| Hotline: 0983.970.780

Quyền năng nàng dâu chế ngự thói quen bố mẹ chồng

Thứ Sáu 01/11/2024 , 15:08 (GMT+7)

Quyền năng nàng dâu không chỉ khiến người chồng răm rắp nghe theo, mà đôi khi còn làm bố mẹ chồng phải chấp nhận lép vế để giữ hòa khí gia đình.

Tranh của Aymé.

Tranh của Aymé.

Quyền năng nàng dâu của Diễm được thể hiện trong một bối cảnh khá đặc biệt. Bởi lẽ, Diễm làm vợ Toàn khi cả hai đều không còn trẻ và Toàn là con trai duy nhất của gia đình ông bà Thịnh.

Khi anh Toàn đã 40 tuổi mà vẫn không nghĩ gì đến chuyện vợ con, chỉ quan tâm làm ăn buôn bán với nghề sản xuất hàng mỹ nghệ gỗ. Những đặc điểm cá tính, mọi nết ăn ở, tính tình hiếu thuận của Toàn tất cả đều làm hai ông bà hài lòng, ngoại trừ tính lười yêu.

Nói mãi, năn nỉ mãi, cậu con trai mới bằng lòng bố mẹ đi xem mắt vài đám do mối mai giới thiệu. Cuối cùng anh bằng lòng chọn cô Diễm. Có bề ngoài ngoan hiền, nhan sắc dễ nhìn, thùy mị, Diễm lại con nhà gia giáo. Cô cũng đã 38 tuổi, theo nghề gõ đầu trẻ như bố mẹ ruột.

Đám cưới diễn ra vui vẻ. Vợ chồng Toàn – Diễm sống chung với bố mẹ chồng. Và gia đình ông bà Thịnh lại gặp phải những bất ngờ ngoài dự liệu vì quyền năng của nàng dâu.

Không rõ Diễm chẳng biết hay chẳng thiết, mà không hề động tay vào bếp núc. Hàng ngày hai ông bà Thịnh chứng kiến con trai làm gì thì làm, cứ đến giờ đã định, anh Toàn đều lục cục đi chợ, đi siêu thị rồi sau đó lăn vào làm bếp. Hỏi tại sao không bảo vợ làm, anh Toàn đáp tại cô ấy hôm nay không được khỏe, cô ấy còn bận bài vở trên trường, hoặc cô ấy làm món này không ngon bằng con, thôi thì để con làm bếp hay hơn. Ông bà Thịnh hỏi tới nữa là đến lượt anh Toàn nổi cáu.

Ngay từ ngày đầu về nhà chồng, Diễm đã chứng tỏ quyền năng nàng dâu rồi. Buổi chiều hôm hai vợ chồng định cùng nhau đi nhận họ, Diễm đã nhất định không đi. “Thôi, anh đi giùm em. Hôm nay em không rảnh” Thế là Toàn đành đi chào họ một mình. Tối về hơi trễ, anh bị cô vợ khóa cửa phòng không cho vào, báo hại Toàn phải ra sofa ngủ cuộn tròn trên ghế.

Ông bà Thịnh rất rầu rĩ. Té ra có vợ xong, thằng Toàn còn tất bật vất vả hơn nhiều so với lúc còn độc thân. Ông bà Thịnh cằn nhằn với con trai, Toàn đáp: “Con đây không kêu khổ thì thôi, việc gì mà bố phải than thở. Vậy chứ ai cứ đòi con phải cưới vợ. Bây giờ chuyện gia đình con, cứ để con thu xếp”

Ấy thế mà gia đình của Toàn lại êm ấm ra phết. Tuy vất vả mệt nhoài hơn trước kia, nhưng Toàn dường như ngày càng thương yêu Diễm hơn. Hai vợ chồng mỗi tối thường lấy xe chở nhau đi chơi đây đó.

Không phải Diễm hoàn toàn không biết nấu ăn, cô cũng có một vài món ăn “ruột” thường làm cho nhà chồng thưởng thức, chẳng hạn như làm yaourt, bánh flan hoặc kem chuối. Tuy đó không phải là những món chủ yếu, nhưng ít ra nàng dâu cũng còn biết xoay xở chút đỉnh trong nhà bếp. Ngoài giờ đến trường, đứng lớp, Diễm tập trung soạn giáo án, hoặc lau nhà.

Dần dần Diễm bắt đầu mở rộng quyền năng nàng dâu, khi xâm nhập vào thế giới làm ăn của nhà chồng. Thứ bảy, chủ nhật cô ra cửa hàng buôn bán, góp ý chồng bày biện lại cửa hàng, chỗ này nên thêm vào, chỗ khác cần bỏ đi. Nói chung, đối với những lời nói của vợ, Toàn đều răm rắp làm theo, ít khi nào từ chối. Có những điều mà trước đây vợ chồng ông bà Thịnh đã từng nói, nhưng Toàn không bao giờ nghe theo.

“Bố mẹ nói nó không nghe, bây giờ vợ nó nói là nó nghe theo”. Ông bà Thịnh tâm sự có phần ấm ức, không hài lòng. Đợi lúc Diễm không có ở nhà, ông bà đem chuyện ra cật vấn con trai, thì Toàn đáp: “Tại vì lúc đó bố mẹ chỉ nằng nặc áp đặt con phải làm theo, mà không chịu giải thích rõ tại sao phải làm như thế. Bây giờ khi con nghe Diễm giải thích thấu tình đạt lý thì con làm theo”.

Trước một ngàn lẻ một cách nói bênh vực vợ của con trai, hai ông bà chỉ còn cách bảo nhau, chuyện vợ chồng nó để chúng nó lo, miễn sao gia đình nó êm xuôi là được, mình có lo liệu được cho chúng nó hết đời đâu mà lo bò trắng răng.

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?