Thưa cô kính mến!
Bố mẹ cháu rời quê hương Thanh Hóa vào Nam khi chị em cháu còn bé tí. Khi đó cháu 6 tuổi, vừa vặn vào lớp Một, em trai cháu cũng vừa tuổi mẫu giáo. Số là bác cả nhà cháu vào sớm, khen lấy khen để khí hậu và con người ở trong đây. Thế nên bố cháu đã vào theo.
Ông bà nội không giàu có gì, bác và bố cháu để lại đất đai ít ỏi ấy cho chú út chăm bố mẹ khi đó chưa già, nhưng sẽ già yếu. Thu xếp ấy là hợp lẽ với những gia tộc không có gì. Mà ở quê cháu, số ấy rất đông.Cật lực làm ăn cô ạ.
Tỉnh xa, người miền ngoài ít, bố mẹ không bằng cấp gì, không mác cán bộ như bác cả nên buôn bán kiếm sống. Dần dần, thuộc chợ, thuộc mặt hàng, thuộc đường đi nước bước, bố mẹ thuê nhà to hơn, làm nhà vựa một thể.
Tuổi thơ của chúng cháu cơ cực lắm cô ạ. Nhưng điều an ủi nhất là thời tiết hiền lành, rất dễ sống.Khi sống bằng cửa hàng tạp hóa của khu dân cư mới, cả nhà mới thở phào. Nhà hình ống, tiếp đất, có gác lửng. Nhờ mua bán đắt hàng, bố mẹ không còn thức khuya dậy sớm với cá với gà vịt và nông sản nữa.
Khi ấy cháu cũng gần xong PTTH, nửa muốn ở nhà buôn bán, nửa muốn ôn luyện để vào đại học. Chưa chi thì vướng lưới tình cô ạ.
Đến khi chính thức yêu, cháu 20 còn anh ấy 30. Bố mẹ cũng muốn cháu vào gia đình ấy cho gần, trong tầm mắt của bố mẹ. Có điều anh đã một lần dở dang, có một đứa con 5 tuổi sống với mẹ nó.
Anh theo đuổi quá, cháu không muốn xiêu cũng không được. Hoàn cảnh của anh là để nhà cũ cho vợ cũ nuôi con, anh đã về sống với bố mẹ ruột trong căn hộ nhỏ (như cái nhân), có vườn rộng và một gia đình em gái ở một bên trái, một gia đình em trai út ở bên phải.
Yêu thì dễ nhưng thành vợ anh ấy cháu sợ quá cô ơi. Trẻ người non dạ, chị dâu cả (trong này gọi là chị Hai) rồi phải sống cùng ba mẹ chồng ư? Sao bố mẹ cháu không thấy mà ngăn lại sớm?
Từ tiệm tạp hóa của bố mẹ cháu về vườn của anh ấy chỉ có 2 cây số. Cháu sợ mình non nớt, sợ người ta kỳ thị, cháu sợ mình không làm nổi vai trò gì. Cháu rên với anh ấy suốt, anh ấy chỉ nói, cưới vợ lần 2, có điên mới không dám cưới vợ trẻ. Về, có anh, anh có kinh nghiệm với hôn nhân rồi, đừng sợ gì cả. Cháu sợ là đúng phải không cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Cô tiếc là cháu xong PTTH mà không đi trung cấp, học lấy một nghề. Yêu sớm quá. Ví như học làm y tá, học điều dưỡng, hay gì gì đó. Bập vào một anh đã lỡ dở, có con riêng, rất nan giải nha cháu. Mà các anh đã từng có gia đình, có kinh nghiệm “săn” gái trẻ, lại sống gần nhau, thoát cũng khó.
Cháu ngại với lý do thứ nhất: rất chính đáng. Cháu là gái tơ, bước vào với vai trò dâu cả, chắc chắn là ngờ ngệch, rất dễ bị xét nét. Ấy là chưa kể người ta còn xem cháu đối xử ra sao với vợ cũ của chồng, con riêng của chồng.
Phải hiểu rằng, bỏ nhau không có nghĩa là kết thúc gặp gỡ bởi trách nhiệm và tình thương. Tự nhiên máu mủ nó khiến vậy, lằng nhằng, có thể người ta không thích dâu cũ nhưng có thể thương cháu nội hơn.
Lý do thứ hai đáng ngại là Bắc và Nam cũng có đôi chút khác biệt văn hóa… Một thực tế là người phía Bắc vào ngày mỗi đông, làm ăn lại giỏi (do cần cù tháo vát) nên người cũng bị dè chừng. Thấy phất lên, nghi và ngại.
Lại nữa, phải thừa nhận là nói nhiều, làm nhiều nên cũng nói nhiều, miệng nói tay làm. Do đến từ vùng đất khắc nghiệt, tính toán kỹ và xài kỹ, ấy là ưu điểm khi sống cùng nhau một gia tộc, đến lúc thành con dâu nhà người ta thì cũng dễ va chạm, bị kêu hoặc là chính cháu cũng thấy nọ kia. Ấy là chưa nói đến khác về ẩm thực, gu ăn.
Nói là nói vậy nhưng khi đã yêu đến tận cùng thì sẽ có sức mạnh, vượt qua được hết. Cháu sẽ vì cậu ấy và gia đình cậu ấy mà nhấc mình lên, già dặn, giỏi giang, quán xuyến, chi tiết, xả thân, dễ thương, dễ có cảm tình.
Một năm đầu thôi, khi đã quen nết ăn nết ở nhau, cháu đã qua một cửa ải có thể gọi là chướng ngại lớn nhất. Rồi thì có bầu, sinh con, đứa trẻ ấy sẽ là thiên thần trong gia đình, trong gia tộc, không còn gì có thể lớn hơn nó để phàn nàn, hục hặc. Chỉ nên nhớ, dù không ở gần đứa con riêng của chồng, vẫn phải thương nó, chăm nó. Vì nó là đứa thiệt thòi xa cha vắng nội, nhớ nhé.