Ông Đỗ Hải Triều, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo kế hoạch, Vĩnh Phúc đang phấn đấu thực hiện mục tiêu toàn tỉnh có ít nhất 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 135 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới thông minh trong giai đoạn mới.
Song song với việc hoàn thành chương trình nông thôn mới, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm tới đời sống văn hóa tinh thần và an sinh xã hội cho người dân, lấy mục tiêu con người làm trung tâm. Theo đó, địa phương đặc biệt chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng đề án Làng văn hóa kiểu mẫu tại các xã trên địa bàn, góp phần ngày càng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Cụ thể là Đề án xây dựng thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu tại Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 (Đề án 2680). Tính đến nay, đề án này đã triển khai trên phạm vi 30 làng, bước đầu đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt, tạo được sự đồng thuận của người dân, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương còn gặp phải khá nhiều khó khăn, vướng mắc như hệ thống văn bản của Trung ương về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 còn chậm, đến nay có nhiều nội dung, chỉ tiêu lần đầu mới được đưa vào Bộ tiêu chí NTM, xã NTM nâng cao.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung về cơ chế quản lý, triển khai chương trình Trung ương phân cấp cho địa phương quy định như: Nghị quyết HĐND tỉnh quy định mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình MTQG, các chương trình dự án khác trong Chương trình xây dựng NTM; quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù...đã ít nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ cán đích của các địa phương.
Ngoài ra còn phát sinh nhiều vấn đề trong thực tế như, chất lượng đạt chuẩn NTM, duy trì đạt chuẩn NTM một số tiêu chí chưa cao. Đặc biệt là tiêu chí đặc thù đối với các xã vùng trung du, miền núi không cao, đồng thời việc huy động nguồn lực từ cấp huyện, cấp xã của một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn khiến cho tiến độ thực hiện bị chậm so với mục tiêu đề ra.
Cụ thể là một số huyện chưa ưu tiên bố trí nguồn lực cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà chủ yếu ưu tiên nguồn lực để thực hiện các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội. Việc thực hiện lồng ghép nội dung, nguồn lực từ Nghị quyết của HĐND, chương trình, dự án khác với thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hiệu quả chưa cao.
Tất cả những vấn đề này đang là rào cản ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nói chung, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; nâng thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Để giữ vững chuẩn nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần hoàn thiện toàn bộ các văn bản liên quan đến quy chế và triển khai quản lý thực hiện chương trình trong năm 2023.
Đối với cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình NTM cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ các địa phương và người dân thực hiện tốt nội dung thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, cần tập trung hơn nữa công tác chỉ đạo và công tác tuyên truyền, vận động, để người dân hiểu và thể hiện rõ hơn vai trò là chủ thể trong quá trình thực hiện chương trình.
Theo ông Đỗ Hải Triều, để hoàn thành Kế hoạch Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu theo lộ trình đặt ra, Bộ NN- PTNN cần sớm trình Chính phủ ban hành sửa đổi bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
"Đặc biệt, cần sửa đổi nội dung tiêu chí về chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung theo hướng giao cho UBND các tỉnh quy định phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác có căn cứ để xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các địa phương trong việc triển khai các công trình cấp nước sạch tập trung", ông Triều kiến nghị.
Tính đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 120 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, đạt 89 %, 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 76% và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 18% mục tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021-2025.