biết, hiện nay hệ thống thủy lợi ĐBSCL mới giải quyết được sản xuất tương đối ổn định ở những năm bình thường, còn gặp những năm cực đoan, những thời kỳ dị thường, chưa giải quyết được một cách đảm bảo hoàn toàn, chưa có độ tin cậy cao.

Cho đến hiện nay, ở vùng giữa và vùng thượng đồng bằng, nguồn nước khá tốt, sản xuất quanh năm (có nhiều nơi sản xuất 2 năm 7 vụ như ở Đồng Tháp, Hậu Giang). Tuy nhiên, vùng ven biển luôn luôn chịu phụ thuộc vào nguồn nước, trong khi đó, nguồn nước hiện nay lại không ổn định.

Cụ thể, trong mùa khô vùng giáp biển, nguồn nước không đủ, mặc dù có nguồn ở phía trên nhưng chưa chuyển được cho phía dưới, vì vậy các mô hình sản xuất triển khai phát triển sâu ở vùng dưới chưa làm được, do nguồn nước chưa ổn định.

“Nếu ổn định được nguồn nước thì chúng ta phát triển sâu ở vùng ven biển không chỉ là thủy sản mà kể cả nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là nguồn trái cây, gạo. Khi được trồng ở vùng ven biển có độ mặn thấp thì nguồn trái cây đó có giá trị vô giá, gạo cũng sẽ ngon hơn rất nhiều so với vùng trên”, GS Thắng phân tích.

Để phát triển mô hình tôm - lúa, giúp nông dân đảm bảo năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, GS Thắng cho rằng, cần phải chủ động được nguồn nước ngọt cũng như ổn định nguồn nước lợ cho vùng ven biển.

GS Thắng đề xuất, trong Chiến lược phát triển, Bộ NN-PTNT nên tăng cường cấp nước ngọt và ổn định nguồn nước mặn cho các vùng ven biển. Đồng thời, tăng cường cho hai vùng gồm vùng Nam sông Cái Lớn (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang) và vùng Đông Nam của Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An). “Đây là những vùng quan trọng, cần giải quyết những vấn đề về nguồn nước để ổn định sản xuất, tăng cường phát triển sâu của ngành đối với vùng ĐBSCL”, GS Thắng nói.

Chủ động nguồn nước nội tại bằng các giải pháp công trình và phi công trình

Tại buổi làm việc với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác vào tuần trước, Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Tùng Phong cho biết, quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 847 ngày 14/7/2023. Đây là cơ sở quan trọng để ngành thủy lợi có cơ hội, tiếp cận, phát huy những kết quả, những nền tảng đã có, đặc biệt là ĐBSCL đối với nhiều thách thức.

Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong phát biểu tại buổi làm việc của Bộ NN-PTNT với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong phát biểu tại buổi làm việc của Bộ NN-PTNT với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vì vậy, Cục trưởng Nguyễn Tùng Phong đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam rà soát quy hoạch thủy lợi, rà soát lại các giải pháp công trình; đặc biệt là quy hoạch thủy lợi ĐBSCL để đáp ứng mục tiêu với tư duy từ phục vụ sang cung cấp dịch vụ đa mục tiêu.

Về vấn đề an ninh nguồn nước cho ĐBSCL, theo Cục trưởng Cục Thủy lợi, đây là câu chuyện lớn, đặc biệt là chủ động nguồn nước nội tại bằng các giải pháp công trình và phi công trình. Đối với thủy lợi nói chung và các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu lớn, hiện nay cơ bản đã được đầu tư, nhưng 60% hiệu quả tưới lại nằm ở mặt ruộng.

Nếu 1 phải - 5 giảm, 3 tăng - 3 giảm mà không có hệ thống thủy lợi, không có kết cấu thủy lợi, không quy hoạch thủy lợi nội đồng thì chắc chắn chế độ tưới sẽ không đảm bảo để giảm phát thải cho lúa ĐBSCL.

Ông Nguyễn Tùng Phong đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam quan tâm đến vấn đề quy hoạch lại đồng ruộng, phục vụ đa mục tiêu, đặc biệt là giảm phát thải với dự án 1 triệu hecta lúa của Ngân hàng Thế giới.

"Năm nay chắc chắn có El Nino, lượng mưa giảm 20% so với nhiều năm. Vấn đề xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn, cao điểm từ tháng 2-5/2024. Vì vậy, đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực dự báo cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn", ông Phong nói tiếp.

Về vấn đề sạt lở bờ sông bờ biển, quản lý bờ biển, năng lực dự báo sạt lở, bờ sông bờ biển... cần có những phát triển các giải pháp quản lý tổng hợp cả vấn đề xã hội, kinh tế, xác định những vùng mang tính chất căn cơ, dài hơi, kể cả vấn đề sắp xếp dân cư…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, trong thời gian tới, các công trình nghiên cứu khoa học thủy lợi của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam không chỉ giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, mà còn tạo sinh kế cho người dân địa phương, tạo nền kinh tế cho địa phương.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội

Tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Kè chống sạt lở bờ sông Hiếu tiếp tục bị sụt lún

Kè chống sạt lở bờ sông Hiếu, đoạn qua thôn Mộc Đức và Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ tiếp tục bị sụt lún, nứt toác, nghiêng về phía lòng sông.