| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Tái đàn lợn không vội vã và cơ học

Thứ Hai 11/05/2020 , 10:30 (GMT+7)

“Bão dịch tả lợn Châu Phi” càn quét làm lộ những khoảng trống của ngành chăn nuôi và phải cần có thời gian để bù lấp.

Xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh theo phương châm quản lý dịch bệnh tận gốc sẽ đảm bảo hướng tái đàn lợn ổn định, bền vững. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh theo phương châm quản lý dịch bệnh tận gốc sẽ đảm bảo hướng tái đàn lợn ổn định, bền vững. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Người dân e dè

Trên bình diện quốc gia, việc tái đàn lợn đang là đòi hỏi cấp thiết để đáp ứng nhu cầu thịt lợn cho người dân, kéo giá thịt lợn giảm xuống.

Tuy nhiên, với đặc trưng địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên lại đặt ra yêu cầu, là việc tái đàn phải đảm bảo sự ổn định, bền vững, không nóng vội.

Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ ngày 05/03/2020, gây thiệt hại rất lớn, dịch bệnh bùng phát ở tất cả các xã, phải buộc tiêu hủy hơn 158 nghìn con lợn, với trọng lượng hơn 9.000 tấn. Ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ xấp xỉ 330 tỷ đồng cho việc phòng, chống dịch, trong đó hỗ trợ cho nhân dân có lợn bị tiêu hủy gần 266 tỷ đồng và đã được thực hiện xong trước Tết Nguyên đán 2020.

Ngày 07/02/2020, Thái Nguyên công bố hết dịch tả lợn châu Phi ở tất cả các xã. Nhưng ngay từ cuối năm 2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các ngành chức năng chuẩn bị mọi điều kiện, kể cả về cơ chế chính sách để tái đàn lợn sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, việc tái đàn gặp vô vàn khó khăn. Từ chủ quan là sự e dè, lo lắng của người chăn nuôi đến khách quan là giá lợn giống quá đắt.

Ông Trần Văn Hưng  (xóm Hòa Bình, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình) cho biết, trước khi có dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông thường xuyên nuôi gần 100 con lợn thịt, nhưng đến nay ông vẫn “treo” chuồng bỏ trống.

Ông Hưng chia sẻ: “Giá lợn giống quá cao, khoảng 2 triệu đồng/con, giá thức ăn chăn nuôi vẫn “neo” ở mức cao, trong khi chăn nuôi lợn hiện nay có nhiều rủi ro vì nhiều loại dịch bệnh; vệ sinh môi trường cũng đang gặp khó khăn nên tôi quyết định không nuôi lợn nữa”.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc chọn lựa tỷ lệ tái đàn phải dựa trên tổng đàn trước khi dịch bùng phát và thời gian tái đàn kể từ khi công bố hết dịch. Có vậy thì mới tính toán được sản lượng để cung ứng. 

Kết quả tái đàn đến nay, tổng đàn lợn của Thái Nguyên là 541.000 con, trong đó có xấp xỉ 100.000 lợn nái và đực giống, giảm 20% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, tổng đàn lợn của Thái Nguyên hiện tại tương đương với tổng đàn của năm 2016, 2017.

Số đầu lợn này đủ cung cấp sản lượng thịt lợn cho toàn tỉnh Thái Nguyên với dân số 1,3 triệu người, trong đó có hơn 100 nghìn công nhân, 60 nghìn sinh viên, là trung tâm các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ.

Cụ thể hơn, sản lượng thịt lợn của Thái Nguyên cung cấp cho thị trường trong quý I/2020 đạt 38.000 tấn, chỉ hụt 2.000 tấn so với cùng kỳ.

Trên thực tế, với sản lượng sản xuất hiện tại thì ngành chăn nuôi lợn của Thái Nguyên hoàn toàn đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường địa phương.

Như vậy, với tổng đàn lợn hiện tại, Thái Nguyên đã đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thịt lợn tại địa bàn. Thái Nguyên từng có thời điểm đạt tổng đàn lợn xấp xỉ 700.000 con. Con số kế hoạch tái đàn trong năm 2020 của Thái Nguyên là nâng tổng đàn lên 650.000 con, trong đó có 150.000 nái và đực giống. Việc tăng thêm gần 1/3 tổng đàn thực chất là để cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh và phục vụ xuất khẩu.

Tái đàn đảm bảo an toàn

Tiến sỹ Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên trải lòng, ông chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu nên những say mê, tận tụy với nghề được ông dồn hết tâm huyết vào việc vực lại ngành chăn nuôi lợn của địa phương thời điểm này.

Theo đó, dịch tả lợn Châu Phi với những thiệt hại to lớn nhưng cũng mang lại tư duy mới trong quản lý Nhà nước về chăn nuôi.

Trước hết, phải định hướng chăn nuôi theo hành lang pháp lý của Luật Chăn nuôi. Việc tích cực triển khai hiệu quả Luật Chăn nuôi chính là xương sống để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, khi áp dụng cũng cần rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo an sinh xã hội.

Ví dụ, Thái Nguyên có tới 70%  sản lượng chăn nuôi lợn từ chăn nuôi theo mô hình nhỏ lẻ. Áp dụng luật vội vã để xác lập quy hoạch một cách máy móc vô hình chung là xóa đi nguồn sống của người chăn nuôi, của ngành chăn nuôi. Đó chính là việc luật không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến vấn đề xã hội, đến đời sống của phần lớn nhân dân.

Vậy khắc phục những bất cập và triển khai tái đàn lợn như thế nào? Chiến lược, lối mở tất yếu là lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh theo phương châm phải quản lý dịch bệnh tận gốc.

Về mặt khoa học, lẽ ra Luật Chăn nuôi phải ra đời trước cả Pháp lệnh Thú y. Nhiệm vụ quan trọng của thú y bây giờ  không còn là chữa bệnh nữa mà phòng bệnh. Vì thực tế, một số bệnh dịch hiện nay chúng ta chỉ có thể chữa được triệu chứng mà thôi. Về cơ sở thực tiễn thì luật sẽ định hướng, cơ quan thú y ngoài nhiệm vụ thường trực thì tổ chức triển khai, hướng dẫn và giám sát luật.

Triển khai thực hiện, trên cơ sở quy hoạch chăn nuôi của các địa phương, quy hoạch xây dựng vùng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đối với chăn nuôi trang trại tập trung nhất thiết phải được cấp chứng nhận theo quy hoạch, cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Đối với các gia trại, mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ thì tổ chức thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Ông Hoàng Văn Dũng, PGĐ Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên: Tái đàn nhưng phải đảm bảo được sự an toàn, ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hoàng Văn Dũng, PGĐ Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên: Tái đàn nhưng phải đảm bảo được sự an toàn, ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Việc phân định rõ ràng quy mô chăn nuôi cũng như áp dụng phương thức cụ thể sẽ giúp giám sát chặt chẽ công tác thú y. Mặt khác, cơ chế trên không dẹp bỏ, thậm chí là xóa sổ mô hình chăn nuôi gia trại. Trái lại, đó lại là mô hình cung ứng sản lượng thịt lợn rất lớn và an toàn cho thị trường.

Thời gian vừa qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về nỗ lực phòng chống dịch Covid - 19. Có thể so sánh công tác thú y trong giai đoạn tái đàn lợn và xu hướng, phương thức phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới để chọn lựa giải pháp hợp lý.

Đó chính là đẩy mạnh triển khai Luật Chăn nuôi, chú trọng phòng bệnh, lập kế hoạch vùng sản xuất an toàn theo hướng giám sát dịch bệnh tận gốc. Song hành với việc thực thi các yêu cầu trên là hệ thống cơ chế chính sách ràng buộc cũng như hỗ trợ người chăn nuôi, như hỗ trợ vacxin, khử trùng tiêu độc, giám sát, lấy mẫu huyết thanh..., cơ chế chính sách hỗ trợ về giết mổ, vận chuyển...

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Thái Nguyên bày tỏ, bản thân ông sẽ nỗ lực hết sức để thuyết phục lãnh đạo các ngành, lãnh đạo địa phương triển khai trơn chu, bài bản cơ chế chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn. Chắc chắn, Thái Nguyên sẽ trở thành cơ sở sản xuất, chăn nuôi lợn an toàn tập trung lớn, phát triển bền vững với sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất