| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc: Sẽ chuyển đổi hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp

Thứ Tư 21/02/2024 , 09:42 (GMT+7)

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến chuyển mục đích sử dụng khoảng 15.688 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến chuyển mục đích sử dụng khoảng 15.688 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh. 

Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến chuyển mục đích sử dụng khoảng 15.688 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh. 

Sau khi Chính phủ phê duyệt, dự kiến ngày 5/3 tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch chung tỉnh Vĩnh Phúc, đối với ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất sản phẩm có giá trị cao theo chuỗi giá trị, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản, chú trọng đầu tư công nghệ sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng cho vùng, địa phương. Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể về trồng trọt, Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm có lợi thế về điều kiện địa lý và thị trường tiêu thụ như rau củ quả an toàn, lúa chất lượng, chuối, thanh long, cây dược liệu… Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… hướng tới các tiêu chuẩn Asean GAP, Global GAP.

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn. Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển những loại vật nuôi chủ lực, có lợi thế như lợn, bò, gia cầm,... Phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Chăn nuôi bò sữa ở huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Hoàng Anh. 

Chăn nuôi bò sữa ở huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Hoàng Anh. 

Về lâm nghiệp, Vĩnh Phúc tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của từng loại rừng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Gắn quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học với khai thác, sử dụng bền vững dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản, trồng dược liệu dưới tán rừng để nâng cao giá trị rừng.

Về thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, công nghệ cao với các đối tượng chủ lực và có giá trị kinh tế, đa dạng đối tượng và hình thức nuôi phù hợp với từng vùng, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, áp dụng các quy phạm thực hành nuôi tốt, nuôi hữu cơ... gắn với truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến xuất khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, an toàn sinh học. Nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận hữu cơ tại các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô... Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đáng chú ý, theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 diện tích tự nhiên của tỉnh Vĩnh Phúc là 123.600 ha. Trong đó đất nông nghiệp khoảng 75.770 ha, đất phi nông nghiệp khoảng 47.747 ha. Tỉnh này dự kiến chuyển mục đích sử dụng khoảng 15.688 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Chuyển 699 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang quy hoạch, chỉnh trang các khu dân cư, các khu đô thị mới. Chuyển khoảng 195 ha đất chưa sử dụng vào sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện thu hồi khoảng 14.753 ha, trong đó hơn 14,4 nghìn ha đất nông nghiệp và 351 ha đất phi nông nghiệp.

Một trong những vấn đề cấp bách của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua là quỹ đất xây dựng nghĩa trang. Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tập trung đô thị theo quy hoạch đô thị, nghĩa trang tập trung xã theo định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn, bố trí nhà tang lễ tại các đô thị đảm bảo tiêu chuẩn về phân loại đô thị, duy trì các nghĩa trang hiện trạng đến khi lấp đầy, di dời đối với các nghĩa trang trong khu vực phát triển đô thị hoặc không đảm bảo yêu cầu môi trường…

Cụ thể, đối với nghĩa trang cấp I, tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch mới công viên nghĩa trang tại huyện Lập Thạch quy mô khoảng 250ha. Đối với nghĩa trang cấp II, quy hoạch mới công viên nghĩa trang tại huyện Bình Xuyên quy mô 30 ha, nghĩa trang Liên Đài Viên tại thành phố Phúc Yên, quy mô 11,5ha…

Điều đáng lo ngại là ở những khu vực này thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều dự án nghĩa trang tuy nhiên gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Thậm chí có những dự án được phê duyệt chủ trương hơn chục năm trước nhưng đến này vẫn chưa thể triển khai do không nhận được sự đồng thuận từ người dân địa phương.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lật thuyền trên sông, 3 người đuối nước

Ngày 30/4, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp Công an huyện Lộc Ninh vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ lật thuyền trên sông Bé khiến ba người đuối nước.

Bình luận mới nhất