| Hotline: 0983.970.780

Quy trình phòng trừ tổng hợp cây trinh nữ thân gỗ

Thứ Hai 12/11/2007 , 17:18 (GMT+7)

Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, xây dựng các mô hình phòng trừ bằng các biện pháp tổng hợp, mới đây Viện BVTV đã công bố và khuyến cáo bà con nông dân các địa phương áp dụng “Quy trình phòng trừ tổng hợp cây trinh nữ thân gỗ Mimosa pigra L. ở Việt Nam”. Loài hoang dại có sức sống mãnh liệt này là nỗi ám ảnh của nhiều nông dân.

Đây là một tiến bộ kỹ thuật được hội đồng KHCN (Bộ NN-PTNT) nghiệm thu, đánh giá cao và ngày 15/10/2007 đã được Bộ NN-PTNT cho phép đưa vào áp dụng trong sản xuất đại trà. NNVN giới thiệu để bà con nông dân  tham khảo, áp dụng.

1. Phạm vi áp dụng: Qui trình được áp dụng cho tất cả các vùng đất ngập nước và các vùng đất khác đang bị cây trinh nữ thân gỗ (TNTG) xâm lấn bao gồm các vườn quốc gia ngập nước, khu vực lòng hồ chứa nước, ven sông, các vùng đất canh tác bán ngập và các khu vực đất canh tác khác.

2. Biện pháp phòng trừ tổng hợp cây TNTG tại các vườn quốc gia:

2.1. Đối với các khu vực đã bị xâm lấn nặng (diện tích che phủ >80%), tiến hành theo các bước sau:

+ Bước 1: Diệt cây trưởng thành:

- Đối với những cây thấp (dưới 1,5m), mọc theo băng: phun thuốc trừ cỏ Roundup 480SC hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 6 lít/ha, pha trong 1.000 lít nước) trước mùa lũ 2-3 tháng.

- Với các cây cao (trên 1,5m), mật độ dày, che phủ toàn bộ bề mặt nhưng không có khả năng huy động nhân công để phát quang đồng loạt: sau nước rút 3 tháng tiến hành chặt toàn bộ, chờ khi mầm mọc tái sinh cao 20-50cm (khoảng 30-35 ngày sau chặt) phun thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng 60g/ha, pha trong 60 lít nước).

- Với những cây mọc cao, mật độ dày, che phủ toàn bộ bề mặt nhưng có khả năng huy động nhân công để chặt: tiến hành phát quang toàn bộ ngay trước mùa lũ (chậm nhất là chặt trước khi lũ về 10 ngày), ngâm ngập trong nước lũ. Sau khi lũ rút 35-40 ngày, phun Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng 60g/ha, pha 600 lít nước).

+ Bước 2: Sau khi lũ rút, thu gom xác cây còn sót lại để đốt tiêu hủy, sau đó lựa chọn các loài thực vật đã mọc phổ biến ở từng khu vực trước khi cây TNTG xâm lấn để gieo cạnh tranh sớm. Có thể trồng cây điên điển hay trộn hạt của các loài cỏ hòa thảo lồng vực, lúa ma v.v… với các loài cỏ cói, lanh lác dù, lác mỡ, lác lá xòe v.v…

+ Bước 3: Giám sát thường xuyên để phát hiện và phòng trừ sớm cây TNTG mới mọc. Khi phát hiện thấy cây TNTG mọc lẫn trong thảm cỏ thì phun điểm bằng thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng 60g/ha, pha 600 lít nước) khi cây cao 35-50cm. Với các khu vực có nhiều cỏ lá rộng mọc và mật độ cây TNTG thấp, có thể áp dụng biện pháp nhổ thủ công sớm khi cây cao 20-25cm.

2.2. Đối với các khu vực mới bị xâm lấn nhẹ (diện tích che phủ <80%): tiến hành theo 2 bước sau:

+ Bước 1: diệt các cây đã mọc:

- Với những cây thấp (dưới 1,5m), mọc rải rác: phun Roundup 480SC hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 4,5 lít/ha, pha trong 800 lít nước) sau khi nước rút 3 tháng.

- Với các cây còn nhỏ (thấp hơn 1,5m), mọc rải rác, lẫn trong thảm cỏ hòa thảo và cói, lác thì sau khi lũ rút 1 tháng (với thảm cỏ hòa thảo) hoặc 3 tháng (với thảm cói lác), tùy theo mật độ cây thực tế mà phun thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 60g/ha pha trong 600 lít nước) theo điểm hoặc phun lên toàn bộ bề mặt; trong trường hợp cây TNTG mọc lẫn trong thảm cỏ lá rộng: nếu cây còn nhỏ (thấp hơn 30cm) thì nên áp dụng biện pháp nhổ thủ công. Nếu cây lớn hơn (từ 50-70cm) thì có thể phun Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 90g/ha pha trong 600 lít nước) hay áp dụng biện pháp chặt ngâm lũ khi mật độ cây trinh nữ cao.

+ Bước 2: giám sát thường xuyên để phát hiện và phòng trừ sớm các cây TNTG mới mọc. Khi phát hiện cây TNTG mới mọc lẫn trong thảm cỏ, phun điểm bằng thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 60g/ha pha trong 600 lít nước) khi cây cao 30-35cm. Với những khu vực có nhiều cỏ lá rộng mọc và mật độ cây TNTG thấp, có thể áp dụng biện pháp nhổ thủ công sớm khi cây mới cao 25-30cm.

3. Biện pháp phòng trừ tổng hợp cây TNTG tại các lòng hồ chứa nước hay vùng đất ven sông, suối: tiến hành theo 3 bước như đối với các vườn quốc gia:

+ Bước 1: diệt cây trưởng thành, giảm sinh khối để tạo điều kiện cho các bước tiếp theo.

- Trường hợp có khả năng huy động nhân công để phát quang đồng loạt: chặt đồng loạt trước mùa lũ. Sau đó ngâm ngập trong nước lũ. Sau khi lũ rút khoảng 45-60 ngày, phun Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 60g/ha pha trong 600 lít nước).

- Trường hợp không có kinh phí để phát quang đồng loạt thì phun Roundup 480SC hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 6 lít/ha, pha 1.000 lít nước).

+ Bước 2: trồng cây cạnh tranh sau khi lũ rút bằng cây tràm hoặc các loài thực vật có khả năng chịu ngập úng khác. Với các khu vực giáp ranh giữa vùng bán ngập và vùng đất khô nên trồng các loại cỏ hòa thảo có sinh khối lớn như: cỏ voi, cỏ mía để kết hợp chăn thả hay cắt làm thức ăn cho gia súc.

+ Bước 3: giám sát thường xuyên để phát hiện và phòng trừ sớm các cây TNTG mới mọc. Khi phát hiện cây TNTG mới mọc lẫn trong thảm cỏ, phun điểm bằng thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 60g/ha pha trong 600 lít nước) khi cây cao 35-50cm.

4. Biện pháp phòng trừ tổng hợp cây TNTG tại các vùng đất canh tác: tùy theo mức độ xâm lấn của cây TNTG có thể tiến hành phòng trừ theo một số bước như sau:

4.1. Đối với khu vực bị xâm lấn nặng, cây mọc dày đặc, kích thước cây lớn: tiến hành theo 3 bước:

+ Bước 1: sau khi lũ rút 1-2 tháng, chặt cây trưởng thành chờ cho cây mọc tái sinh cao 25-50cm phun thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 60g/ha, pha trong 600 lít nước), sau đó ngâm ngập lũ.

+ Bước 2: ngay sau mùa lũ tiến hành các hoạt động canh tác bằng các loài cây nông nghiệp cho phù hợp.

- Với các khu vực chủ động được nguồn nước có thể gieo hoặc cấy lúa. Sau khi gieo cấy 25-30 ngày, phun thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 30g/ha, pha trong 500 lít nước).

- Trong điều kiện đất khô: tiến hành gieo ngô, lúa cạn, lạc hay mía.

- Nếu trồng ngô và lúa cạn: sau khi gieo 25-30 ngày tiến hành phun thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 30g/ha, pha trong 500 lít nước).

- Nếu trồng mía: phát hiện và phun trừ cây TNTG từ 1-2 lần bằng thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 45g/ha, pha trong 500 lít nước) khi cây cao 30-50cm cho đến khi cây mía có thể che bóng toàn bộ mặt đất.

- Nếu gieo lạc: phải tiến hành trừ cỏ sớm trước khi cây che phủ toàn bộ mặt đất bằng cách nhổ thủ công và xới xáo là chủ yếu.

+ Bước 3: duy trì các hoạt động canh tác liên tục và thường xuyên kiểm tra, phát hiện để phòng trừ sớm bằng các biện pháp thích hợp. Trong trường hợp sau nước rút không thể tiến hành các hoạt động canh tác ngay (đất còn ướt hay nhiệt độ, thời tiết không phù hợp), cây con TNTG mọc nhiều thì có thể phun thuốc Ally 20DF hoặc các sản phẩm có cùng hoạt chất (lượng dùng 45g/ha, pha trong 500 lít nước) trước khi trồng cây 15-20 ngày.
 

4.2. Với các khu vực đã bị xâm lấn nhẹ, cây mọc thẳng hay kích thước bé: tiến hành theo 2 bước:

+ Bước 1: ngay sau khi nước rút, chặt bỏ cây TNTG, sau đó tiến hành các hoạt động canh tác và chăm sóc cây trồng như đối với bước 2 của mục 3.1 nói trên.

+ Bước 2: duy trì các hoạt động canh tác và thường xuyên kiểm tra, phát hiện để phòng trừ sớm bằng các biện pháp thích hợp như bước 3 của mục 3.1 nói trên.

Nguyên Khê

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.