Cần nhiều doanh nghiệp hưởng ứng
Trước việc giá lợn hơi trong nước tăng mạnh, có thời điểm lên tới trên 90.000 đồng/kg, tác động xấu tới chỉ số giá tiêu dùng CPI, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT, Công Thương, Tài chính cần vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá.
Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, trước đó là Ban điều hành giá, Bộ NN-PTNT lập tức họp bàn cùng các doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh các biện pháp an toàn sinh học để tái đàn, hiện tốc độ tái đàn đang khá tốt khi đạt bình quân 5 - 7%.
Đặc biệt, ngay sau lời kêu gọi của Bộ NN-PTNT, một số doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam hưởng ứng giảm giá lợn hơi từ 83.000 - 85.000 đồng/kg xuống 73.000 - 75.000 đồng/kg như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Tập đoàn Mavin…
Tuy nhiên, số liệu thống kê hiện cả nước có 17 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, chiếm khoảng 40% thị phần thịt lợn nên thực tế đã chứng minh, nếu chỉ C.P, Dabaco, Mavin hưởng ứng, cán cân sẽ không đủ nặng để hạ nhiệt thị trường.
Trong đó, riêng Tập đoàn CJ Hàn Quốc, theo số liệu của Cục Chăn nuôi đã sở hữu tới 80.000 nái (chỉ đứng sau C.P Việt Nam khoảng 300.000 nái). Ngoài ra, các doanh nghiệp khác cũng sở hữu vài chục nghìn nái như: Japfa, Emives, Masan, GreenFeed, Hòa Phát… Những doanh nghiệp này trong lúc “nước sôi lửa bỏng” gần như đứng ngoài cuộc, hoặc tham gia rất hời hợt các chỉ đạo của Chính phủ hay Bộ NN-PTNT.
Đồng ý là hiện nay giá cả vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng văn hóa kinh doanh trên thế giới luôn đề cao việc kinh doanh văn minh và thu lợi nhuận cũng cần văn minh.
Trên tinh thần lúc khó khăn, khủng hoảng giá lợn năm 2017, khủng hoảng dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, Bộ NN-PTNT cùng nhiều bộ, ban, ngành, địa phương đã ra sức phát động, kêu gọi cả nước chung tay giải cứu thịt lợn, không quay lưng với thịt lợn, nay Chính phủ, Bộ NN-PTNT vận động các doanh nghiệp bằng trách nhiệm với nền chăn nuôi nước nhà, trách nhiệm với người tiêu dùng và xã hội hãy san sẻ bớt lợi nhuận với người tiêu dùng cũng là điều hợp tính, hợp lý.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, việc chỉ C.P Việt Nam và Dabaco hưởng ứng bán giá lợn thấp hơn giá thị trường nếu kéo dài sẽ cực kỳ khó khăn, bất lợi cho phía doanh nghiệp, bởi nhân cơ hội này các doanh nghiệp chăn nuôi khác tận dụng lợi thế bán được lợn giá cao sẽ quay sang trả chiết khấu cao hơn các đối tác chăn nuôi gia công để cướp khách hàng, chuồng trại với C.P Việt Nam.
Sẽ áp dụng đồng bộ nhiều các giải pháp
Tại cuộc làm việc mới đây với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường giao Cục Chăn nuôi cử đoàn công tác tiến hành rà soát, nắm bắt cụ thể, chính xác tổng đàn nái, đàn lợn thịt tại 17 doanh nghiệp và những địa phương chăn nuôi trọng điểm của cả nước.
Không còn cách nào khác, phải nắm được thực tế tổng đàn nái, đàn lợn thịt mới đưa ra được chính sách, lộ trình, dự báo tái đàn phù hợp nhất. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học chính là giải pháp quan trọng vừa giúp bình ổn giá, vừa giúp ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay hạ nhiệt giá lợn để giữ được sự ổn định lâu dài cho ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tăng cường tiêu thụ các sản phẩm gia cầm, thủy sản nhằm giảm bớt áp lực cho mặt hàng thịt lợn trong quá trình đợi chủ trương tái đàn phát huy hiệu quả.
Ngoài giải pháp lâu dài là tái đàn, giải pháp trước mắt theo chỉ đạo của Ban điều hành giá của Chính phủ cho tiến hành nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong quý 1/2020 để bù đắp lượng thịt lợn hiếu hụt, hiện Bộ NN-PTNT đã giao các đơn vị trực thuộc làm việc với nhiều đối tác có truyền thống, thế mạnh về chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu thịt để đàm phán thủ tục nhập khẩu trong giai đoạn tới.
Gần đây nhất, trong buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Miratorg, ông Viktor Linnik ngày 6/3, Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện hoàn thành các thủ tục cho phép Tập đoàn Miratorg xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam
Chủ tịch Tập đoàn Mirarog Viktor Linnik cho biết, hiện Tập đoàn sản xuất khoảng 400.000 tấn thịt lợn/năm, sau hai năm nữa sẽ tăng lên 900.000 tấn. Với thịt bò, Miratorg đang sản xuất mỗi năm 200.000 tấn thịt, hai năm nữa dự kiến tăng lên 350.000 tấn. Ông Viktor Linnik cho biết, Miratorg đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng theo yêu cầu của Cục Thú y để tiến hành xuất khẩu 50.000 tấn thịt lợn đông lạnh vào Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, trong chuyến công tác tại Mỹ do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dẫn đầu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ký kết hàng loạt hợp đồng hợp tác và mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản và các sản phẩm thịt của Mỹ.
Chính phủ, Bộ NN-PTNT luôn muốn giữ thành quả vàng trong quá trình tái cơ cấu chăn nuôi đạt được đến thời điểm hiện tại nên không muốn cấu trúc ngành chăn nuôi bị phá vỡ, ảnh hưởng quá lớn do các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu giá lợn tiếp tục tăng một cách quá đáng không thể kiểm soát, bắt buộc Chính phủ phải có những giải pháp mạnh tay và quyết liệt hơn, trong đó Bộ NN-PTNT đang đánh giá và chuẩn bị sẵn quy trình kiểm soát, vận chuyển, xét nghiệm, phân tích đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm sẵn sàng nhập khẩu lợn từ Campuchia trong trường hợp cần thiết.