| Hotline: 0983.970.780

Quý IV năm 2020 sẽ chủ động được lợn giống cho sản xuất

Thứ Tư 13/05/2020 , 10:45 (GMT+7)

Việc nhập khẩu lợn nái ông bà, bố mẹ đang được các danh nghiệp triển khai nhanh chóng. Dự kiến quý IV năm 2020, Việt Nam sẽ chủ động được lợn giống cho sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, dự kiến đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ chủ động được lợn giống cho sản xuất và nhu cầu thịt lợn cơ bản được đáp ứng. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, dự kiến đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ chủ động được lợn giống cho sản xuất và nhu cầu thịt lợn cơ bản được đáp ứng. Ảnh: Thanh Nga.

Lô lợn nái bố mẹ nhập khẩu đầu tiên cập bến

Rạng sáng ngày 13/5, hai chuyến xe chở hơn 200 con lợi nái bố mẹ nhập từ Thái Lan của Công ty TNHH dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Công ty Việt Đức) cập bến trang trại ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Đích thân Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT đến kiểm tra việc chọn giống và thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn sinh học tại trang trại.

Theo ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty, lịch sử Việt Nam chưa từng có tiền lệ nhập khẩu lợn nái bố mẹ. Tuy nhiên, trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN-PTNT trong việc đẩy nhanh hoạt động tái sản xuất sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), Công ty Việt Đức đăng ký nhập 20.000 con nái bố mẹ và 200 con lợn đực từ Thái Lan về phục vụ hoạt động tái đàn của doanh nghiệp và cho các trang trại, nông hộ.

“Trong số 20.000 con nái nhập về sẽ có 10.000 con phục vụ hoạt động sản xuất của công ty; số còn lại chúng tôi cung cấp ra cho các trang trại, gia trại khác trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị ra Bắc”, ông Sum thông tin.

Được sự hỗ trợ kịp thời về mặt thủ tục hành chính, trong vòng 15 ngày, lô lợn nái bố mẹ đầu tiên nhập khẩu vào Việt nam đã cập bến. Dự kiến, đến tháng 8/2020 doanh nghiệp sẽ hoàn thành việc nhập khẩu số lượng lợn giống đã đăng ký.

Khi đàn nái nhập khẩu này cho sản phẩm vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020, nhiều khả năng giá lợn giống sẽ giảm từ 3 triệu đồng xuống 2 triệu đồng/con; góp phần giảm giá thành sản xuất lợn thịt khoảng 10.000đ/kg.

Lô lợn nái bố mẹ đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan được chuyển về trang trại của công ty Việt Đức ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Thanh Nga. 

Lô lợn nái bố mẹ đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan được chuyển về trang trại của công ty Việt Đức ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Thanh Nga. 

Ông Phạm Trần Sum cho hay, trong nhiều tháng qua, bản thân doanh nghiệp cũng không mua được lợn giống để sản xuất. Do đó, việc công ty tiên phong nhập khẩu đàn nái bố mẹ về tái đàn, tăng đàn trước hết là đảm bảo lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp, sau nữa là đóng góp một phần trách nhiệm với cộng đồng, nỗ lực đưa giá thịt hơi giảm nhanh nhất có thể nhằm đảm bảo mức sống cho người dân và chỉ số tiêu dùng của đất nước.

 Được biết, để nhập đủ 22.000 con nái bố mẹ và lợn đực đã đăng ký, công ty Việt Đức phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng. Hiện, doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng thêm một số trang trại nhằm đảm bảo an toàn sinh học trước khi nhập lợn.

Riêng trang trại tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tổng diện tích trang trại là 10 ha. Trong đó, 5 ha nuôi 1.200 nái và 5 ha nuôi 4.000 con lợn thịt, với tổng mức đầu tư 26 tỷ. Hiện công ty đang phối hợp tỉnh Hà Tĩnh khảo sát đất đai, xin chủ trương đầu tư thêm một trang trại nuôi 2.400 nái và 10.000 con lợn thịt.

Quý IV năm 2020 nhu cầu thịt lợn cơ bản được đáp ứng

Lực lượng chức năng kiểm tra hồ sơ kiểm dịch. Ảnh: Thanh Nga.

Lực lượng chức năng kiểm tra hồ sơ kiểm dịch. Ảnh: Thanh Nga.

Trao đổi với NNVN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ chủ động được lợn giống cho sản xuất và nhu cầu thịt lợn cơ bản được đáp ứng.

“Ngoài các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, hiện nhiều địa phương đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ đàn lợn nái và lợn đực. Ví dụ: Hà Nội hỗ trợ 5 triệu đồng/nái; dành 16 tỷ đồng hỗ trợ đàn lợn đực; Nghệ An hỗ trợ 2 triệu đồng/nái; Bình Dương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ nuôi 20 con nái trở lên… Đây là những giải pháp kịp thời, thiết thực nhất, góp phần đẩy nhanh việc tăng đàn, tái đàn bền vững hậu DTLCP”, Thứ trưởng nói.

Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, nhu cầu giống năm 2020 trên cả nước cần khoảng 18.000 con (trong đó, phần bù đắp thiếu hụt trước DTLCP là 11.000 con; tăng đàn khoảng hơn 6.000 con). Để đáp ứng được số lợn giống trên, 110.000n con lợn cụ kỵ, ông bà hiện có sẽ được nhân đàn tại chỗ và tăng tỷ lệ chọn lọc.

Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020 đàn nái nhập khẩu này sẽ cho ra lợn thương phẩm. Ảnh: Thanh Nga.

Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020 đàn nái nhập khẩu này sẽ cho ra lợn thương phẩm. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo nhập tinh về để làm tươi máu đàn cụ kỵ, ông bà; cho phép nhập khẩu giống bố mẹ. Đặc biệt, kêu gọi các “ông lớn” như Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Greenfeed Việt Nam; Công ty Japfa Comfeed; Công ty Kinh doanh Thuốc thú y Amavet… tham gia nhập hơn 15.000 con nái cụ kỵ, ông bà để bổ sung, thay thế đàn cụ kỵ, ông bà giai đoạn 2015 - 2016…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh chăn nuôi lợn đang gay gắt như hiện nay, việc người tiêu dùng chuyển hướng sử dụng thủy sản, gia cầm, trứng hay thịt lợn nhập khẩu thay thế thịt nóng là rất cần thiết, nhằm giảm áp lực lên thị trường.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.